Người chết não nếu hiến tạng sẽ cứu được nhiều người

20:24 | 18/10/2018;
“Chết não là không tự thở, mất hết phản xạ, không cử động và chắc chắn là sẽ chết. Chúng tôi rất tiếc khi một người bị chết não mà gia đình đưa về nhà thì sẽ về với cát bụi, tuy nhiên nếu hiến tạng sẽ cứu được nhiều người”, GS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết.
“Cho đi là còn mãi” là thông điệp của Ngày hội “Chung tay vì sự sống” do Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức ngày 18/10, tại Ninh Bình.  
 
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình, cho biết, năm 2007 ghi nhận trường hợp đầu tiên ở Việt Nam hiến giác mạc là bà Lê Thị Hoa (ở Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, Ninh Bình). Sự kiện này đã gây chấn động không chỉ ở Ninh Bình mà còn trên địa bàn cả nước, bởi đây là nghĩa cử cao đẹp.
 
Sau sự kiện đó, Hội Chữ thập đỏ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tới người dân. Từ đó đến nay, số người hiến giác mạc tại Ninh Bình tiếp tục cao. Đến nay, cả tỉnh đã có 281 người hiến giác mạc, hơn 10.000 người đăng ký hiến tạng. Ninh Bình cũng là tỉnh có số người đăng ký hiến tạng cao nhất Việt Nam.
 
img_0037.JPG
GS. Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia

Theo ông Kỳ, đạt được thành công ấy cần có sự nhiệt tình của các tình nguyện viên. Ngoài ra, hàng năm, Hội Chữ thập đỏ tập huấn, phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ chức, tôn vinh những gia đình tự nguyện hiến mô tạng khi qua đời. Thời gian tới, Hội tiếp tục quán triệt tới hội viên, nhân dân về pháp luật, vận động, tôn vinh những trường hợp hiến mô tạng, tạo hiệu ứng tới nhân dân.

 

img_0024.JPG
Người dân tìm hiểu thông tin về hiến tạng

Chia sẻ về công tác hiến tạng, GS.Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết, hiện ở Việt Nam ngày nào cũng có người chết não nhưng rất ít người hiến. “Chết não là không tự thở, mất hết phản xạ, không cử động và chắc chắn là sẽ chết. Chúng tôi rất tiếc khi một người bị chết não mà gia đình đưa về nhà thì sẽ về với cát bụi, nhưng nếu hiến tạng sẽ cứu được nhiều người”, GS. Trịnh Hồng Sơn nói.

 

img_0028.JPG
Người dân tìm hiểu thông tin ghép tạng

 

Theo GS. Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, ghép tạng là thành tựu kỳ diệu nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi năm có hàng ngàn người chết do thiếu tạng ghép. Trong khi đó, người dân vẫn còn quan niệm “chết toàn thây” nên không muốn hiến tạng.

 

Năm 2017, số người đăng ký hiến tạng lên 20.000 người, gấp 20 lần các năm trước. Năm 2017 là năm ghép tạng được thực hiện nhiều nhất với gần 670 ca. Dù vậy, số ca hiến tạng còn rất ít. “Thiếu tạng ghép cũng là cản trở cho kỹ thuật ghép tạng ở Việt Nam, là mảnh đất cho tội phạm buôn bán cơ thể người”, GS. Khánh nói.  
 
img_0050.JPG
GS. Trịnh Hồng Sơn thay mặt Bộ trưởng Bộ Y tế truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho đại diện gia đình anh Nguyễn Ngọc Khiêm - người chết não hiến tạng ở xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, Thái Bình

Tại ngày hội, chị Nguyễn Thị Lan (25 tuổi, ở TP Ninh Bình) đã đăng ký hiến tạng. Chị Lan cho biết, trước đây nghe nói đến hiến tạng, chị cũng sợ. Thế nhưng, khi nghe các chuyên gia nói chuyện, chia sẻ, chị đã hiểu việc hiến tạng có rất nhiều ý nghĩa. Hơn nữa, hiến tạng chỉ được thực hiện khi chết não, không ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại nên chị đăng ký tham gia ngay. “Sau hôm nay, tôi cũng sẽ về vận động bạn bè, người thân cùng tham gia hiến tạng, bởi đây là một nghĩa cử cao đẹp”, chị Lan chia sẻ.

 

img_0012.JPG
Các tình nguyện viên diễu hành quanh TP Ninh Bình
Cũng trong ngày hội, các đại biểu đã giao lưu với đại diện những gia đình có người hiến tạng. Ngoài ra, các tình nguyện viên đã tiến hành diễu hành quanh các tuyến phố của TP Ninh Bình để tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến tạng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn