Người cha 11 năm đòi công lý cho con gái ung thư

22:55 | 24/11/2018;
Hãng Samsung Electronics (Hàn Quốc) vừa lên tiếng xin lỗi và cam kết bồi thường các công nhân phát bệnh ung thư máu, u não... sau khi làm việc ở những nhà máy sử dụng nhiều hóa chất. Đó là thành công của ông Hwang Sang-gi, người cha đấu tranh bền bỉ suốt 11 năm qua vì công lý cho con gái và các công nhân khác qua đời vì mắc bệnh nan y.
Cam kết đền bù tối đa 150 triệu won (gần 133.000 USD) cho mỗi nạn nhân
 
kinam-kim.jpg
Giám đốc điều hành Samsung Electronics Kim Ki-nam cúi đầu nhận lỗi

  

Lãnh đạo công ty Samsung Electronics đã công khai xin lỗi vì không thể tạo ra môi trường làm việc lành mạnh và an toàn cho các công nhân tại xưởng chế tạo chip và màn hình điện tử, dẫn đến việc nhiều người mắc bệnh, thậm chí tử vong trong những năm qua. Giám đốc điều hành Samsung Electronics Kim Ki-nam cúi đầu nhận lỗi vì công ty không thể quản lý “các hiểm họa về sức khỏe” xảy đến với người lao động. “Chúng tôi chân thành xin lỗi các công nhân, những người đã phải chịu đựng tình trạng sức khỏe kém và gia đình của họ", ông Kim nói trong cuộc họp báo tại Seoul trước sự hiện diện của nhiều nhà hoạt động vì quyền lợi của người lao động và gia đình của các nạn nhân.
 
Samsung cam kết đền bù tối đa 150 triệu won (gần 133.000 USD) cho mỗi nhân viên từng hoặc đang làm việc cho công ty bị mắc bệnh liên quan đến công việc nếu nguyên nhân được xác định là tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Mọi nhân viên cũ và hiện tại của Samsung cũng như những người từng làm việc tại các nhà máy bán dẫn và sản xuất màn hình của Samsung trong vòng hơn 1 năm kể từ năm 1984 đều đủ điều kiện để được đền bù nếu mắc bệnh. Nữ công nhân sảy thai hoặc sinh con mắc các bệnh bẩm sinh như ung thư cũng sẽ nhận được bồi thường.
 
hwang-yumi-samsung-3.jpg
Giám đốc điều hành Samsung Electronics Kim Ki-nam (phải) bắt tay với ông Hwang Sang-gi, người sáng lập nhóm SHARP tại sự kiện ký thỏa thuận đền bù ở Seoul

 

Đây là động thái dàn xếp cuộc tranh cãi kéo dài 10 năm giữa nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới và một nhóm nhà hoạt động đại diện cho các công nhân bị bệnh và gia đình họ. Từ năm 2008, hàng chục công nhân đã yêu cầu các gói bồi thường an toàn lao động từ chính phủ nhưng rất ít người được phê duyệt. Một nửa số trường hợp bị từ chối, nửa còn lại vẫn đang được xem xét. Gia đình các nạn nhân thường phải bán nhà hoặc sử dụng hết tiền tiết kiệm để chữa bệnh cho người thân. Một số nạn nhân mắc chấn thương vĩnh viễn và không thể đi làm.
 
Các nhóm vận động cho biết có 320 người đã mắc các bệnh liên quan đến công việc sau khi được Samsung Electronics tuyển dụng, trong đó 118 người tử vong. Riêng nhóm hoạt động Sharps khẳng định khoảng 200 công nhân mắc bệnh sau khi làm việc tại các nhà máy của Samsung và 70 người qua đời sau đó.
 
Năm 2007, tài xế taxi Hwang Sang Gi từ chối chấp nhận cách giải quyết của tập đoàn sau khi Yumi, con gái ông qua đời vì ung thư máu trong lúc làm việc tại một phân xưởng của Samsung. Ông Hwang cho rằng Samsung phải nhận trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến điều kiện làm việc tại các nhà máy sử dụng nhiều hóa chất. Ông Hwang đã phát biểu tại cuộc họp báo: "Không một lời xin lỗi nào là đủ, xét đến việc chúng tôi đã phải chịu đựng sự dối trá và sỉ nhục từ Samsung trong hơn 11 năm qua. Chúng tôi đã phải chịu nỗi đau do bệnh nghề nghiệp, nỗi đau do mất người thân. Tuy nhiên, tôi xem lời xin lỗi hôm nay là một lời hứa từ Samsung Electronics nhằm cải thiện môi trường làm việc”.
 
Hành trình đấu tranh của cha
 
Cô Hwang Yumi đã qua đời năm 2007 ở tuổi 22 do mắc một ung thư máu dạng tủy cấp tính sau khi cô làm việc ở bộ phận nhúng tấm wafer silicon trong các hóa chất tại nhà máy Giheung thuộc Samsung ở phía Nam thủ đô Seoul. Cái chết của cô Yumi là một trong những vấn đề lo ngại liên quan đến điều kiện sản xuất tại các nhà máy Samsung và ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc nói chung.  Một công nhân 30 tuổi làm cùng dây chuyền sản xuất với Yumi cũng qua đời vì căn bệnh này.
 
hwang-yumi-samsung-2.jpg
Yumi, con gái ông Hwang đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo sau khi làm việc tại khu vực chứa nhiều hóa chất độc hại của Samsung

 

Do đó, người cha lái xe taxi đã phát động một phong trào mang tên Những người ủng hộ cho sức khỏe và quyền của người dân trong ngành bán dẫn (SHARPS) đòi chính phủ điều tra những nguy cơ về sức khỏe tại các nhà máy của Samsung Electronics. Người cha này đã trải qua cuộc đấu trang đầy gian khổ suốt 7 năm chống lại công ty Samsung, từ chối nhận tiền để im lặng về cái chết của con gái ông nhằm làm sáng tỏ tình trạng sử dụng những chất gây ung thư trong các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, đặc biệt là nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn.
 
Quá trình tranh đấu của ông Hwang để tìm hiểu lý do khiến con gái qua đời từng là nguồn cảm hứng cho một bộ phim nổi tiếng. Phim tài liệu “Empire of Shame” ra rạp từ tháng 3/2014. Suốt 3 năm sản xuất, bộ phim được quay với những hình ảnh thực tế về cuộc đấu tranh của ông Hwang và gia đình các công nhân khác từng làm việc cho Samsung. Phim tập trung vào phong trào mà ông Hwang khởi xướng nhằm làm sáng tỏ tình trạng sử dụng những chất gây ung thư trong các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, đặc biệt là nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn.
 
hwang-yumi-samsung-1.jpg
Ông Hwang Sang-gi cầm ảnh con gái qua đời vì nhiễm bệnh sau khi làm việc ở Samsung để phản đối tập đoàn

  

Bộ phim thứ hai tên là “Another Promise”, kể về cuộc đời thực của ông Hwang và con gái Yumi, người làm việc trong nhà máy thiết bị bán dẫn của Samsung từ năm 2003 khi mới 18 tuổi, rồi qua đời năm 22 tuổi. Nhân vật người cha trong phim đã kiên trì đến cùng trong cuộc đấu tranh với công ty mang tên hư cấu là Jinsung.
 
Hai bộ phim nhanh chóng gây được tiếng vang. Nhờ tác động của cuộc đấu tranh không mệt mỏi, nhiều điều bí mật dần được làm sáng rõ: Samsung hiện là tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc với khoảng 100.000 công nhân. Doanh nghiệp này thống trị lĩnh vực sản xuất bộ nhớ kể từ đầu những năm 1990. Tuy nhiên, thành công đó liên quan đến việc sử dụng hóa chất độc hại và thường gây ra ung thư như asen, acetone, acid sulfuric và các kim loại nặng như chì - thường sử dụng nhiều trong việc sản xuất chất bán dẫn, điện thoại di động và màn hình LCD.
 
hwang-yumi-samsung-4.jpg
Nước mắt thương con của ông Hwang Sang-gi

 

Sau một cuộc chiến giữa thân nhân các công nhân nhà máy đã chết hoặc bị bệnh do tiếp xúc với hóa chất, Samsung Electronics mới chuyển sang chấm dứt tranh chấp. Họ cam kết chấp nhận một thỏa thuận với việc đền bù cho các nạn nhân và gia đình của họ và sẽ thiết lập các biện pháp ngăn ngừa tái phát các bệnh liên quan đến công việc tại Samsung.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn