Đi học cả ngày, tối lại đi làm thêm nên tối nào Đoàn Duy Anh (sinh viên năm thứ ba, ở quận Hà Đông, Hà Nội) cũng về muộn. Cuối tuần, cậu mới tranh thủ đi chơi với bạn bè. Thấy con trai hôm nào cũng đi tối ngày, bố cậu không hài lòng.
Trong suy nghĩ của ông, con trai ham chơi, suốt ngày lêu lổng bạn bè. Thế nên ông đã yêu cầu con trai ghi lại thời gian biểu. Hôm nào về muộn hơn giờ trong thời gian biểu, ông lại gọi điện thúc giục.
Duy Anh cảm thấy rất khó chịu, ức chế khi bị bố quản lý từng giờ, từng phút như thế. Cậu đã từng nói chuyện với bố về việc cậu đã lớn và muốn được tự chủ trong cuộc sống. Cậu có nhiều mối quan hệ xã hội, nhiều việc cần làm hơn. Bố cậu thì kiên quyết cho rằng, bất cứ hoạt động nào phát sinh, cậu cũng phải xin phép bố mẹ rồi mới được đi.
Ông luôn lo lắng chỉ cần "sơ hở" là con trai có thể bị bạn xấu lôi kéo. Ông không tin Duy Anh có đủ bản lĩnh để từ chối những lời rủ rê của bạn bè xấu. Ông cho rằng, thà "quân phiệt" với con để đảm bảo an toàn cho con.
Trước cách hành xử này của bố, Duy Anh muốn ra ở riêng. Cậu tự nhủ sẽ đi làm thêm nhiều hơn để có thể tự lo cho cuộc sống của mình. Thế nhưng, cậu biết mong muốn của mình hiện không khả thi. Cậu không biết làm thế nào để có thể được sống theo cách mình muốn.
Giống như Duy Anh, Vi Thanh Lam (ở quận Tân Bình, TPHCM) cũng muốn quãng thời gian học đại học sẽ có nhiều trải nghiệm, nhiều mối quan hệ bạn bè…
Thế nhưng, mong muốn ấy khó có thể thực hiện khi bố mẹ luôn nghiêm khắc với cô. Bố mẹ Lam quy định, ngoài giờ học, cô phải về nhà. Nếu đi đâu, cô phải nhắn tin xin phép. Đặc biệt, cô không được phép về nhà sau 21h.
Thế nên, dù muốn đi làm thêm, học thêm buổi tối, thậm chí đi chơi với bạn bè, cô đều phải từ chối. Bố mẹ cô lo lắng, con gái đi buổi tối có thể gặp nguy hiểm. Nếu hôm nào Thanh Lam trót về muộn vài phút, bố mẹ cô sẽ gọi điện thoại không ngớt.
"Suốt những năm học phổ thông, em đã bị bố mẹ quản lý chặt, không cho đi chơi cùng bạn bè. Bố mẹ nói, cố gắng học để đỗ đại học, lúc đấy, thoải mái thời gian mà bạn bè. Vậy mà, khi đỗ được vào trường mơ ước, em vẫn bị bố mẹ quản chặt như lúc bé. Em không có nhiều bạn bè là vì vậy.
Nhìn các bạn của mình thoải mái trải nghiệm, có nhiều mối quan hệ bạn bè, em rất ước ao. Em đã 19 tuổi nhưng trong mắt bố mẹ, em chỉ là đứa con nít. Lúc nào bố mẹ cũng lo em có thể bị tai nạn, bị cướp giật trên đường. Thậm chí, bố mẹ còn lo em bị lừa tình.
Bố mẹ cứ giữ em khư khư trong nhà thì không biết khi nào em mới lớn, mới trưởng thành được. Rồi sau này ra đời, em lại không có nhiều kinh nghiệm như bạn bè", Thanh Lam lo lắng.
Mong bố mẹ tin tưởng, buông tay để con tự lập hơn là những mong muốn của Duy Anh, Thanh Lam và nhiều "gen Z" đang bị bố mẹ "can thiệp" quá nhiều vào cuộc sống.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn