Người chặt tay chân thuê có dấu hiệu phạm tội

14:15 | 26/08/2016;
Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết, đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ hành vi của Doãn Văn Doanh xem có phạm tội cố ý gây thương thích hay không.

Như báo PNVN đã thông tin, vì muốn trục lợi tiền bảo hiểm, tối ngày 5/5/2016, Lý Thị Niên (30 tuổi, trú tại xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) đã thuê Doãn Văn Doanh (21 tuổi, cùng ở huyện Phúc Thọ) chặt tay, chân rồi dựng hiện trường vụ tại nạn tàu hỏa .

Sau khi vào cuộc điều tra, công an quận Bắc Từ Liêm đã làm rõ hành vi gian dối của Niên và Doanh. Tuy nhiên, do hành vi lừa đảo của Niên chưa thành nên công an đã không khởi tố vụ án hình sự.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), phân tích: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo qui định tại Điều 139 BLHS là tội phạm có cấu thành vật chất nên buộc phải có hậu quả đã chiếm đoạt được tiền bạc. Dù cho chị Niên có hành vi gian dối trục lợi bảo hiểm nhưng nếu chưa có quyết định chi trả hay sự nhận tiền của chị Niên thì không thể xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mặc dù không bị khởi tố về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã đề xuất lãnh đạo Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính với Lý Thị Niên số tiền 1,5 triệu đồng về hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản người khác. Đồng thời, đề xuất xử phạt Doãn Văn Doanh số tiền 750.000 đồng về hành vi báo thông tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về vấn đề này, Ls Thơm nói: Việc xử phạt hành chính đối với Doanh là đúng nhưng xử phạt chị Niên là không đúng. Nếu CA quận Bắc Từ Liêm đã xác định chị Niên không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cũng không có căn cứ xử lý vi phạm hành chính chị Niên về hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản người khác (lừa đảo) với mức hình phạt 1,5 đồng theo qui định tại điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị Định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.

Nghĩa là, chị Niên đã không phạm tội lừa đảo thì cũng không thỏa mãn dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Để xử lý hành vi vi phạm hành chính này, người vi phạm cũng cần phải có đủ 2 dấu hiệu bắt buộc: Có thủ đoạn gian dối và có hậu quả chiếm đoạt được tài sản. 

Việc xử phạt vi phạm hành chính hành vi này chỉ được áp dụng khi người vi phạm có hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản (lừa đảo) nhưng chưa đến mức xử lý về hình sự (giá trị tiền chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng hoặc các trường hợp khác như xét tính chất mức độ, hậu quả tuy đã cấu thành tội phạm nhưng do chuyển biến tình hình chưa đến mức xử lý hình sự”.

Lý Thị Niên, người đã thuê Doanh chặt tay chân mình nhằm trục lợi tiền bảo hiểm nhưng bất thành tường trình tại cơ quan công an (Ảnh: Báo công an nhân dân)

Đối với Doãn Văn Danh, người được Niên thuê chặt tay, chân, Ls Thơm cho biết: “Việc làm của Doanh là hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chị Niên. Dù được chị Niên đồng ý thì việc làm của Doanh đã có dấu hiệu vi phạm tội cố ý gây thương tích Điều 104 Bộ luật hình sự”.

Tuy nhiên, theo Ls Thơm: “Để xử lý, khởi tố được Doanh cần phải có yêu cầu của người bị hại. Chị Niên phải có đơn yêu cầu và đi giám định tỷ lệ thương tật để làm căn cứu xử lý.

“Kết quả giám định của cơ quan chuyên môn về tỷ lệ thương tật chị Niên sẽ là căn cứ xử lý đối tượng Doanh theo qui định tại Điều 104 BLHS. Kể cả trong trường hợp tỷ lệ thương tật của chị Niên dưới 11% thì đối tượng vẫn bị xử lý theo khoản 1 Điều 104 BLHS với tình tiết định khung: Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê”, Ls Thơm nói.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn