Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết, Luật dược sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến người dân có nhiều điểm mới so với Luật dược 2005. Cụ thể, dự thảo Luật sẽ bổ sung các chính sách ưu tiên đối với thuốc sắp hết hạn bằng sáng chế hoặc các độc quyền có liên quan; chính sách sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.
Cũng theo dự thảo, các vị trí phải có Chứng chỉ hành nghề dược gồm: Người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám chữa bệnh; dược sĩ tư vấn, bán thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc (hiện những người này chỉ cần có bằng tốt nghiệp trung cấp Dược trở lên là được đứng bán hoặc tư vấn sử dụng thuốc tại các quầy thuốc); người phụ trách đảm bảo chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các cơ sở sản xuất thuốc.
Về phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền sẽ không phải thử lâm sàng khi đăng ký lưu hành trên toàn quốc. Ngoài ra, các loại thuốc cổ truyền đều không phải thử thuốc lâm sang khi đăng ký lưu hành…
Theo ông Đạt, cả nước đã có hơn 40.000 cơ sở bán lẻ, 153 nhà máy sản xuất tân dược, gần 200 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, khoảng 150 doanh nghiệp nhập khẩu, 7 doanh nghiệp làm dịch vụ bảo quản thuốc và gần 2.000 doanh nghiệp phân phối thuốc. Luật dược sửa đổi sẽ góp phần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực nhằm bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng với giá hợp lý cho người dân. Đồng thời, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý dược và từng bước hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.