Với lối viết đầy triết lý cùng một chút hóm hỉnh, nhà văn Calì kể câu chuyện rằng sẽ thế nào vào một buổi sáng nọ có một thứ không rõ là gì, không rõ từ đâu rơi xuống. Nhân vật Đại tướng quân nói rằng đó là một quả bom, nhà phát minh gợi ý lăn nó đi với hàng tấn mã lực, nhà triết học lại trầm ngâm đặt câu hỏi tại sao nó tồn tại…
Trước những phản ứng đắn đo, sợ hãi của người lớn, một cô bé tiến lại gần thứ kỳ lạ kia, đưa tay ra lấy và… nếm thử một miếng.
Mang đến hình ảnh đối lập giữa con trẻ và người lớn, Calì thu ngắn khoảng cách tư duy giữa hai độ tuổi.
Hình ảnh người lớn được cường điệu hóa đến mức tư duy và phán đoán của họ trở nên nhỏ bé và khôi hài so với hành động dứt khoát của một đứa trẻ, người đọc nhận ra rằng đôi khi chính lý trí của chúng ta cũng bị lấn át và gò bó bởi những định kiến, rằng người lớn với tư duy chững chạc nhiều lúc cũng chần chừ và sợ hãi so với một đứa bé năng động.
Còn với các bạn nhỏ, "To như trái núi, nhẹ tựa lông hồng" là khởi đầu để trẻ làm quen với những vấn đề triết học sâu sắc, những vấn đề cần tư duy và chiêm nghiệm.
Ở thời đại mà trẻ nhỏ lớn lên cùng sự phát triển không ngừng của truyền thông đại chúng - thời đại mà thiếu nhi dễ bị ảnh hưởng bởi tiếng nói của người khác, việc để các em có cơ hội tự khám phá, định nghĩa bản thân cũng như học cách tự chủ suy nghĩ, dám trải nghiệm để định hình một thế giới quan cho riêng mình là điều cần thiết.
Nếu như ngụ ngôn truyền thống sử dụng cốt truyện lược giản cùng cách tự sự rành rọt vấn đề tốt và xấu, "To như trái núi, nhẹ tựa lông hồng" lại mang dáng vẻ của một câu chuyện ngụ ngôn hiện đại, khi trải nghiệm đọc của con trẻ không chỉ nằm ở câu từ mà còn qua cách họa sĩ minh họa, giọng điệu tác giả.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn