Nhà văn Edmondo De Amicis (người Ý) có một câu nói xúc động về công ơn sinh thành như sau: "Không biết bao nhiêu người cha đã hy sinh, nhẫn nại để dành mọi thứ quý giá cho con. Không biết bao nhiêu người mẹ đã vất vả nuôi con khôn lớn". Cha mẹ nào cũng dành những thứ tốt đẹp cho con với mong muốn con lớn lên mạnh khỏe, hạnh phúc, đạt được thành công như mong đợi.
Thông thường trong gia đình châu Á, người cha có trách nhiệm gánh vác kinh tế, lo toan cuộc sống vật chất; còn người mẹ có nhiệm vụ vun vén tổ ấm, nuôi dạy những đứa con nên người. Chính vì suy nghĩ đó, không ít người đàn ông cho rằng dạy con là việc của phụ nữ, họ không cần can thiệp sâu. Điều này có thể dẫn đến việc đứa trẻ lớn lên không đạt được kỳ vọng cha mẹ đặt ra. Thậm chí, không ít trẻ còn đi sai đường và tự hủy hoại cuộc đời mình.
Thực tế, người cha có vai trò rất lớn trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc các con. Người cha tuy ít tham gia vì những vai trò xã hội mà họ phải đảm nhận nhưng sự quan tâm và tình cảm của cha dành cho con sẽ giúp cân bằng tâm lý, hình thành nhân cách, định hướng tương lai cho con. Vì vậy, nếu người cha mắc phải 3 điều sau đây sẽ khó giúp những đứa con "hóa rồng, hóa phượng".
Nhiều người cha cho rằng mình là trụ cột trong gia đình, có quyền quyết định mọi chuyện. Họ yêu cầu thành viên còn lại phải chấp hành yêu cầu, mệnh lệnh họ đưa ra, dù đó là vợ hay con. Họ có tính cách độc đoán, áp đặt, không có nhu cầu lắng nghe người khác chia sẻ.
Ngay cả khi các con khôn lớn, trưởng thành, người cha vẫn thay con quyết định mọi vấn đề, từ việc học tập, sở thích cá nhân đến định hướng tương lai. Cách làm này cứ ngỡ yêu thương con nhưng thực ra là đang làm hại con, khiến đứa trẻ chỉ lớn về thể xác, còn mãi yếu kém về năng lực. Mong muốn kiểm soát của người cha quá mạnh khiến trẻ không còn được là chính mình.
Nhà viết kịch nổi tiếng George Bernard Shaw từng nói: "Nhiệm vụ đầu tiên của một người đàn ông hay một người phụ nữ trưởng thành là tuyên bố độc lập. Người nào còn đang dựa dẫm vào cha mẹ hay bất kể ai đó thì là họ chưa trưởng thành thực thụ". Đứa trẻ nào rồi cũng phải khôn lớn, phải đối mặt với khó khăn trên đường đời, phải đưa ra những lựa chọn. Vì thế, thay vì độc đoán kiểm soát con thì người cha nên đưa ra lời khuyên hữu ích dựa trên trí tuệ, trải nghiệm của bản thân.
Người cha là trụ cột gia đình, đồng thời là người vạch ra hoạch định phát triển cho các thành viên. Người cha có trách nhiệm lo toan mọi vấn đề như: Tài chính, giáo dục, định hướng… Vì thế, nếu cha có suy nghĩ và tầm nhìn hạn hẹp sẽ không thể nuôi dưỡng ước mơ lớn cho những đứa con.
Chẳng hạn như một người cha sống ở nông thôn không cho con học tập đến nơi đến chốn để thoát nghèo. Họ luôn nhấn mạnh với con rằng: "Con cần nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình" hay "Mai sau con sẽ tiếp tục làm công việc lao động tay chân vất vả giống cha mẹ"… Suy nghĩ này của cha khiến đứa con mãi mắc kẹt, nhận thức hạn chế, bỏ lỡ cơ hội phát triển. Trẻ lớn lên có thể là người tầm thường, không có hoài bão, khát vọng.
Nhiều ông bố rất nóng tính, thường xuyên tức giận, thậm chí đánh mắng con. Họ giống như con nhím sẵn sàng xù lông khi con làm sai, mắc lỗi. Họ luôn tỏ ra không hài lòng trước mọi lời nói, hành động của con. Ngay cả khi con đạt điểm kiểm tra tốt, họ vẫn trách móc: "Tại sao con không đứng ở vị trí đầu như bạn?".
Tính cách xấu xí này của cha ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của con. Khi thấy cha cáu gắt, những đứa trẻ thường không dám phản kháng. Trẻ rơi vào tâm trạng buồn bã, căng thẳng, tủi thân, nhất là khi bị so sánh, nói bóng gió. Ngay cả khi đó không phải lỗi của trẻ, trẻ cũng không dám biện hộ vì sợ cơn nóng giận của cha.
Trong quá trình cùng con khôn lớn, người cha cần học cách đồng cảm và tôn trọng con. Người cha hiền lành giúp con có cuộc sống thuận hòa. Người cha phép tắc giúp con phát triển năng lực bản thân. Người cha thường nói lời động viên giúp con tự tin tiến về phía trước. Người cha bình tĩnh sẽ tạo nên đứa trẻ sống kỷ luật, không ngại thách thức cuộc đời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn