Ngọn nến cuối ngày không tắt của cặp tình già ở Trại Phong

22:13 | 15/11/2016;
“Chúng tôi mới về ở bên nhau được 3 năm nay”, ông Cáp Trọng Xuân (87 tuổi) vừa nắm chặt bàn tay thiếu ngón của bà Hoàng Thị Các (80 tuổi) vừa khoe.

Ngồi bên ông Xuân, bà Hoàng Thị Các liếc đôi mắt mờ đục và nụ cười móm mém chan chứa hạnh phúc về phía ông trrong ánh chiều chạng vạng ở trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh). “1 chân trái bị cưa và lắp chân giả 30 năm nay, nhưng ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm từ dãy nhà dành cho bệnh nhân nam, tôi lại lên phòng bà ấy đều đặn. Mưa cũng như nắng, ngày đông giá lạnh cũng như ngày hè oi bức, nghĩ đến bà ấy, chân tôi vẫn dẻo dai lắm” – cụ Xuân hóm hỉnh chỉ vào cái chân gỗ của mình như 1 chiến tích.

Ông bảo, đã khỏi bệnh hàng chục năm nay, cái chân giả được che đậy kín bằng ống quần, chỉ có vết chàm ở giữa má và cổ là dấu vết ít ỏi có thể tố giác căn bệnh của ông với người ngoài thôi.

trai-phong4.jpg
Lúc không có việc gì, tôi lại nắm bàn tay cụt nhiều ngón của bà ấy cho ấm lại.

Kém ông 7 tuổi, bà Các cũng không phải dùng thuốc vài năm nay, nhưng ngón chân, ngón tay bà đều bị cụt do căn bệnh quái ác ngày nào, giờ bà Các yếu đau nhiều, tai ngễnh ngãng, mắt mờ lòa. Ông Xuân tâm sự: “Tôi thương bà ấy yếu hơn, mỗi sáng tôi lại giúp bà ấy giặt quần áo, rửa chén bát khi bà ấy ăn uống xong. Lúc bà ấy đau ốm, nằm 1 chỗ, tôi cũng là người thay rửa cho bà ấy. Tôi chả nề hà bất cứ việc gì, mà thấy hạnh phúc khi giúp được bà ấy, dù là việc rất nhỏ, như lấy cái lược, chải tóc cho bà ấy. Khi không có việc gì, tôi lại nắm bàn tay cụt nhiều ngón của bà ấy cho ấm lại và hát vài câu tuồng cổ cho bà ấy nghe. Không biết bà ấy nghe rõ tôi hát không, nhưng bà ấy cười rất tươi”.

Ông Xuân không thể ngờ, cuộc đời thăng trầm, thời gian buồn lặng nhiều hơn lúc vui của ông, lại đem đến cho ông những tháng ngày cuối đời ấm áp, bình yên và hạnh phúc đến thế!

Ông sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình đông anh em, nhưng chỉ duy nhất mình ông mắc căn bệnh quái gở, đó là lúc học hết tiểu học, tay phải cầm cái gì cũng run run, còn 1 bên chân trái thì cứ thế teo dần. Bác sỹ nói, ông có triệu chứng của căn bệnh hủi. Nghe cái tên bệnh, chẳng biết từ lúc nào, người nhà cứ dần tránh gặp, tránh tiếp xúc với ông. Hàng xóm cũng xì xào, lẩn trốn khi gặp ông, vì sợ lây bệnh. Sống mà làm khổ tâm bố mẹ nhiều quá, ông đành phải bỏ nhà đi xa, tránh gây hoạ cho gia đình.

trai-phong3.jpg
Dãy nhà bình yên trong trại phong Quả Cảm, nơi ông tìm được hạnh phúc những năm tháng cuối đời 

Cả cuộc đời ẩn giấu ở trại phong Quả Cảm này, với bao nỗi đau đớn, tủi hờn về bệnh tật, về nỗi buồn bị gia đình bỏ rơi, xa lánh, về nỗi đau đời mất mát người thân, có những lúc ông cảm thấy cô đơn đến cùng cực, khi sống ở ngay gần xã nhà, mà không dám 1 lần về làng. Ngày cha mẹ mất, ông không hay biết, khi biết tin thì ông không dám về vái lạy cha mẹ. “Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ bố mẹ, tôi đã khóc 1 mình, nhưng tôi vẫn không thể quay về” – ông Xuân kể.

62 năm sống ở trại phong này, đến giờ, ông vẫn nhớ như in cái đêm ông bỏ trốn gia đình vào trại lúc 3 giờ sáng ngày 10/11/1954. Lúc đó ông mới ngoài 20 tuổi.

Cả mấy chục năm trời, bố mẹ, anh em họ mạc chắc nghĩ ông đã chết, nên cũng không ai đi tìm ông. Ông Xuân bảo, những ngày buồn nhất của đời ông đã dịu dần khi gặp Cha cố ở nhà thờ hướng ông gửi lòng tin vào đức Chúa. Rồi những ngày lễ của trại, ông mạnh dạn tham gia múa quạt, hát tuồng cổ. Nhờ giọng hát mượt mà ấy, ông đã lọt vào mắt của cô gái kém ông 7 tuổi, người ở Quảng Bá (Hà Nội), cô mới bị bệnh và phải vào trại chữa trị.

Đám cưới đơn sơ của ông và người phụ nữ ấy diễn ra nhanh chóng. Vợ chồng ông sinh được 2 người con, 1 trai, 1 gái. Hạnh phúc mới vừa giúp ông xua đi nỗi buồn, thì đứa con gái bé bỏng không may mất sớm. Lo buồn, vợ ông ôm con trai bỏ về quê, rồi lấy chồng khác sau 4 năm vợ chồng, trả lại ông đơn côi với trại phong này.

trai-phong1.jpg
Con đường từ dãy nhà của bệnh nhân nam này đã ghi dấu chân gỗ của ông Xuân đến với bà Các mỗi ngày   

Đã quen với nỗi đau, ông cũng chẳng buồn tiếc quãng thời gian xum họp với tổ ấm quá ngắn ngủi, nỗi đau đời vẫn chưa muốn buông tha người đàn ông quen vò võ với đời như ông. Người vợ cũ ấy cũng mất năm bà 49 tuổi. Sau đó, con trai ông lấy vợ và sinh được 4 cháu nội cho ông, nhưng năm 49 tuổi, con trai ông cũng theo mẹ và em gái về với tiên tổ.

Bà Các cũng có chồng con, khi phát hiện bị bệnh hủi, bà cũng phải rời bỏ gia đình vào trại phong chữa bệnh. Chồng bà ở nhà nuôi con 1 mình và mất cách đây hơn 10 năm.

“Có nhiều nỗi đau, đồng cảnh về cuộc đời, nên chúng tôi làm bạn gắn bó, có cảm tình lúc nào chẳng rõ” – ông Xuân vui vẻ nói. Giờ thấy bà ấy đau yếu nhiều, ông quyết định công bố với mọi người rằng “Chúng tôi muốn thành cặp đôi để tiện giúp nhau. Đã gần đất xa trời, biết thương nhau được mấy ngày nữa đâu mà ngại ngần chi nữa?”.

Cuối tuần, các con cháu chắt của cả 2 gia đình thi thoảng lại kéo lên đây thăm ông bà, những tiếng gọi bố, mẹ, ông nội, bà ngoại cứ ríu rít cả khu tập thể. Chiều chiều, ông Xuân đi bộ ra cổng trại, mua 2 cái bánh rán, 2 bánh giò hay ít trái cây về để 2 người cùng ăn, cùng cười. “Tình cảm con người cũng có lúc thắm, lúc phai, lúc mặn lúc nồng, nó giống như chu kỳ thời gian với mỗi người vậy. Tận lúc trái tim gần ngừng đập, chúng tôi mới được bên nhau, nên càng không muốn rời nhau nửa bước” – ông Xuân nói vẻ tiếc nuối. Đó là lý do ông xây sẵn 2 cái mộ song song nhau ở nghĩa địa, để khi chết ông bà vẫn nằm bên nhau.

Tấm tình từ trái tim ấy của ông Xuân và bà Các đã được nhiều người ở trại phong này cảm phục, họ như ngọn nến cuối ngày không tắt, nên đã tự chế theo nhạc bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” để hát tặng cặp tình già này: “Cụ bà vẫn đẹp sao, cụ ông vẫn đẹp sao. Dù hàm răng không còn chiếc nào, dù da dẻ nhăn nheo như là da mít, dù cho trái tim không còn muốn đập, nhưng vẫn cầm trên tay 1 lá thư tình”./.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn