Người cao tuổi nhất thế giới sống thọ nhờ chocolate và rượu vang

22:30 | 27/04/2022;
Theo công bố mới đây từ Kỷ lục Guinness Thế giới, sau khi bà Kane Tanaka (Nhật Bản) qua đời, sơ André, một nữ tu người Pháp 118 tuổi, hiện là người cao tuổi nhất thế giới.

Sơ André tên khai sinh là Lucile Randon, sinh ngày 11/2/1904, 1 thập kỷ trước Thế chiến thứ nhất. Bà cũng là người Pháp và người châu Âu thứ ba được ghi nhận là người cao tuổi nhất thế giới. Người phụ nữ dành phần lớn cuộc đời mình cho việc phục vụ tôn giáo, trước khi trở thành một nữ tu; chăm sóc trẻ em trong Thế chiến thứ hai và sau đó dành 28 năm chăm sóc trẻ mồ côi và người già tại một bệnh viện.

Sơ André sống gần thành phố Toulon của Pháp và đã sống ở viện dưỡng lão trong 12 năm qua. Ở tuổi 118 tuổi, bà bị điếc một phần và phải ngồi xe lăn, nhưng vẫn thích duy trì hoạt động trí óc.

Nữ tu người Pháp sống sót sau trận đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và hiện chính thức trở thành người sống sót lớn tuổi nhất thế giới sau đại dịch Covid-19. Sơ André thậm chí cho biết rằng bà không nhận ra rằng mình đã mắc bệnh. Theo tuyên bố của Kỷ lục Guinness Thế giới, sơ André dương tính với virus Covid-19 vào đầu năm 2021, nhưng đã hồi phục hoàn toàn trong vòng ba tuần, đúng vào sinh nhật lần thứ 117.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Pháp RMC Story mới đây, sơ André bày tỏ nhiều cảm xúc lẫn lộn khi trở thành người cao tuổi nhất thế giới. "Tôi cảm thấy mình sẽ tốt hơn khi ở trên thiên đường, nhưng Chúa vẫn chưa muốn gặp tôi", bà nói.

Bí quyết sống thọ của người cao tuổi nhất thế giới là chocolate và rượu vang - Ảnh 1.

Sơ André thích chocolate và rượu vang.

Sơ André rất thích chocolate và rượu vang. Theo xác nhận từ nhà dưỡng lão Résidence Catherine Labouré nơi nữ tu đang sống, mỗi ngày bà đều uống một ly rượu vang. Danh hiệu người cao tuổi nhất từng được ghi nhận cũng thuộc về một phụ nữ Pháp là bà Jeanne Louise Calment, sinh năm 1875, thọ 122 tuổi 164 ngày, theo tuyên bố của Kỷ lục Guinness Thế giới. Jeanne Louise Calmen cũng từng cho biết rằng chocolate và rượu vang đóng một vai trò quan trọng trong việc kéo dài tuổi thọ của mình.

Đầu năm nay, khi bước sang tuổi 118, sơ André đã nhận được thư viết tay chúc mừng sinh nhật từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Bà sống qua 18 đời tổng thống Pháp và 10 thời Giáo hoàng và trở thành người cao tuổi nhất thế giới sau khi Kane Tanaka, một phụ nữ Nhật Bản trước đây giữ kỷ lục người cao tuổi nhất thế giới, qua đời ở tuổi 119 vào ngày 19/4.

Laurent Toussaint, một nhà khoa học máy tính và chuyên gia của Cơ sở dữ liệu quốc tế về tuổi thọ (IDL) cũng như Viện nhân khẩu học Pháp, cho biết hầu hết những người trăm tuổi sống ở những vùng được gọi là "Blue Zone", nơi mọi người sống lâu hơn mức trung bình, chẳng hạn như Okinawa ở Nhật Bản hoặc trên đảo Sardinia của Ý.

Theo viện thống kê Insee, mặc dù Pháp không được coi là vùng "Blue Zone", nhưng vẫn có 30.000 người sống đến trăm tuổi và có khoảng 40 người thọ từ 110 tuổi trở lên.

Các số liệu trước đại dịch năm 2019 cho thấy tuổi thọ của người Pháp ở mức 85,3 tuổi đối với nữ và 79,4 tuổi đối với nam, đây là một trong những mức cao nhất trên thế giới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn