Ngọt ngào mùa lê ở Si Ma Cai

15:59 | 24/09/2022;
Cây lê Tai Nung đã và đang mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình ở xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Phụ nữ người dân tộc Mông nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi đồi ngô, đồi sắn sang trồng cây lê đặc sản.

Cây lê Tai Nung đã bén rễ trên đất Quan Hồ Thẩn từ 6 năm trước. Giờ nó đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây. Thực ra, những năm trước đây, bà con người Mông nơi đây có trồng lê, nhưng nó còn lẻ tẻ và chưa thành vùng sản xuất hàng hóa. Từ khi giống lê Tai Nung (giống lê của Đài Loan) được đưa vào trồng đại trà, nó đã làm thay đổi bộ mặt của xã miền núi này. 

Ngọt ngào mùa lê ở Si Ma Cai  - Ảnh 1.

Chị em phụ nữ người Mông ở xã Quan Hồ Thẩn thu hoạch lê bán cho đại lý thu mua tại trung tâm xã.

Gia đình chị Vũ Thị Nhung, ở thôn Lảo Thẩn, xã Quan Hồ Thẩn là một trong những hộ dân đầu tiên của xã đưa cây lê vào trồng trên diện rộng. Hiện gia đình chị Nhung có gần 4ha lê. Chị đã thu được 3 vụ. Giá lê hiện tại đang bán là 40.000đ/1kg, mỗi năm vườn lê mang lại cho gia đình cả trăm triệu đồng. "Giống lê mới này cho chất lượng thơm, ngon, mã đẹp lại bán được giá. So với trồng cây ngô, cây sắn, cây lê cho thu nhập cao gấp nhiều lần", chị Nhung cho biết. 

Ngọt ngào mùa lê ở Si Ma Cai  - Ảnh 2.

Phụ nữ người Mông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay vì trồng ngô, trồng sắn, chị em đã cải tạo vườn tạp để trồng giống lê mới Tai Nung.

Từ vườn lê mẫu của gia đình chị Nhung, nhiều hộ dân khác trong xã Quan Hồ Thẩn cũng cải tạo vườn tạp để trồng lê. 5/8 bản của xã nằm trên độ cao 1500m so với mặt nước biển nên cây lê phát triển tốt và rất sai quả. Vợ chồng anh Tráng Seo Xà ở thôn Lao Chải cũng trồng 2,5 ha lê Tai Nung. Cây lê đã bước sang năm thứ 6. Vợ chồng anh đã thu được 2 vụ lê. Theo anh Xà, mỗi ha lê nếu chăm sóc tốt cho thu 4-6 tấn quả. Khi cây lê trưởng thành khoảng 10 năm, sản lượng sẽ tăng lên gấp đôi gấp 3 lần. "Nhờ trồng giống lê mới mà gia đình tôi có của ăn, của để. Không còn cảnh lo đói giáp hạt như những năm trước", anh Xà cho biết. 

Ngọt ngào mùa lê ở Si Ma Cai  - Ảnh 3.

Mỗi ha lê cho thu hoạch từ 4- 6 tấn, sau 10 năm sản lượng sẽ tăng gấp đôi.

Từ năm 2000, xã Quan Hồ Thẩn được sáp nhập bởi 3 xã Quan Thần Sán, Cán Hồ và Mản Thẩn. Đây là vùng trồng lê lớn nhất của huyện Si Ma Cai. Chị Giàng Thị Sú, Chủ tịch Hội LHPN xã Quan Hồ Thẩn chia sẻ, Hội luôn bám sát chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà tỉnh đề ra. Ở hầu hết các bản của xã, chị em đều tham gia trồng cây lê. Đến nay, toàn xã đã trồng được 400ha. Đầu tư ban đầu cho cây lê cũng rất lớn, khi vận động chị em phụ nữ tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Hội đã huy động từ nhiều nguồn vốn vay giúp chị em có nguồn lực để đầu tư. 

Ngọt ngào mùa lê ở Si Ma Cai  - Ảnh 4.

Phụ nữ người dân tộc Mông ở xã Quan Hồ Thẩn chăm sóc vườn lê.

Cây lê VH6 có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc hay còn gọi là lê Tai Nung) được di thực về Lào Cai, trồng nhiều ở bốn huyện vùng cao là Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát và Mường Khương, với tổng diện tích khoảng hơn 800 ha. Trong đó, các xã vùng cao của Si Ma Cai nằm trên độ cao hơn 1.600 m so với mực nước biển, thuộc vùng đất giàu kẽm và ô-xít sắt, có khí hậu ôn đới, biên độ chênh lệnh nhiệt độ ngày và đêm cao, nên thích hợp để phát triển cây ăn quả ôn đới như lê VH6.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn