Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, số lượng người cao tuổi làm kinh tế giỏi các cấp tăng lên nhanh chóng. Giai đoạn 2018-2023, đã có 455.267 người đạt danh hiệu người cao tuổi làm kinh tế giỏi các cấp. Phát huy vai trò người cao tuổi làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, người cao tuổi Việt Nam đã góp phần tích cực vào xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt, sự đóng góp của người cao tuổi đã góp phần không nhỏ trong việc chung tay cùng cả hệ thống chính trị thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Trong khuôn khổ cuộc họp báo tiến tới Hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi lần thứ IV (2018-2023), PV Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam, về vấn đề này.
PV: Thưa ông, phong trào "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi" giai đoạn 2018-2023 đã đóng góp như thế nào vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh ở nước ta?
Ông Phan Văn Hùng: Trong 5 năm (2018-2023), người cao tuổi đã hiến hàng chục triệu mét vuông đất xây dựng hạ tầng nông thôn, đóng góp hơn 3.000 tỷ đồng và hơn 10,6 triệu ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới và làm vệ sinh môi trường.
Trên khắp mọi miền đất nước đều xuất hiện những tấm gương cán bộ Hội và người cao tuổi tiêu biểu tham gia xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Nổi bật trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Tân (78 tuổi, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) là một tấm gương điển hình. Ông Tân đã tuyên truyền, vận động 100 hộ huy động trên 5 tỷ đồng làm 7,5 km đường giao thông nông thôn và hơn chục tỷ đồng làm 7 km đường nội bộ và bê tông. Ông Tân cũng đã động viên con cháu bỏ vốn và tự gia đình vay ngân hàng 1,3 tỷ đồng để mua xe đào và xe ben làm 6,5 km đường vào khu sản xuất. Ông đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh và công an tỉnh Khánh Hòa tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Một tấm gương khác là ông Phạm Trung Trường (74 tuổi), người cao tuổi làm kinh tế giỏi ở xã Binh Tân, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Để góp phần xã hội hóa xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông Trường đã hiến 160.000m2 đất nâng cấp hồ chứa nước Tuyền Tung nằm trên địa bàn xã, 8000m2 đất làm đường vào hồ, 5.000 m2 xây dựng nghĩa trang cùng 215 triệu xây dựng nhà văn hóa thôn…
Qua tổng kết cho thấy, phong trào người cao tuổi làm kinh tế giai đoạn 2018-2023 đã thu hút, tạo việc làm cho hơn 9 triệu lao động, nộp ngân sách nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng; làm công tác từ thiện hơn 10 ngàn tỷ đồng; đóng góp xây dựng nông thôn mới hơn 30 ngàn tỷ đồng và chục triệu ngày công. Phong trào đã có 321.718/455.267 người cao tuổi làm kinh tế giỏi là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp (chiếm 70,6% trên tổng số người cao tuổi làm kinh tế giỏi), đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.
PV: Phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi đã nêu cao gương sáng tuổi cao chí càng cao, tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quê hương, đất nước. Ông đánh giá như thế nào về tinh thần thi đua yêu nước sâu rộng của người cao tuổi thông qua phong trào làm kinh tế?
Ông Phan Văn Hùng: Với nhiều thành tựu và kết quả đạt được của người cao tuổi, có thể nói, phong trào người cao tuổi làm kinh tế đã lan tỏa khắp mọi miền của đất nước, trở thành phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong lực lượng người cao tuổi Việt Nam. Không chỉ ở miền xuôi, thành phố mà nhiều người là dân tộc thiểu số ở những nơi khí hậu khắc nghiệt, kinh tế - xã hội và dân trí còn hạn chế nhưng quyết không cam chịu đói nghèo vươn lên trở thành những gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Có rất nhiều người cao tuổi được phong Nghệ nhân Nhân dân, đó là những người cao tuổi xuất sắc, đại diện cho hàng vạn người cao tuổi trong cả nước làm kinh tế giỏi. Họ xứng đáng là những bông hoa đẹp, là những tấm gương sáng thực hiện lời dặn của Bác Hồ kính yêu: "Tuổi già nhưng trí không già, góp công xây dựng nước nhà phồn vinh".
Có thể khẳng định, gương sáng người cao tuổi làm kinh tế giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần đáng kể vào sự đổi thay diện mạo đời sống kinh tế ở nhiều vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đó là những tấm gương như:
Ông Pờ Chuy Cà (63 tuổi dân tộc Hà Nhì, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) đã cùng gia đình đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm về rừng trên 40 ha. Ngoài ra, ông còn kinh doanh nhà nghỉ với thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Hay ông Kim Hên (70 tuổi, ấp Bưng Chung, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) là người dân tộc Khmer, cách đây 24 năm, từ một nông dân thuần túy không ngừng sáng tạo, hăng say lao động, đến nay đã có công ty sản xuất kinh doanh riêng, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động, có nhiều đóng góp cho công tác xã hội, từ thiện tại địa phương.
Bà Dương Thị Từ (63 tuổi, ở Lạng Sơn) là người dân tộc thiểu số khuyết tật phải ngồi xe lăn nhưng đã nỗ lực vượt khó, xây dựng được Hợp tác xã sản xuất chổi chít tạo công ăn, việc làm cho hàng chục lao động là người khuyết tật với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng.
Ông Bieo NiÊ (73 tuổi, dân tộc Êđê ở buôn HraA, xã EaTun, huyện Cư M’gara, tỉnh Đắk Lắk) đã chịu khó học hỏi và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến cho gần 30 ha cao su, cà phê, đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm. Không chỉ quyết tâm làm kinh tế giỏi, ông Bieo NiÊ còn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào không tin, không nghe, không làm theo kẻ xấu xúi giục, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, đất đai chống phá cách mạng, phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Nhờ đó, buôn của ông luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bà con luôn tin yêu bầu ông là người uy tín trong buôn…
So với năm 2018, tỷ lệ người cao tuổi làm kinh tế giỏi trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm gần 4%; trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,2%, tiểu thủ công nghiệp tăng 12,2%, thương mại, dịch vụ tăng 22,13%. Những đóng của người cao tuổi làm kinh tế giỏi đã góp phần đáng kể vào làm tăng thêm nguồn lực phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là hành động có ý nghĩa, thể hiện lòng yêu nước sâu sắc của người cao tuổi Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi lần thứ IV, giai đoạn 2018-2023
Hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi lần thứ IV, giai đoạn 2018-2023 sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 16/11/2023 với sự góp mặt của hơn 600 đại biểu đại diện cho hơn 400.000 người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi các cấp trong cả nước. Trong đó có 8 đại biểu là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 16 đại biểu được tặng các hạng huân chương cao qúy, 15 đại biểu được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều đại biểu được các ban, bộ, ngành, địa phương khen thưởng. Thông điệp của hội nghị lần này là: "Phát huy vai trò người cao tuổi làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc".
Hội nghị là diễn đàn quan trọng, tạo cơ hội gặp mặt, giao lưu, trao đổi những mô hình làm kinh tế giỏi, những kinh nghiệm hay, bài học quý để các cấp Hội tiếp tục nhân rộng, phát huy vai trò người cao tuổi. Đồng thời, lan tỏa thông điệp đến toàn xã hội về tinh thần, trách nhiệm cùng chung sức, đồng lòng, tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi phát huy trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho cộng đồng, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp làm giàu cho quê hương, đất nước.
Đây cũng là dịp suy tôn người cao tuổi đã nêu gương sáng về ý chí tự lập, tự cường, khởi nghiệp, lập nghiệp, truyền nghề, góp phần quan trọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn