Người chết nhiễm Covid-19 có thể làm những người tiếp xúc thi thể mắc không?

10:40 | 15/02/2021;
"Virus không thể nhân lên trong người chết, nhưng nó tồn tại trong dịch tiết cơ thể. Trong khi đó, ở người chết tất cả các lỗ tự nhiên đều tiết dịch nên nếu không cẩn thận người tiếp xúc có thể bị lây qua con đường này".

Mới đây, một chuyên gia người Nhật Bản đã tử vong tại một khách sạn ở quận Tây Hồ (Hà Nội). Ngay khi nhận được thông tin, Sở Y tế Hà Nội đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy nạn nhân dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp này đã được Bộ Y tế công bố sáng ngày 15/2 và được đánh mã số BN2229.

Liên quan đến vụ việc trên, Công an quận Tây Hồ, Phòng cảnh sát hình sự (PC02) và Phòng kỹ thuật hình sự (PC09), Công an TP Hà Nội đã cử một số cán bộ chiến sĩ tham gia điều tra, khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, bảo vệ hiện trường liên quan đến vụ việc. Dư luận đặt câu hỏi, liệu những cán bộ chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ có phải là F1 tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân F0? Tử thi mang virus SARS-CoV-2 có lây lan ra cộng đồng giống như bệnh nhân Covid-19 hay không? Và thời gian virus tồn tại trong cơ thể người chết được bao lâu? PNVN giới thiệu bài viết của bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) về vấn đề này.

Người chết nhiễm Covid-19 có thể làm những người tiếp xúc thi thể mắc không? - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội)

"Vào những tháng cao điểm của đại dịch Covid-19 trong năm 2020, đường phố Ecuador người chết chất thành đống, ở New York nhà xác không còn chỗ và thi thể xếp đầy hành lang bệnh viện, châu Âu các tình nguyện viên chất xác chết vào xe đông lạnh. Nhân viên y tế, nhân viên pháp y, những người xử lí và bảo quản thi thể trong nhà tang lễ; tất cả h thực thi công việc mà không hề sợ hãi.

Bởi họ hiểu virus không thể nhân lên trong người chết.

SARS-CoV-2 mang vật liệu di truyền là một phân tử RNA dạng sợi, bản thân virus không thể tự sinh trưởng, mà bắt buộc phải dựa vào tế bào cơ thể người tổng hợp giúp cho vật liệu di truyền RNA ấy. Để quá trình sao chép này được diễn ra, thì tế bào phải cung cấp năng lượng gọi là ATP.

Năng lượng ATP được tạo ra trong ti thể.

Thức ăn vào cơ thể người qua những quá trình tiêu hóa và chuyển hóa tạo thành hai chất cơ bản là Glucose và chất béo, đó gọi là những cơ chất ban đầu. Mặt khác, cơ thể hít Oxy vào phổi, tại phế nang hồng cầu sử dụng một chất gọi là Hemoglobin vận chuyển Oxy đi theo dòng máu đến từng tế bào. Tại ti thể (một bào quan trong tế bào), cơ chất ban đầu bị "đốt cháy" bởi Oxy theo chu trình Kreb, tạo ra năng lượng ATP đồng thời giải phóng khí CO2 và H2O.

C6H12O6 + 6O2 -> 6CO2 + 6H2O + 29ATP

Người chết không hít thở, nên không có Oxy đến ti thể, vì thế mà ATP không được sinh ra, quá trình sinh tổng hợp vật liệu di truyền RNA cho virus cũng bị chấm dứt.

Như vậy virus không thể nhân lên trong tế bào người chết.

Tiếp theo, SARS-CoV-2 cư trú ở niêm mạc đường hô hấp, virus phát tán ra môi trường qua giọt bắn nước bọt khi bệnh nhân hắt hơi, ho, thậm chí là hơi thở, nói và cười. Người chết không có khả năng này. Vì vậy, khi tiếp xúc với xác chết, nhân viên y tế, nhân viên pháp y và những người làm trong nhà tang lễ, họ không lo sợ.

Nhưng virus tồn tại trong dịch tiết cơ thể!

Xác chết thường tiết ra các chất lỏng như đờm, nước bọt, máu, nước tiểu, dịch nhầy đường sinh dục, phân; đều có thể chứa virus đang hoạt động. Tuy nhiên, ở người chết tất cả các lỗ tự nhiên đều tiết dịch.

Theo quan niệm cổ xưa, con người có 7 lỗ tự nhiên gọi là thất khiếu, nó nằm trên khuôn mặt để hấp thụ vật chất mà trưởng thành. Bảy lỗ đó gồm 2 mắt, 2 tai, 2 lỗ mũi, 1 miệng. Đàn bà có thêm 2 lỗ vú để tiết sữa nuôi con, tổng là 9 lỗ tự nhiên, vì thế mà đàn bà 9 vía trong khi đàn ông chỉ có 7 vía. Phụ nữ sau thời kì sinh đẻ, vú không tiết sữa nữa, lại quay về 7 lỗ tự nhiên, nên thất khiếu là hằng định.

Khái niệm cửu khiếu tức là 9 lỗ bằng thất khiếu + 2 lỗ bài tiết gồm lỗ sinh dục và lỗ hậu môn.

Nếu ai đó tiếp xúc với thi thể có nhiễm virus SARS-CoV-2, thì cần lưu ý khái niệm cửu khiếu, tức là phải tránh tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp với các chất bài tiết từ 9 lỗ này.

Những người chủ quan, tiếp xúc với xác chết không sử dụng các biện pháp phòng vệ đạt chuẩn theo khuyến cáo của y tế, để dính các dịch tiết cơ thể sẽ có nguy cơ lây nhiễm. Nhật Bản nổi tiếng sạch sẽ, luôn tuân thủ các quy tắc vệ sinh cá nhân, nhưng kể từ khi đại dịch xảy ra, đến nay đã có 73 sĩ quan cảnh sát bị lây nhiễm Covid-19 từ các xác chết.

Cuối cùng là câu hỏi virus tồn tại bao lâu trong thi thể?

Đến nay chưa có nghiên cứu nào về thời gian SARS-CoV-2 tồn tại trong tử thi có thể gây bệnh. Nhưng dựa vào báo cáo trước đây, như virus corona gây dịch SARS năm 2003 thì thời gian tồn tại từ 72 đến 96 giờ.

Tùy từng loại virus và tùy theo nhiều yếu tố.

Một nghiên cứu virus Ebola, những xác chết dưới 7 ngày vẫn phân lập được virus, xét nghiệm RNA dương tính sau 10 tuần; đó là một ví dụ.

Những nghiên cứu thực hiện trên thực phẩm sẽ dễ hơn, với cúm gia cầm, thịt gà để ở nhiệt độ phòng virus bất hoạt sau 15 ngày, nhưng nếu đặt trong tủ lạnh 4⁰C thì thời gian tồn tại của virus khoảng 2 tháng.

Thời gian tồn tại của virus phụ thuộc vỏ virus, môi trường, nhiệt độ, độ ẩm.

Vỏ của virus rất quan trọng. Nó có hai loại vỏ, gồm màng kép Lipid (chất béo) hoặc vỏ Capsid. Với nhóm vius được bảo vệ bởi màng Lipid, sẽ rất khó để tồn tại ngoài môi trường vì bị "khô" đi, các chất tẩy rửa cũng dễ phá hủy. Ví dụ xà phòng cũng có Lipid, khi rửa sẽ có sự cạnh tranh giữa Lipid của xà phòng và Lipid của màng bảo vệ virus, làm cho virus bị phá hủy. Nhưng virus vỏ Capsid là những phân tử Protein bao bọc xung quanh, sẽ bền vững hơn, nên có khả năng tồn tại lâu hơn ở các môi trường.

SARS-CoV-2 là virus có vỏ Capsid.

Virus trong cơ thể người chết không giống như bật công tắc, turn on – turn off, ngay lập tức virus từ "sống" chuyển sang "chết" hết sạch, mà cần phải có thời gian.

Nhưng thời gian bao lâu thì khoa học vẫn chưa có lời giải đáp.

Lưu ý những xét nghiệm Rt-PCR là tìm một đoạn vật liệu di truyền RNA của virus, đó không phải là xét nghiệm cho biết virus đang hoạt động hay đã bị bất hoạt không còn khả năng gây bệnh. Mảnh vi rút có thể tồn tại hàng ngàn năm. Ví dụ mới đây, các nhà khoa học Đức nghiên cứu chiếc răng 7.000 năm tuổi, khi giải trình tự gene đã tìm thấy virus viêm gan B.

Nạn nhân người Nhật cũng được xét nghiệm rt-PCR.

- Ngày 17/1 đến Việt Nam.

- Cách li từ 17/1 đến 31/1.

- Xét nghiệm 2 rt-PCR âm tính.

- Ngày 13/2 phát hiện tử vong.

- Ngày 14/2 kết quả rt-PCR dương tính.

Kết quả xét nghiệm rt-PCR dương tính mới chỉ phản ánh chuyên gia người Nhật đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2, còn thời điểm nhiễm khi nào, virus còn trong thi thể đang hoạt động hay đó chỉ là xác virus, thì chưa thể khẳng định được.

Rất có thể lần xét nghiệm rt-PCR ngày 14/2 do mảnh virus trong dịch tiết tử thi.

Nhật Bản kể từ khi thủ tướng Suga nhậm chức, COVID-19 tái bùng phát có nguy cơ mất kiểm soát, nên xác suất không hề nhỏ có thể chuyên gia 54 tuổi này đã nhiễm SARS-CoV-2 từ quê nhà. Đến ngày 17/1 sang Việt Nam xét nghiệm âm tính và cách li.

Nếu đúng vậy thì kết quả truy vết các F... sẽ lại âm tính.

Tuy nhiên, vẫn có xác suất xảy ra người đàn ông này phát bệnh Covid-19 vào thời điểm từ ngày 1/2 - 13/2, mặc dù xác suất nhỏ hơn. Nhưng đứng về mặt dịch bệnh truyền nhiễm, thì dù xác suất rất nhỏ nhưng vẫn phải đặt tình huống này lên trên đầu, để có biện pháp khoanh vùng đề phòng dịch lây lan mất kiểm soát. Nạn nhân là chuyên gia nên chắc chắn sẽ tiếp xúc với nhiều người, dịch bệnh lại rất phức tạp, nên bác sĩ khuyến cáo những ai tiếp xúc với nạn nhân phải hết sức cẩn thận, không chủ quan!".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn