Ngôi làng ở Ấn Độ trồng cây xanh chào đón bé gái ra đời

23:32 | 21/03/2021;
Ở Ấn Độ, trẻ em gái thường ít được coi trọng hơn trẻ em trai. Nhưng sau khi mất con gái do bạo bệnh, ông Paliwal đã phát động một chiến dịch độc đáo trong làng, nhằm nâng cao nhận thức về giới tính.

Năm 2005, khi ông Shyam Sunder Paliwal trở thành trưởng làng ở Piplantri, một tập hợp gồm sáu ngôi làng nối liền nhau ở Rajasthan, tây bắc Ấn Độ; việc khai thác đá cẩm thạch đã làm xói mòn những ngọn đồi, đất xung quanh khô cằn, lá cây bạc màu. Và cũng giống như ở hầu hết các vùng khác của Ấn Độ, trẻ em gái ở đây bị coi là gánh nặng tài chính và không có giá trị như con trai, những người thường giúp đỡ bố mẹ về mặt kinh tế.

Sau đó, vào năm 2007, con gái 17 tuổi của Paliwal, cô bé Kiran, qua đời sau một cơn bạo bệnh do mất nước. Vì đau lòng, để tưởng nhớ đến cô con gái đã mất, gia đình ông đã trồng một cây xanh gần cổng làng và lấy tên con gái đặt cho cây. Với tư cách là trưởng làng của Piplantri, Paliwal nghĩ tại sao không biến điều này này thành một chương trình trên diện rộng? Và từ đó, những người dân làng khác bắt đầu làm theo sự hướng dẫn của ông.

Trồng cây xanh mỗi khi bé gái được sinh ra

Giờ đây, mỗi khi một bé gái chào đời ở Piplantri, dân làng lại trồng 111 cây xanh - một con số mang ý nghĩa tốt lành theo quan niệm của người Hindu ở địa phương. Điều này vừa nhằm thể hiện sự trân trọng đối với trẻ em gái vừa giúp tái tạo môi trường ở Piplantri.

Ngôi làng ở Ấn Độ trồng cây xanh mỗi khi có bé gái sinh ra   - Ảnh 1.

Cộng đồng nhỏ Piplantri đã trở thành hình mẫu cho chủ nghĩa môi trường và nữ quyền. Ảnh: Bhavya Dore

"Nếu chúng ta có thể làm điều đó với một bé gái, tại sao lại không làm như vậy mỗi khi những bé gái khác được sinh ra?" - Ông Paliwal chia sẻ

Paliwal nói: Khu vực này hiện có hơn 350.000 cây xanh, từ xoài và chùm ruột đến gỗ đàn hương, và tre sinh sôi trên khắp các vùng đất cằn cỗi và có diện tích ước tính 1.000 ha.

Trong những năm gần đây, ý tưởng đơn giản của Paliwal đã mở rộng thành một phong trào nữ quyền sinh thái rộng lớn hơn. Cùng với việc trồng cây, cha mẹ của các bé gái cũng ký một bản chấp thuận sẽ không cho con gái kết hôn trước 18 tuổi và sẽ cho con đi học xong. Dân làng cũng mở một tài khoản với tiền gửi cố định là 31.000 Rs (gần 10 triệu đồng) cho mỗi bé gái. Các bé gái có thể sở hữu khoản tiền này khi đủ 18 tuổi, để trang trải cho việc học hành hoặc đám cưới của mình.

Nâng cao nhận thức về môi trường

Khu rừng ở Piplantri hiện đang là ví dụ về cách giúp các ngôi làng Ấn Độ trở nên xanh tốt hơn nhờ cải thiện vấn đề quản lý nước. Theo đó, ý tưởng đơn giản của Paliwal đã mở rộng thành một phong trào nữ quyền sinh thái rộng lớn.

Dưới lớp lá che phủ, và với những lời cảnh báo phải đề phòng rắn và bọ cạp, Paliwal đi đến một khu đất trống nhỏ có một cây hoa bìm bịp mảnh mai gần lối vào làng. Paliwal cho biết đó là cây xanh đầu tiên ông trồng, bây giờ xung quanh có rất nhiều cây khác.

Mặc dù dân làng trồng 111 cây xanh cho mỗi bé gái sinh ra, nhưng vào tháng 8 hàng năm khi gió mùa về, còn có một lễ trồng cây đặc biệt diễn ra cho tất cả các cô gái sinh ra trong 12 tháng trước đó. Paliwal ước tính có khoảng 60 bé gái được sinh ra mỗi năm tại ngôi làng 5.500 người này.

Tại một khu vực của làng, trưởng làng và các quan chức đến thăm cũng được khuyến khích tuyên thệ bên cạnh cây, hứa sẽ làm việc có trách nhiệm và bảo vệ môi trường.

Ngôi làng ở Ấn Độ trồng cây xanh mỗi khi có bé gái sinh ra   - Ảnh 2.

Paliwal đã trồng cây xanh đầu tiên sau khi con gái đột ngột qua đời. Ảnh: Bhavya Dore

"Trong lịch sử, những người từ vùng Rajasthan này là những chiến binh chưa bao giờ chấp nhận thất bại. Và chúng tôi cũng vậy", Paliwal nói, trước khi kể lại tên các vị vua huyền thoại mà vùng này đã sản sinh ra. "Trong những thế kỷ trước, họ đã chống lại các cuộc tấn công, còn bây giờ chúng tôi chống lại bệnh tật và ô nhiễm môi trường".

Khi cây cối của Piplantri phát triển, mực nước ngầm tăng lên và sự thay đổi văn hóa đã cải thiện địa vị của phụ nữ. Nikita Paliwal, năm nay 14 tuổi, là một trong những bé gái đầu tiên được trồng cây mang tên mình. Giờ đây, cô bé vọng sẽ trở thành bác sĩ và làm việc để giúp đỡ người nghèo. "Chúng ta cũng nên đứng trên đôi chân của chính mình," cô nói.

"Nếu bạn tiếp tục nỗ lực làm việc, chắc chắn sẽ có kết quả tốt. Mọi người sẽ tham gia cùng bạn", ông Paliwal nói.

Sáng hôm diễn ra lễ trồng cây, nhiều phụ nữ chia thành các nhóm làm đất để chuẩn bị trồng trọt. Mặc dù nghi lễ trồng cây chỉ diễn ra một lần trong năm, nhưng công việc này thì luôn diễn ra quanh năm.

Ngôi làng ở Ấn Độ trồng cây xanh mỗi khi có bé gái sinh ra   - Ảnh 3.

Đến nay, dân làng ở Piplantri đã trồng hơn 350.000 cây xanh. Ảnh: Bhavya Dore

Tạo việc làm cho người dân địa phương

Trồng cây xanh là một phần quan trọng của chiến lược toàn làng, không chỉ để tôn vinh trẻ em gái và tái tạo môi trường, mà còn tận dụng việc trồng rừng để tạo thu nhập cho người dân địa phương. Một người dân địa phương cho biết: "Cách tiếp cận của chúng tôi là tạo ra việc làm thông qua các nguồn tài nguyên thiên nhiên".

Làng đã thành lập các hợp tác xã phụ nữ để tạo ra các sản phẩm từ nha đam, chẳng hạn như nước ép, thực phẩm và gel để bán trong làng. Trong năm tới, họ có kế hoạch mở rộng sang các sản phẩm làm từ quả lý gai, tre và mật ong, tất cả đều đã được trồng hoặc chăm bón cùng với nỗ lực phủ xanh của làng.

Ngôi làng ở Ấn Độ trồng cây xanh mỗi khi có bé gái sinh ra   - Ảnh 4.

Các hợp tác xã phụ nữ được thành lập từ sáng kiến trồng rừng. Ảnh: Bhavya Dore

"Bạn phải kết nối tất cả", Paliwal nói. "Nếu bạn trồng cây, bạn cần nước và đất. Sau đó, bạn thu hút các loài chim. Nhiều cây xanh sẽ mang lại nhiều mưa hơn". Dân làng cũng trồng 11 cây mỗi khi có người mất. Tất cả việc trồng rừng đều diễn ra trên đất của xã, trải rộng qua các thôn mà trước đây đã phát triển trái phép. Ông Paliwal chỉ vào những ngọn núi phía xa, được khoét và khai thác sâu, nơi có những thảm thực vật non nớt. Trên đỉnh một đồi đầy đá, những chồi cây mía mọc ra xanh ngắt.

"Ở đâu có khai thác, ở đó có sự xuống cấp. Chúng tôi đã và đang làm việc để bù đắp điều này" - Ông Piplantri nhấn mạnh

Kế hoạch thu hoạch nước của Piplantri bao gồm việc giữ lại dòng chảy của nước và tăng mực nước ngầm bằng cách xây dựng các mương, đê và đập. Trên khắp ngôi làng, những tấm áp phích lớn mô tả hình ảnh trước và sau khi trồng cây xanh là minh chứng cho sự chuyển mình của Piplantri: từ khô và nâu sang màu xanh tươi tốt.

Ngôi làng ở Ấn Độ trồng cây xanh mỗi khi có bé gái sinh ra   - Ảnh 5.

Piplantri đã biến đổi từ một khu vực cằn cỗi thành một ốc đảo xanh. Ảnh: Bhavya Dore

Nimisha Gupta, giám đốc điều hành của các cơ quan quản lý địa phương của quận cho biết: "Tôi có thể thấy sự khác biệt lớn giữa 2007-2008 và điều này cho thấy cách một người có thể tạo ra sự thay đổi. Các kế hoạch của chính phủ, nếu được thực hiện đúng cách, có thể làm nên điều kỳ diệu. Nhưng không phải tất cả các làng đều sử dụng ngân sách tốt."

Vào năm 2018, chính quyền bang đã thành lập một trung tâm đào tạo để giáo dục mọi người về "Mô hình Piplantri". Trung tâm có các kỹ sư, quan chức và cư dân từ các quận khác, những người hy vọng sẽ nhân rộng mô hình thu hoạch nước và trồng cây của Piplantri ở những nơi khác ở Rajasthan cũng như trên cả nước. Có khoảng 50 đến 60 du khách đến Piplantri vào một số ngày. Hầu hết họ đến để tham dự các hội thảo trong trung tâm đào tạo. Thậm chí trong làng còn có một dãy nhà tranh làm nơi ở cho khách đến ở dự hội thảo ở lại.

Ngôi làng ở Ấn Độ trồng cây xanh mỗi khi có bé gái sinh ra   - Ảnh 6.

Khi Ruchika được sinh ra, cha mẹ cô đã trồng cây, mở tài khoản ngân hàng cho cô và hứa sẽ cho cô hoàn thành việc học. Ảnh: Bhavya Dore

Trẻ em gái không còn là gánh nặng

Bà Nanubhai Paliwal, dì của Nikita cho biết bà có hai con trai nhưng khi Piplantri bắt đầu quan tâm đến trẻ em gái, bà cũng bắt đầu ước có cháu gái. Bây giờ bà có hai người cháu gái, và những cây xanh cũng được trồng khi chúng mới sinh ra.

"Trước đó, trẻ em gái được coi là một gánh nặng. Bây giờ chúng tôi không nghĩ như vậy. Chúng tôi không có mong muốn đặc biệt nào về con trai." Sau đó, bà ấy nhìn xung quanh, chỉ vào những cây xanh và nói: "Đó là một ngôi làng nhỏ. Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ, chúng tôi đã làm cho nó trở nên đặc biệt. Và bằng cách này, chúng tôi cũng có được việc làm và thu nhập."

Theo Gupta, một phần thành công về môi trường của Piplantri đến từ việc gắn kết môi trường với con người một cách trực quan. "Khi bạn gắn điều này với truyền thống và coi cây cối như những thành viên trong gia đình, nó sẽ tạo nên ý nghĩa đặc biệt về mặt cảm xúc", cô nói.

Mối liên hệ của dân làng và thiên nhiên luôn có thể được cảm nhận. Prem Shankar Salvi, một người dân địa phương cùng vợ và con gái một tuổi, Ruchika đến trung tâm làng với một chiếc bánh. Salvi muốn tổ chức sinh nhật của mình giữa rừng cây xanh. Anh nói: "Làm theo cách này thật đặc biệt. Chúng tôi nghĩ, tại sao không làm một điều gì đó khác biệt?"

"Hãy để con bé làm theo ý muốn khi nó lớn lên. Con bé được sinh ra, giống như nữ thần Lakshmi đã đến nhà của chúng tôi vậy". - Salvi nói về con gái của mình.

Khi Ruchika được sinh ra, Salvi và vợ đã trồng cây, ký vào bản tuyên thệ và mở một tài khoản tiền gửi cố định cho cô bé. Theo chia sẻ từ Salvi, anh sẽ cho con gái đi học miễn phí ở cấp tiểu học. Trên thực tế, tại một trong chín trường làng do chính phủ quản lý ở đây, tỷ lệ tuyển sinh từ học sinh nữ và nam sinh là 33:19. Giridharilal Jatia, một hiệu trưởng trường học địa phương cho biết: "Không ai bỏ học, bất kể đẳng cấp hay xuất thân. Trong 10 năm qua, chúng tôi thấy được sự thay đổi này. Trước đó, có rất ít trẻ em gái đến trường".

Ngôi làng ở Ấn Độ trồng cây xanh mỗi khi có bé gái sinh ra   - Ảnh 7.

Ngày nay, nhiều nữ sinh theo học tại trường địa phương hơn nam sinh. Ảnh: Bhavya Dore

Yana Paliwal, mới hai tuổi, vẫn chưa hiểu rằng cây cối đã được trồng theo tên cô, mang niềm hy vọng mà cha mẹ gửi gắm vào. Mẹ của cô bé, Sangeeta Paliwal, người đã chuyển đến Piplantri sau khi kết hôn 12 năm trước, ít được tiếp cận với giáo dục khi còn nhỏ nhưng quyết tâm ưu tiên việc học cho con gái thay vì hôn nhân như trước đây. Sangeeta thường che mặt, tuân theo tập tục bảo thủ ở làng của mình trước đây. Ở Piplantri, cô đã có thể hoàn thành bằng đại học của mình thông qua đào tạo từ xa, cô có thể lái xe và cô ấy đã bắt đầu đi làm.

"Mọi thứ đã thay đổi", cô nói.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn