Ngực hay 'đánh trống', coi chừng tử vong vì bệnh tim

14:45 | 12/09/2016;
Thấy xuất hiện triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, mệt mỏi... bà Lê Thị Mỹ, 74 tuổi ngụ tại Cai Lậy (Tiền Giang) tìm đến BV khám thì bị ngất xỉu, phải nhập cấp cứu.
Theo chia sẻ của bà Mỹ, triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực đã xuất hiện nhiều lần trong những tháng qua. Bà cũng đi khám và uống thuốc tại cơ sở y tế địa phương với chẩn đoán thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên, những triệu chứng không thuyên giảm, bà Mỹ đành bắt xe bus lên TP.HCM “tìm bệnh”.

Vừa bước vào cửa một BV tại quận 5, triệu chứng tim đập nhanh, ngất xỉu lại xuất hiện, ngay lập tức bà Mỹ được đưa đến khoa cấp cứu. “Tôi cứ nghĩ mình không qua khỏi vì lúc đó tôi như mất tri giác, tiểu tiện không tự chủ. Đây là lần ngất xỉu lâu nhất và tim đập loạn xạ lâu nhất mà tôi từng mắc phải. Bác sĩ nói, tôi bị rối loạn nhịp tim, nếu lúc đó không phải ở BV, không được cấp cứu kịp thời, có thể tôi đã tử vong”, bà Mỹ chưa hết bàng hoàng.

Sau khi qua khỏi cơn nguy kịch, bà Mỹ được chuyển đến khoa Nội Tim mạch và được chỉ định tầm soát tất cả nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim. Kết quả cho thấy, bà Mỹ bị hẹp mạch vành tim, gây thiếu máu cơ tim và hậu quả là rối loạn nhịp tim.

Đến này 12/9, sức khỏe bà Mỹ ổn định. “Bác sĩ điều trị bằng cách đặt stent mạch vành làm cho máu nuôi tim được trở lại bình thường, tình trạng rối loạn nhịp tim đã không còn và bệnh tình của mẹ coi như đã được điều trị khỏi”, anh Huân, con trai bà Mỹ kể.
bs-nguyn-vit-hu-thm-khm-cho-ngi-bnh.jpg
 Sức khỏe của bà Mỹ đã ổn định
Theo BSCKI Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Đại học Y Dược TP.HCM, tình trạng rối loạn nhịp tim như bà Mỹ mắc phải khá phổ biến. BS Hậu cho biết, nhiều người thường chủ quan khi mình hay bị đánh trống ngực nên không đi khám mà nghe mách của người quen, người thân rồi tự ý mua các loại thuốc thiếu máu cơ tim để sử dụng. Thực tế cho thấy, không ít những trường hợp đột tử đã xảy ra, trong số ấy, thủ phạm chắc chắn có những rối loạn nhịp thất.

“Nhịp tim nhanh dễ dẫn đến rung thất (cơ tim rung lên nên không còn khả năng co bóp hiệu quả) làm người bệnh nhanh chóng ngừng tim và tử vong trong vài phút. Trong trường hợp người bệnh rối loạn nhịp thất mà huyết áp còn ổn định, có thể được xử trí bằng các loại thuốc chống loạn nhịp. Nếu tình trạng nặng hơn, người bệnh phải được sốc điện ngay lập tức để cứu mạng khẩn cấp”, BS Hậu nói.

Còn theo BSCKI Bùi Thế Dũng, Phó trưởng khoa Nội tim mạch, BV Đại học Y Dược TPHCM, tim bình thường có nhịp đập từ 60–100 lần/phút. Nếu vượt ngoài số nhịp trên được xem là rối loạn nhịp tim. Đây là một những loại bệnh thường gặp, gồm hai loại là rối loạn nhịp tim nhanh (đập hơn 100 lần/phút) và rối loạn nhịp tim chậm (đập ít hơn 60 lần/phút).

Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra ở những người có bệnh lý về tim như: Nhồi máu cơ tim, bệnh lý tim bẩm sinh, người lớn tuổi, hoặc người có các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, phổi, tăng huyết áp, hẹp van tim…

Để phòng ngừa, BS Dũng khuyến cáo người dân cần loại trừ những yếu tố khởi phát cơn nhịp tim nhanh như tránh các chất kích thích (trà, cà phê, thuốc lá, giảm stress)… Ngoài ra, phải điều trị những bệnh lý có sẵn của tim như tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim…

“Khi nghi ngờ các triệu chứng liên quan đến rối loạn nhịp, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có hướng điều trị phù hợp, vì việc sử dụng thuốc chống loạn nhịp cũng có thể gây ra những rối loạn nhịp khác và dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm”, BS Dũng chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn