Người cha một chân

06:25 | 16/06/2019;
Khi biết phải cưa chân thì ông nhất định thà chết chứ không chịu vì sợ làm gánh nặng cho con. Nhìn bố thiêm thiếp vì thuốc mê gầy xọm đi không thể nhận ra được, nó bỗng thấy ân hận vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm của mình.

Mẹ nó mất ngay trên bàn đẻ, nó chỉ sống được một ngày thì cũng lạnh dần. Bố nó ôm chặt đứa con lạnh ngắt không còn hơi thở mà nấc khan từng hồi đau đớn như con thú bị thương khiến ai cũng phải chảy nước mắt. Ông ôm chặt đứa con đã chết, như điên dại, không cho ai đem xác con đi chôn. Cả đêm ấy, ông đóng chặt cửa ôm xác con ngồi như hóa đá bên quan tài vợ. Mãi gần sáng thì nó chợt cựa quậy. Hơi ấm của bố đã cứu sống nó.

 

anh-trang-8.jpg
Ảnh minh hoạ

 

Từ ngày ấy, nó là cuộc sống, là hơi thở của bố. Hàng ngày, ông bế nó đến nhà hộ sinh xin bú nhờ. Nhưng xin sữa không dễ nên ông cho nó ăn nước cháo. Nhìn con yếu ớt mong manh, ông thương con đến đứt ruột. Nghĩ ngợi mãi, ông đi vay tiền tìm mua một con bò sữa bị loại với giá rẻ đem về nuôi để lấy sữa cho con. Con bò sữa bị loại chẳng còn mấy sữa nhưng cũng thừa sữa cho nó uống. Mọi người bảo ông dở hơi, cái công nuôi bò vứt đi ấy thì thà lấy tiền đó mua sữa cho con còn lãi hơn. Ông chẳng thanh minh nhưng nhìn con có da có thịt thì vui lắm, càng chăm cho con bò cẩn thận hơn. Con bò như cảm cái ơn cứu mạng và chăm sóc của ông nên tự nhiên cho nhiều sữa hẳn lên, nhiều đến mức còn có sữa bán.

 

Nó yếu lắm, cứ ốm đau luôn. Nhưng nó sụt một lạng thì bố nó sụt cả cân thịt. Dù biết con ốm mọc răng, bố nó cũng thấp thỏm ôm con suốt đêm, không rời con nửa bước. Từ khi có nó, bố nó cho người ta thuê ruộng, chuyển sang nuôi lợn để có thể chăm sóc nó. Những khi băm bèo, nấu cám, bố đặt nó vào cái thúng để bên cạnh, đi đâu bố cũng bê nó theo. Con nhà người ta lớn lên như cỏ dại, chỉ có nó là công chúa. Bố sợ nó đi học bị bạn bắt nạt nên sáng đưa, trưa đón, những hôm mưa rét còn cõng nó cho nó khỏi bẩn. Nhà nghèo nhưng bố không để nó thiếu gì. Ông ăn rau cả tháng cũng được, nhưng nó thì bữa nào cũng phải có thịt, có cá. Trong chuồng nhà nó nuôi hơn chục con lợn nhưng nó chưa phải cho lợn ăn bao giờ.

 

Càng lớn nó càng xinh, chỉ nhìn con mà bố nó cũng đủ no, đủ sướng. Vào cấp 3 thì nó lên huyện học. Trường cách nhà 15 cây số nên nó trọ học chủ nhật mới về. Nhớ con, vài ngày bố nó lại lóc cóc đạp xe mang đồ ăn lên thăm nó. Nó chẳng thương bố thì chớ lại còn cáu, bảo: Bố đừng có đến nữa, mà bố đừng có kho kho, nấu nấu mấy món này, mặn lắm, con không ăn được đâu, bố cứ đưa tiền khắc con biết mua...

 

Sau lần ấy, nhiều khi nhớ con không ngủ được nhưng ông cũng không dám đi thăm nó. Có lần đi đến nửa đường nhưng rồi lại quay về.

 

Chủ nhật nó về nhưng chỉ cốt lấy tiền rồi đi. Lúc nào nó cũng bảo bận học. Tiền đưa cho nó như muối bỏ biển. Con lợn bán ra chỉ được lãi hai triệu vậy mà nó tiêu vèo cái đã hết bay. Có lần ông hỏi thì nó bảo: “Con gái lớn có bao nhiêu cái phải tiêu, bố là đàn ông thì bố biết gì mà vặn vẹo...”. Nó còn dọa ông: nếu bố không có tiền thì thôi, con không đi học nữa... Thế là ông lại móc cạn hầu bao đưa cho nó.

 

Hàng xóm ái ngại khi thấy ông lủi thủi một mình thì mai mối cho ông một người phụ nữ đồng cảnh, vậy mà nó biết được đã giãy lên đành đạch con cấm bố lấy vợ đấy nhé, bố mà cưới bà nào về đây thì con sẽ làm cho bà ấy phải bỏ bố mà chạy mất dép cho mà coi...

 

Đợt lợn nhà ông bị dịch chết hết, ông đã phải làm đủ mọi việc để có tiền gửi cho nó. Hết thợ xây lại đóng gạch, vậy mà lần nào cầm nắm tiền nhăn nhúm bố móc từ trong bụng ra nó cũng nhăn nhó: “Từng nay thì làm gì đủ tiêu. Ở trên huyện chứ đâu như ở nhà quê, cái tăm cũng phải tiền...”. Nó đâu biết những đồng tiền nhăn nhúm ấy thấm đẫm mồ hôi, sức lực của bố nó. Nó cũng chẳng bao giờ nghĩ đến bữa cơm của bố có gì. Quen được bố chiều, nó lười nấu nướng, toàn ăn hàng hoặc đồ ăn sẵn. Nó xinh nên có lắm anh tán, thế là nó thích làm đỏm. Ở phố huyện thì đầy thứ để nó làm đẹp, nhưng phải có tiền. Tiền thì đã có bố lo...

 

Nó cùng thằng bạn trai đi karaoke về nghe bác chủ nhà bảo: có người dưới quê lên bảo nó về ngay, bố ốm nặng... Nó chợt nhớ ra tuần trước nó gặp bà hàng xóm, bà kể bố nó khật khừ mấy hôm rồi, chẳng đi làm được. Nó định bụng hôm sau về thăm bố nhưng rồi thằng bạn trai đến rủ đi chơi nó lại quên ngay.

 

Nó về đến nhà thì bố nó đã vào bệnh viện, cái chân đau của bố nó không còn nữa. Người đưa bố nó vào viện là người đàn bà mà nó đã cấm bố không được cưới. Bà kể: Bố nó đi làm dẫm phải cái đinh bị nhiễm trùng mà ông vẫn đi làm, ông sốt mãi nhưng vì tiếc mà chẳng đi bệnh viện, khi thịt thối ra ông mới chịu đi thì đã quá muộn. Khi biết phải cưa chân thì ông nhất định thà chết chứ không chịu cưa vì ông sợ làm gánh nặng cho con.

 

Nhìn bố thiêm thiếp vì thuốc mê gầy xọm đi không thể nhận ra được, nó bỗng thấy ân hận vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm mà rất có thể nó không còn cơ hội sửa chữa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn