Người bố độc đoán

15:49 | 12/05/2020;
Đến bây giờ, dù đi học xa nhà nhưng nghĩ về những tháng ngày tuổi thơ, Bình vẫn bị ám ảnh. Sống với người bố độc đoán, những tổn thương về tâm lý sẽ đi theo suốt cuộc đời Bình.

Mẹ Bình đi xuất khẩu lao động và lấy chồng khác từ khi Bình còn nhỏ. Vì thế, bố Bình lúc nào cũng mang nỗi hận thù trong người. Mọi sự hà khắc ông đều "đổ" lên đầu con. Ông tự nhủ, bằng mọi cách, ông sẽ nuôi dạy con thật tốt, không để con hư hỏng, bị bạn bè lôi kéo. Quan trọng hơn, ông không muốn mang tiếng với mọi người mình là người đàn ông thất bại. Ông không thể chấp nhận được tai tiếng "vợ đã bỏ đi, con trai cũng chẳng ra gì".

Bình vốn hiếu động nên ngày nào cũng bị bố cho ăn đòn. Khắp người cậu lằn những vết roi mây, dây thép. Chỉ cần Bình không nghe lời, bố cậu sẽ dùng roi vọt để trừng phạt Bình ngay lập tức. Áp lực việc học mới là nỗi khổ tâm lớn nhất của Bình. Ngày nào ông cũng đi qua đi lại để giám sát việc học của Bình. Chỉ cần thấy con trai không tập trung, ông liền đánh Bình. Từ ngày đi học, ông yêu cầu Bình phải ở top đầu của lớp. Nếu trượt khỏi top đầu, Bình sẽ phải nhịn đói, bị sỉ nhục, bị nhốt trong nhà. Không chỉ có thế, ông còn "huấn luyện" Bình bằng cách tạo cho con cảm giác xấu hổ, tội lỗi.

Thế nên không có chuyện Bình được đi chơi với bạn bè. Chỉ cần Bình về muộn vài phút là ông cầm sẵn chiếc roi đi ra, đi vào ở cổng để đợi. Vốn không kiềm chế được cơn nóng giận của mình nên chỉ cần nhìn thấy Bình là ông vụt tới tấp. Ông chỉ biết xả cơn tức giận của mình mà không hỏi nguyên nhân tại sao con về muộn.

Năm Bình học cấp 3, khi biết Bình có tình cảm với một bạn gái trong lớp, bố Bình không chỉ chửi bới con mà nhiếc móc cả bạn của con. Ông không cần biết những đứa trẻ tuổi dậy sẽ bị tổn thương thế nào. Với ông, chỉ cần cấm đoán, ngăn cản để con không yêu đương mà tập trung vào việc học thì việc giẫm đạp vào lòng tự trọng của những đứa trẻ cũng không hề gì.

Không phủ nhận, sự nghiêm khắc của bố khiến Bình học tốt hơn. Thế nhưng Bình sợ bố, ghét bố và không muốn nói chuyện với bố. Thời điểm đó, Bình chú tâm vào học không phải để khiến bố tự hào. Mục đích lớn nhất của cậu là học giỏi để đỗ đại học, để có thể thoát khỏi người bố hà khắc.

Những ám ảnh, tổn thương tâm lý luôn nhức nhối trong Bình. Nhìn những người bạn có thể nói chuyện, gần gũi, chia sẻ với bố, Bình rất chạnh lòng. Không có mẹ bên cạnh, cậu đã rất tủi thân. Có bố là người thân ở bên cạnh, vậy mà lúc nào trong Bình cũng thấy khoảng cách xa vời vợi. Đến giờ, khi đi học xa nhà, có nhiều khó khăn nhưng Bình cứ lùi lũi, âm thầm tự mình giải quyết, tự mình đấu tranh. Đôi lần, Bình muốn gọi về cho bố nhưng cậu lại thôi. Người bố mà chưa một lần hiểu con, chưa một lần đặt vị trí vào con, lúc nào cũng áp đặt suy nghĩ của mình lên con khiến Bình e ngại.

Theo Trần Hùng John, tác giả cuốn sách "Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ", bố có thể thiết quân luật với con một cách công bằng và yêu thương. Bởi trẻ em đều cần sự chỉ dẫn và kỷ luật, chứ không chỉ có hình phạt. Hãy nhắc nhở con về hậu quả mà những hành động của con có thể gây ra, giúp con thực sự hiểu vấn đề. Người bố nên đưa ra kỷ luật cho con một cách bình tĩnh và công bằng để tránh phản ứng gay gắt và hung hăng. Hãy nhớ khen ngợi và thưởng cho hành vi tốt của con. Và luôn nhớ rằng củng cố tích cực hiệu quả hơn củng cố tiêu cực.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn