Cũng như bao gia đình đông con khác trong xã, cuộc sống của gia đình chị Huân gặp nhiều khó khăn. Một mình chị nuôi 5 đứa con vô cùng vất vả, kinh tế eo hẹp, chật vật không sao kể xiết.
Thế rồi vào năm 2003, chị bắt đầu tham gia TYM, vay số vốn là 1,5 triệu đồng để làm kinh tế. Chị Huân vẫn còn nhớ như in lần đầu khi được nghe về hoạt động của Quỹ Tình Thương (tên trước đây của TYM): "Khi đó tôi là người phản đối kịch liệt nhất. Tôi còn nói với các cán bộ là nếu cho vay mà trả tiền tuần như thế thì gà nhà tôi đẻ trứng cũng không kịp trả nợ. Thế nhưng, tôi đã thay đổi suy nghĩ khi cán bộ TYM gợi ý về việc vay vốn và cách để có thể hoàn trả. Vậy là tôi vay tiền về để nuôi thêm gà, lợn. Để có tiền hoàn trả hàng tuần thì tôi đi chợ bán phế liệu. Cứ như thế, trong suốt 17 năm qua tôi vẫn vay vốn của TYM. Gia đình tôi giờ đã có kinh tế vững chắc, nuôi được 5 người con ăn học, lập gia đình và có cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc".
Nhận thấy hiệu quả của việc tham gia TYM, trong nhiều năm, chị Huân đã tích cực tuyên truyền tới nhiều chị em phụ nữ để họ cùng tham gia. Ban đầu chị vận động được 20 người, sau đó, số lượng thành viên cứ tăng dần lên và cho đến hiện nay đã là 74 thành viên. Ngay từ khi tham gia TYM, chị Huân được chị em trong cụm bầu làm cụm trưởng cụm 16 - thôn Đông Lỗ. Với trách nhiệm này, chị Huân không chỉ giúp TYM trong các công việc về vận hành, tổ chức cụm mà còn là sợi dây kết nối chặt chẽ giữa TYM và các chị em phụ nữ; gợi ý cho các chị em vay mức vốn sao cho phù hợp với điều kiện gia đình, vay vốn về thì sẽ đầu tư ra sao.
"Suy ra từ chính bản thân mình nên tôi rất tâm huyết với hoạt động của TYM, mong chị em cũng có thể vay vốn làm kinh tế và giải quyết những việc khó khăn trong gia đình. Trước khi có TYM thì chị em ở đây cũng chỉ biết làm nông thôi, thành ra kinh tế khi nào cũng khó khăn. Nhưng khi vay vốn rồi trả tiền hàng tuần, họ đều phải nhanh nhẹn, năng động hơn. Người thì vay vốn chăn nuôi, người thì vay vốn để buôn bán, làm cây cảnh, mua máy may để làm nghề rồi làm thêm các nghề phụ khác nữa", chị Huân tự hào chia sẻ.
Chị Dương Thị Tý trước đây là một người có hoàn cảnh giống chị Huân khi chồng mất sớm, mọi lo toan đều dồn hết lên vai chị. Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng chị Tý không dám vay vốn. Chị Huân hiểu được nỗi lo đó vì chính bản thân chị trước đây đã từng trải qua. Vì vậy chị động viên chị Tý vay vốn TYM rồi rủ chị hàng ngày đi thu mua phế liệu cùng mình. Nhờ vậy chị Tý đã phát triển kinh tế, giờ đã xây được nhà 3 tầng khang trang, cuộc sống ấm no, đầy đủ.
Còn có chị Hương thuộc hộ nghèo trong xã, kinh tế gia đình eo hẹp, lại nuôi mẹ già bị mù. Sau khi được chị Huân giúp đỡ tham gia TYM, chị Hương được vay 10 triệu đồng để mua gà, lợn, bò chăn nuôi. Chị Hương đã trả hết nợ từ 5 năm nay, thoát nghèo và vững vàng phát triển kinh tế.
Làm cụm trưởng TYM được 2 năm thì vào năm 2006, chị Huân được chị em hội viên Hội phụ nữ trong xã tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn Đông Lỗ. Đối với công tác Hội phụ nữ, chị luôn ý thức được nhiệm vụ của mình là cần thu hút, tập hợp thêm hội viên phụ nữ, làm "cầu nối" để chị em hội viên trở thành thành viên TYM và ngược lại. Chị Huân cho biết, nhiều chị khi tham gia TYM cũng đã trở thành hội viên phụ nữ. Khi chị mới làm Chi hội trưởng, Chi hội thôn Đông Lỗ có 62 hội viên, giờ đây đã tăng lên là 180 hội viên.
Với hai vai trò quan trọng, chị Huân không quản ngày đêm miệt mài vận động, tuyên truyền, giúp đỡ các hội viên từng li từng tí, từ cách vay vốn ra sao, vay rồi thì làm ăn thế nào, rồi đồng hành với các chị em qua từng giai đoạn vay vốn cũng như làm ăn kinh tế.
"Có nhiều chị em còn ngại ngần khi vay vốn, một phần do quan niệm phụ nữ thì không làm chủ kinh tế, cũng một phần do cách thức hoàn trả của TYM. Vì thế, mình phải đồng hành cùng họ để sao cho họ sử dụng đồng vốn hiệu quả, vay vốn to, trả vốn nhỏ, giúp mọi người chăm chỉ lao động, tiết kiệm, có trách nhiệm với công việc của mình. Quan trọng nhất là những đồng vốn ấy có tác dụng, giúp thành viên thoát nghèo, đầu tư cho con ăn học thành tài… Trong cụm trước đây có mấy chục hộ nghèo, giờ chỉ còn 2 hộ cận nghèo. Đó là thành quả mà tôi cảm thấy công sức của mình bỏ ra đã được đền đáp. Tôi thấy rằng dù là cụm trưởng hay chi hội trưởng thì nhiệm vụ của tôi vẫn là giúp đỡ chị em phụ nữ có một cuộc sống tốt đẹp hơn", chị Huân chia sẻ.
Bản thân chị Huân khi tham gia TYM rồi trở thành Chi hội trưởng cũng có những thay đổi tích cực. "Trước đây đứng trước đám đông là tay chân run bần bật, miệng cứng lại, tôi chẳng nói được gì", chị Huân chia sẻ. Thế nhưng với vai trò là một cụm trưởng, chị giờ đây không chỉ có kỹ năng quản lý tài chính tốt, khả năng lãnh đạo, tổ chức mà còn tự tin phát biểu nơi đông người. Trong nhiều hội nghị tại địa phương, chị đều mạnh dạn xung phong phát biểu và đã trình bày nhiều tham luận về những vấn đề như Nông thôn mới, bảo vệ môi trường, công tác Hội…
Chị Huân không chỉ là một cụm trưởng, chi Hội trưởng hội phụ nữ mà còn đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng khác tại địa phương như Đại biểu Hội đồng nhân dân của xã Trung Nguyên, Chi hội trưởng Chi Hội nông dân thôn Đông Lỗ. Dù ở bất kỳ nhiệm vụ nào, chị đều nỗ lực hết sức mình và mang lại nhiều kết quả tích cực. Vì vậy, chị Huân đã nhận được nhiều bằng khen của Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Phụ nữ địa phương. Chị Huân đã trở thành một tấm gương sáng mà các chị em noi theo trong nhiều năm qua vì không những vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành một người phụ nữ có tiếng nói tại địa phương, giúp đỡ nhiều chị em phụ nữ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chị chia sẻ rằng, làm cụm trưởng ở TYM đã giúp cho chị có cơ hội tiếp cận với nhiều kiến thức mới và trải nghiệm hữu ích với bản thân. Hơn hết, chị nhận ra sự tự tin đầu tiên chính là nhờ việc bản thân có thể làm chủ được kinh tế gia đình.
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam, TYM đã dành 14.366 phần quà để tri ân các cụm trưởng (cũng là chi hội trưởng/chi hội phó) và thành viên tiêu biểu TYM đã có những đóng góp tích cực trong hoạt động của TYM.
.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn