Người bị chàm nên lưu ý 9 điều khi giặt quần áo để tránh kích ứng thêm

15:34 | 27/02/2024;
Cách bạn giặt đồ có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng bệnh chàm. Hãy thử những lời khuyên dưới đây để giúp bảo vệ làn da của bạn khỏi những cơn bùng phát.

Giặt giũ là công việc tương đối đơn giản nhưng đối với những người bị chàm, giặt quần áo khó khăn hơn nhiều. Từ việc sử dụng bột giặt cho đến cách giặt đều có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh chàm như ngứa, rát, mẩn đỏ,...

Để giúp bạn tránh khỏi cơn ngứa chàm bùng phát, dưới đây là 9 lưu ý khi giặt quần áo bạn nên áp dụng:

1. Kiểm tra chất tẩy rửa

Chất tẩy rửa là tác nhân gây bệnh chàm phổ biến vì chúng thường chứa nhiều thành phần gây kích ứng. Các tác nhân được tìm thấy trong nhiều chất tẩy rửa bao gồm:

- Chất gây dị ứng mùi hương

- Thuốc nhuộm

- Paraben và sunfat

- Chất làm mềm vải

- Chất tăng trắng quang học, giúp đồ trắng trông trắng hơn

Đây đều là những thành phần cần tránh nếu bạn có làn da nhạy cảm.

Đặc biệt, những người mắc bệnh chàm nên tránh bất cứ thứ gì có mùi thơm, chẳng hạn như nước xả vải hay nước giặt có nhiều hương liệu. Ngay cả khi các sản phẩm là hữu cơ hoặc tự nhiên, hương thơm vẫn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh chàm. Điều quan trọng là bạn nên tìm kiếm sản phẩm không chứa hương liệu tổng hợp, thuốc nhuộm, paraben và sunfat.

Người bị chàm nên lưu ý 9 điều khi giặt quần áo để tránh kích ứng thêm- Ảnh 1.

Người bị chàm không nên chọn chất tẩy rửa có mùi thơm (Ảnh: Internet)

2. Không sử dụng quá nhiều bột giặt

Để giảm nguy cơ gây kích ứng cho làn da nhạy cảm, Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ khuyến cáo chỉ nên sử dụng lượng bột giặt được gợi ý trên nhãn.

Nếu bạn sử dụng quá nhiều bột giặt thì có khả năng xà phòng còn sót lại và dính trên quần áo của bạn. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ kích ứng làn da khi bạn mặc vào. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng sử dụng vừa đủ xà phòng cũng như luôn xả nước lần thứ hai.

3. Không giặt quá nhiều đồ trong máy giặt

Một cách dễ dàng khác để tránh làm cho các triệu chứng của bệnh chàm trầm trọng hơn khi giặt quần áo là không để máy giặt của bạn quá tải.

Việc cho quá nhiều quần áo vào máy giặt sẽ khiến cho máy giặt quần áo không hiệu quả và xà phòng giặt cũng sẽ không được làm sạch hoàn toàn. Xà phòng còn sót lại tiếp xúc với da của bạn sẽ gây kích ứng. Do vậy, tốt nhất là bạn nên giặt đồ trong ngày, nếu gia đình đông người thì bạn nên chia thành 2 lượt giặt.

Người bị chàm nên lưu ý 9 điều khi giặt quần áo để tránh kích ứng thêm- Ảnh 2.

Giặt quá nhiều quần áo trong máy giặt khiến xà phòng còn sót lại và gây kích ứng da (Ảnh: Internet)

4. Cẩn thận khi giặt bằng tay

Nếu bạn giặt quần áo bằng tay, hãy nhớ để bột giặt hòa tan trong nước và giặt sạch quần áo.

Điều đáng lưu ý là bất kỳ loại chất tẩy rửa nào đều có bản chất gây kích ứng da. Chất tẩy rửa hoạt động bằng cách giúp phân hủy dầu và tạo điều kiện hòa trộn với nước. Da của chúng ta có các loại dầu gọi là lipid trên bề mặt rất quan trọng và chất tẩy rửa có thể kéo chúng đi và làm hỏng hàng rào bảo vệ da.

Vì vậy, bạn không nên sử dụng nhiều hơn lượng chất tẩy ghi trên nhãn sản phẩm và đeo găng tay khi giặt quần áo bằng xà phòng. Việc giặt quần áo bằng găng tay có thể bất tiện và khó làm sạch, nhưng bạn có thể lựa chọn găng tay cao su và ngâm quần áo trước khi giặt một thời gian ngắn.

5. Nên lựa chọn bột giặt dạng lỏng

Người bị chàm nên ưu tiên chọn các loại nước giặt không có nhiều mùi hương. Dạng nước giặt hòa tan dễ dàng hơn trong nước, để lại ít cặn bám trên quần áo của bạn hơn so với bột giặt. Hơn nữa, bột giặt sẽ khiến xà phòng dễ sót lại ở quần áo và gây kích ứng cho làn da.

Người bị chàm nên lưu ý 9 điều khi giặt quần áo để tránh kích ứng thêm- Ảnh 3.

Nên lựa chọn nước giặt thay vì bột giặt (Ảnh: Internet)

6. Luôn giặt quần áo mới

Nhiều mặt hàng quần áo mới có chất xịt hoàn thiện và hóa chất có thể gây kích ứng cao. Một nghiên cứu thử nghiệm trên 60 loại quần áo mới đã xác định được khoảng 100 hóa chất trên quần áo mà nhà sản xuất không tiết lộ và có thể gây kích ứng da.

Vì vậy, hãy đảm bảo an toàn bằng cách giặt quần áo mới với chu trình xả hai lần trước khi mặc.

7. Không nên sử dụng giấy sấy thơm

Giấy sấy thơm là một miếng giấy mỏng tẩm chất làm mềm vải và chất tạo mùi hương. Nhưng các hoá chất trong giấy sấy thơm này có thể khiến da của người bị chàm kích ứng thêm và mẩn đỏ, ngứa, ...

8. Vệ sinh máy giặt để loại bỏ cặn bột giặt

Mỗi lần giặt quần áo thì cặn bột giặt cũng như nhiều các chất gây kích ứng khác như bụi bẩn có thể còn sót lại trong máy. Vì vậy, bạn nên vệ sinh máy giặt thường xuyên để loại bỏ các chất cặn và mùi hôi do nấm mốc, bụi bẩn.

Để vệ sinh máy giặt, bạn có thể làm theo các bước sau:

- Vệ sinh lồng giặt: Sử dụng dung dịch chuyên dụng hoặc hỗn hợp nước ấm và giấm trắng để làm sạch lồng giặt. Chạy một chu trình giặt ở nhiệt độ cao với dung dịch này mà không có quần áo.

- Làm sạch rỏi vải, khe cửa và gioăng cửa: Dùng bàn chải nhỏ hoặc bông tẩy trang để làm sạch những khu vực này từ bụi bẩn và sợi vải.

- Vệ sinh vùng chứa bột giặt và nước xả vải: Rút các ngăn chứa ra và ngâm trong nước ấm rồi chải sạch.

- Làm khô và thông gió: Sau khi vệ sinh, để cửa máy giặt mở cho khô hoàn toàn và tránh mùi hôi, nấm mốc.

Bạn nên thực hiện việc vệ sinh máy giặt định kỳ ít nhất mỗi tháng một lần hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất để máy giặt luôn trong tình trạng tốt nhất.

Người bị chàm nên lưu ý 9 điều khi giặt quần áo để tránh kích ứng thêm- Ảnh 4.

Vệ sinh máy giặt thường xuyên để loại bỏ cặn bẩn (Ảnh: Internet)

9. Không nên phơi quần áo ngoài trời

Phơi quần áo ngoài trời có thể làm cho quần áo hấp thụ phấn hoa và bào tử nấm mốc, bụi bẩn - những tác nhân này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh chàm.

Để thay thế cho phương pháp phơi quần áo bên ngoài, người bị chàm có thể sử dụng máy sấy quần áo: Đặt máy sấy ở chế độ nhẹ để tránh làm hỏng vải và giữ cho quần áo mềm mại, phù hợp với làn da nhạy cảm. Hoặc bạn cũng có thể phơi trong nhà ở nơi khô ráo và có thông gió tốt: Nên chọn nơi có không khí lưu thông mà không bị tác động bởi các yếu tố gây dị ứng từ môi trường ngoài trời.

Một số lưu ý khác giúp quản lý triệu chứng bệnh chàm

Ngoài những lưu ý trên khi giặt quần áo, bạn cũng nên chú ý đến một số điều khác để tránh làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh chàm như:

- Dùng sản phẩm dịu nhẹ cho da: Bạn nên sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa và mỹ phẩm không mùi, không chứa cồn và không gây kích ứng để bảo vệ làn da nhạy cảm

- Dưỡng da thường xuyên tránh để da bị khô: Bôi kem dưỡng ẩm sau khi tắm giúp giữ nước cho da, ngăn ngừa khô da và giảm ngứa.

- Chọn quần áo phù hợp: Bạn nên mặc quần áo làm từ vải mềm, thoáng khí như cotton để giảm cọ xát và kích ứng da.

- Tránh tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh

- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng: Bạn cần xác định những thứ bạn bị dị ứng và hạn chế tiếp xúc với chúng như bụi nhà, phấn hoa, lông động vật, và các chất gây kích ứng khác.

- Kiểm soát môi trường sống: Hạn chế sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm, giữ nhà cửa sạch sẽ và thoáng mát.

- Giữ tinh thần thoải mái: Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng chàm, nên thực hành các phương pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga, hoặc tập thể dục nhẹ nhàng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn