Trước đó, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, anh H. đã trải qua ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng đồng hồ, từ khi rạch da để trái tim được cấy ghép vào cơ thể người bệnh vào nửa đêm ngày 24/8 và kết thúc vào 3 giờ sáng ngày 25/8, trái tim của người hiến bắt đầu nhịp đập đầu tiên trong lồng ngực của anh H.
Anh H. được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn, với chức năng tim rất kém và nếu không ghép tim kịp thời, sẽ không sống được bao lâu nữa. Người bệnh đã đăng ký vào danh sách của Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia. Trái tim hiến tặng để ghép cho anh H. là của chàng trai 32 tuổi tại Hà Nội bị chết não do tai nạn giao thông.
Sau những ngày đầu cần sự chăm sóc đặc biệt từ các y bác sĩ, đến ngày thứ hai sau ca phẫu thuật, anh H. đã có thể ngồi dậy và tự đứng lên. Đến ngày thứ năm, anh đã có thể đứng thẳng, tự ăn cháo và trò chuyện vui vẻ với mọi người. "Sau khi nhận được món quà vô giá là trái tim mới khỏe mạnh, bệnh nhân H. đã hồi phục nhanh hơn mong đợi. So với một ca mổ tim thông thường, sự hồi phục này tương đương với một ca mổ tim nhẹ, theo tiên lượng trước đó", ThS BS. Trần Thị Thanh Thủy – Trưởng Đơn vị Gây mê hồi sức phẫu thuật tim mạch, khoa Gây mê – Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ.
Ngày 24/9, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện. Được biết, phía Bệnh viện cũng đã hỗ trợ số tiền 200 triệu đồng để giúp anh H. vượt qua khó khăn hiện tại.
"Cũng như ngày này cách đây 1 tháng, chúng tôi vẫn rất cẩn trọng, theo dõi rất sát, cho dù người bệnh đã có thể về nhà. Người bệnh vẫn cần dùng thuốc ức chế miễn dịch, có những chương trình tập luyện vật lý trị liệu dành riêng phục hồi vận động kèm tư vấn tâm lý để có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Thông thường, sau khi mổ ghép tim, người bệnh thường cảm giác mình rất khỏe nên hay chủ quan, nếu không tư vấn kỹ về tâm lý và phương pháp điều trị thì có thể cố sức, rất nguy hiểm", PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn