Ngừa rubella trước mùa bệnh

08:16 | 17/08/2015;
Rubella thường xuất hiện vào mùa Đông- Xuân. Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này nhưng đối tượng dễ gặp nhất là phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Phụ nữ mang thai nếu mắc rubella dễ bị sảy thai, thai chết lưu, thậm chí tử vong
Theo Bệnh viện Phụ sản TƯ, hầu như năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận hàng trăm thai phụ nhiễm rubella đến khám, không ít trường hợp trong số này phải đình chỉ thai, đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ. Tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM cũng thường tiếp nhận bệnh nhân nhiễm rubella, trong đó có không ít phụ nữ mang thai.


Để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra, chị em nên chủ động tiêm phòng rubella trước khi mang thai

TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, cho biết, tất cả phụ nữ mang thai nhiễm rubella đến khám chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Do chủ quan nên nhiều chị em phải đình chỉ thai. Khi nhận thông tin này, các chị em đều khóc nức nở, nói như “van xin” bác sĩ tìm mọi cách để họ có thể giữ lại đứa con trong bụng. Lúc ấy, bác sĩ chỉ đưa ra lời khuyên và những số liệu nghiên cứu khoa học như với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, nếu mắc rubella, 90% sẽ bị sảy thai, thai chết lưu, thậm chí tử vong...

Dễ lây truyền
Rubella là bệnh ít gây biến chứng nguy hiểm nhưng lại khá nghiêm trọng với thai phụ. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, khi người lành hít phải những dịch tiết đường mũi họng (nước bọt, nước mũi) chứa virus rubella của người bệnh; khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc các vật dụng dính chất tiết mũi họng của bệnh nhân. Bệnh nhân rubella có thể lây truyền cho người khác 1 tuần trước khi phát ban và từ 1 đến 2 tuần sau khi ban đã lặn hết.
Theo TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, rubella thường trải qua 3 giai đoạn: Thời kỳ ủ bệnh từ 12 đến 23 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây. Thời gian này người bệnh đã bị nhiễm virus nhưng chưa có biểu hiện bệnh. Thời kỳ phát bệnh, gồm sốt nhẹ trên 370C kèm nhức đầu, mệt mỏi, chảy mũi trong, đau họng, đôi khi có đỏ mắt; ban đỏ đầu tiên ở mặt, sau đó lan ra nhiều vùng trên cơ thể; đau khớp, nổi hạch sau tai; ở người lớn, bệnh thường nặng hơn trẻ nhỏ. Thời kỳ lui bệnh thì các triệu chứng bệnh kéo dài từ 3 đến 4 ngày rồi tự hết.

Tiêm vaccine ngừa rubella đặc biệt quan trọng với trẻ em gái, vì giúp phòng chống bệnh trong thời gian trẻ lớn lên và mang thai sau này

"Rubella là bệnh dễ lây và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều nguy hiểm nữa là khoảng 50% số trường hợp mắc rubella không có dấu hiệu điển hình nên nhiều phụ nữ có thai mắc rubella không được phát hiện, gây ra những hậu quả nặng nề với cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng tiêm vaccine”, TS Nguyễn Trần Hiển cho biết. Do vaccine này có miễn dịch sau tiêm khoảng nửa tháng nên ngay từ bây giờ, người nào chưa từng nhiễm rubella có thể đi tiêm vaccine. Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên cũng có thể tiêm vaccine.. Với phụ nữ có ý định mang thai, đặc biệt là vào dịp “chính mùa” của rubella thì nên tiêm vaccine trước ít nhất 1 tháng thụ thai. Còn tốt nhất là tiêm vaccine rubella trước khi có thai 2-3 tháng.
Uớc tính mỗi năm Việt Nam có hơn 6.000 người mắc hội chứng rubella bẩm sinh. Do đó, để phòng rubella, nếu chưa tiêm vaccine thì không nên sử dụng chung vật dụng sinh hoạt cá nhân, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng.

TS Nguyễn Trần Hiển (Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ)

“Rubella ít gây biến chứng nguy hiểm. Nên cho người bệnh sử dụng thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây. Người bệnh cần được vệ sinh mũi họng (nhỏ mũi và súc họng) hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Nếu nhức đầu nhiều hoặc đau khớp, có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau. Đối với trẻ nhỏ, cần giặt khăn bằng nước ấm rồi lau cơ thể bé hằng ngày”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn