Ngứa mũi: Nguyên nhân gây bệnh và cách xử lý

08:15 | 05/08/2020;
Ngứa mũi có thể do dị ứng, cảm lạnh hoặc xuất hiện khối u trong mũi,... Nhưng nhìn chung, cảm giác ngứa mũi đều khiến bạn cảm thấy khó chịu và ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.

Bạn bị cảm lạnh, hắt hơi nhiều? Bạn có cảm giác ngứa mũi như có vật gì bên trong? Ngứa mũi có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những yếu tố được xử lý đơn giản nhưng lại có những nguyên nhân nguy hiểm cần can thiệp y tế sớm như ung thư đường mũi.

Dưới đây là nguyên nhân gây ngứa mũi và cách đối phó với tình trạng khó chịu này mà bạn có thể tham khảo.

1. Những nguyên nhân gây ngứa mũi

1.1.Nguyên nhân bệnh lý

Cảm lạnh do virus

Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngứa mũi là cảm lạnh do virus. Phổ biến nhất là cảm lạnh do virus vào mùa đông và mùa xuân. Một người bình thường có thể bị cảm lạnh từ 2 - 3 lần trong một năm.

Ngứa mũi: nguyên nhân gây bệnh và cách xử lý - Ảnh 2.

Cảm lạnh do virus có thể gây ra ngứa mũi và mệt mỏi (Ảnh: Internet)

Số lần cảm lạnh cũng có thể nhiều hơn đối với người miễn dịch yếu như trẻ em.

Khi bị cảm lạnh, bạn sẽ xuất hiện cảm giác ngứa mũi như một dấu hiệu báo trước của bệnh. Cơ chế xâm nhập của virus bắt đầu từ mũi tới xoang mũi và cơ thể sẽ cố gắng đưa virus này ra ngoài thông qua các chất nhầy ở khoang mũi. Đây cũng chính là lý do mà ngứa mũi hay đi kèm với hắt hơi (hắt xì)

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo giai đoạn hoặc quanh năm. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là do cơ thể bạn xảy ra phản ứng miễn dịch với những chất có thành phần kích ứng ở bên ngoài môi trường.

Khi bị viêm mũi dị ứng, bạn sẽ có cảm giác khó chịu kèm ngứa mũi, nhột và hắt xì.

Bị viêm xoang

Viêm xoang là bệnh lý có hai dạng là cấp tính vad mãn tính. Người bị viêm xoang thường có biểu hiện ngứa mũi, xoang bị sưng và nhức kéo dài khoảng 12 tuần.

Ngứa mũi: nguyên nhân gây bệnh và cách xử lý - Ảnh 3.

Viêm xoang chia làm hai cấp độ là viêm xoang cấp tính và mãn tính (Ảnh: Internet)

Bên cạnh các dấu hiệu kể trên, bệnh nhân viêm xoang sẽ cảm thấy mệt mỏi khi thở bằng mũi, vùng mắt bị đau và nhạy cảm hơn.

Đau nửa đầu

Đau nửa đầu ngoài cảm giác nhức đầu khó chịu ở một bên đầu thì bạn còn có thể bị ngứa mũi, mắt mờ, buồn nôn, nhạy cảm hơn với ánh sáng. Không chỉ ngứa mũi, nếu bị đau nửa đầu bạn cũng có thể bị đau ở các khu vực khác của mặt nữa.

Xuất hiện khối u ác tính hoặc lành tính

Ung thư đường mũi là một bệnh lý ác tính hiếm gặp và thường không có triệu chứng ban đầu. Nếu xuất hiện khối u đường mũi, bạn có thể gặp phải một số dấu hiệu như ngứa mũi, ngạt mũi, lở loét, mất khứu giác và bị nhiễm trùng xoang mũi.

1.2. Các nguyên nhân khác

Polyp mũi

Polyp mũi có thể xuất hiện ở người bị viêm xoang mãn tính và gây ra ngứa mũi. Những khối polyp trong mũi thường có kích thước nhỏ, mềm xuất hiện ở phần niêm mạc mũi của bạn. Ngoài viêm xoang mãn tính thì người bị hen suyễn, dị ứng và rối loạn miễn dịch cũng có thể có polyp mũi.

Theo thời gian, khối polyp phát triển lớn hơn gây ra khó chịu, rối loạn hô hấp và thậm chí là mất khứu giác.

Lưu ý, khối polyp mũi không phải là khối u ung thư mũi.

Chất kích thích từ môi trường

Một số chất có khả năng kích thích ở không khí có thể khiến mũi bạn bị khó chịu và bị ngứa chẳng hạn như khói, nước hoa, mùi hóa chất tẩy rửa,... Các nhà khoa học gọi đây là chứng viêm mũi không dị ứng. Người bị viêm mũi không dị ứng sẽ có các biểu hiện giống như bị dị ứng theo mùa nhưng cơ thể lại không xảy ra phản ứng miễn dịch.

Ngứa mũi: nguyên nhân gây bệnh và cách xử lý - Ảnh 4.

Phấn hoa, nước hoa, mùi chất tẩy rửa,... cũng khiến mũi bị kích thích (Ảnh: Internet)

Thông thường bạn sẽ bị sổ mũi hay những dạng kích ứng mũi khác.

Dùng máy thở áp lực dương liên tục

Đây là một loại máy dùng để hỗ trợ cho chứng ngưng thở khi ngủ. Máy thở áp lực dương liên tục có tên tiếng anh là continuous positive airway pressure – CPAP. Tuy hỗ trợ cho việc ngưng thở khi ngủ nhưng máy lại gây ra hiện tượng ngứa mũi.

Tuy nhiên điều này có thể được khắc phục bằng các điều chỉnh lại độ ẩm hoặc sử dụng thêm lớp mặt nạ lót.

Mũi bị khô

Khi môi trường không đủ độ ẩm cần thiết hoặc tác dụng phụ của thuốc có thể khiến mũi của bạn bị khô. Khi mũi khô, ngoài cảm giác khó chịu, đau đớn thì bạn còn có thể bị ngứa mũi. Ngoài ra, xì mũi quá nhiều khiến mũi mất đi lớp chất nhầy làm ẩm mũi cũng gây ra khô mũi.

Khô mũi thường xảy ra nhiều vào mùa đông, lúc này lớp niêm mạc mũi mỏng và rất dễ bị tổn thương.

2. Cách đối phó với tình trạng ngứa mũi

Để cải thiện tình trạng ngứa mũi, tùy theo nguyên nhân khiến bạn bị ngứa mũi là gì mà bạn sẽ có những cách khắc phục khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:

- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các chất kích thích như phấn hoa, nước hoa hay hóa chất, lông thú cưng,...

- Sử dụng thuốc chống dị ứng dạng viên hoặc dạng xịt. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thuốc chống dị ứng nào, đặc biệt là đối với phụ nữ có thai, người đang cho con bú,...

- Hạn chế việc xì mũi, tránh khiến mũi bị khô hơn.

- Dùng máy tạo độ ẩm cho phòng, nhất là vào ban đêm, phòng có sử dụng điều hòa hoặc khi trời khô hanh.

- Bỏ thói quen ngoáy mũi, tránh tổn thương niêm mạc mũi gây nhiễm trùng và tổn thương mô.

- Vệ sinh mũi đúng cách.

- Nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước để chống lại nhiễm trùng hay cảm lạnh do virus.

- Tham khảo một số chế độ ăn uống tốt cho tai mũi họng.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn