Quyết định liều lĩnh và chẳng giống ai
"Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên của vợ chồng tôi là cùng nhau ra đồng, kiểm tra tình hình cây lúa, sâu bệnh, chuột phá hại, nước tưới… từng thửa ruộng, tôi cứ ra với ruộng lúa là nhiều khi quên cả thời gian" - chị Nguyễn Thuỳ Dung cho biết.
Chị Dung tham gia công tác Hội từ năm 2010, là hội viên Hội LHPN xã Hiệp Hòa. Sau 13 năm mưu sinh nơi đất khách quê người, năm 2017, gia đình chị trở về quê hương (thôn An Để, xã Hiệp Hòa) lập nghiệp. "Thời điểm đó, toàn xã có hàng chục héc-ta ruộng bị bỏ hoang, là một vấn đề khó khăn đối với địa phương.
Bản thân tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, tôi luôn quý trọng đồng đất của quê mình, thấu hiểu sự vất vả của người nông dân. Tôi bàn với chồng và quyết định vận động các hộ có ruộng bỏ hoang để thuê, mượn ruộng cải tạo để đưa vào trồng lúa.
Quyết định của vợ chồng tôi khi đó được nhiều người cho là liều lĩnh, chẳng giống ai, nhưng vợ chồng tôi vẫn kiên định với mục tiêu đặt ra của mình" - chị Dung nhớ lại.
Với quyết tâm "bám ruộng" làm giàu, vợ chồng chị Dung nhận cánh đồng Sòi ở thôn An Để là nơi đầu tiên "khởi nghiệp". Cánh đồng Sòi vốn đã bị bỏ hoang hơn 10 năm mọc đầy cỏ dại, hệ thống bờ vùng, bờ thửa, thủy lợi tưới tiêu đều không có. "Vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành cải tạo đồng ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa để gieo cấy lúa.
Tôi cứ vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng lúa chuyên canh, học cách gieo mạ trên khay để cấy máy, kỹ thuật làm đất cho vào khay, ngâm ủ mạ đều theo quy trình, chế tạo máy phun thuốc trừ sâu áp dụng vào sản xuất…" - chị Dung cho biết.
Khó khăn, vất vả là vậy song đất không phụ người. Từ diện tích đó, gia đình chị đã có những vụ mùa đạt năng suất cao. Vợ chồng chị tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất tại các xứ đồng hoang hóa khác trong xã. Đến nay, với 20 héc-ta sản xuất lúa, gia đình chị là hộ sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn nhất ở xã, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, để tìm đầu ra cho sản phẩm, gia đình chị ký hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất từ 1 - 2 giống lúa mỗi vụ, hợp đồng bao tiêu sản phẩm thóc tươi ngay sau thu hoạch.
Chị Dung cho biết: "Vụ mùa năm 2023, năng suất lúa ổn định, gia đình tôi bán được giá từ 8.000 - 9.000 đồng/kg thóc tươi. Trừ chi phí đầu tư, chúng tôi thu lãi khoảng 200 đến 300 triệu đồng".
Với mong muốn có sản phẩm sạch cung cấp ra thị trường, gia đình chị Dung đặc biệt chú trọng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo đúng tiêu chuẩn của Nhà nước. Đầu tư thêm máy móc để chủ động phục vụ cho sản xuất của gia đình như: Máy làm đất, máy cấy, máy phun thuốc trừ sâu, máy gieo mạ khay, hệ thống giàn sấy thóc cơ giới hóa 100% các khâu sản xuất, với tổng kinh phí đầu tư ban đầu trên 1 tỷ đồng.
Luôn đi đầu trong các hoạt động của Hội và địa phương
Trong phong trào hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, gia đình chị Dung là hộ điển hình. Ngay thời gian đầu đã ủng hộ 5 triệu đồng cùng hàng chục ngày công để làm đường giao thông nông thôn, hội trường thôn và tham gia nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện của địa phương.
Khi Hội LHPN xã phát động xây dựng "Hũ gạo tình thương", nhiều năm qua, chị Dung đều ủng hộ cho Chi hội 150 kg gạo để giúp phụ nữ nghèo có bữa cơm ngon. Ngoài việc cùng có đam mê trong việc đồng áng, vợ chồng chị còn cùng nhau chăm nuôi 2 con ngoan, học giỏi, luôn được địa phương công nhận là hộ gia đình văn hóa.
Trong cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và "gia đình 5 có, 3 sạch" chị Dung luôn tích cực hưởng ứng, chủ động phân loại rác thải tại hộ gia đình. Bản thân chị đều có mặt trong các đợt tổng vệ sinh môi trường do Hội LHPN xã phát động và vệ sinh khu dân cư, góp phần làm sạch đường làng ngõ xóm.
Với những nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương và công tác Hội, chị Dung luôn được Chi hội phụ nữ thôn An Để bình xét là hội viên phụ nữ tiêu biểu và được Hội LHPN xã bình xét là phụ nữ xuất sắc năm 2023.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn