Người “có H” làm mẹ - hạnh phúc trong nỗi lo thường trực

08:00 | 01/12/2022;
Là người mẹ nhiễm HIV nuôi 3 con an toàn, chị Lê Minh Phương (Lào Cai) đang nỗ lực từng ngày để bản thân khỏe mạnh, các con không bị phơi nhiễm.

Vô tình bị phơi nhiễm HIV do có mặt trong một cuộc xô xát của người bạn có HIV, chị Phương (SN 1994) không biết mình "có H" đến khi chị mang bầu đứa con thứ 2. Lúc gần sinh, đi xét nghiệm máu, chị mới biết mình bị nhiễm HIV. Sau khi được bác sĩ chỉ định các biện pháp tránh lây nhiễm khi sinh con, may mắn, em bé ra đời khỏe mạnh, không nhiễm HIV từ mẹ. "Lúc biết mình bị HIV, tôi chỉ dám chia sẻ với chồng và gia đình chồng, còn bố mẹ đẻ thì không ai biết. Tôi bị stress, hoảng loạn trong suốt 6 tháng cho đến khi sinh. Sau khi sinh con, vì nhiều nguyên nhân, vợ chồng cũng chia tay. Tôi đã trải qua nhiều khó khăn, sợ hãi khi một mình đối mặt với HIV và phải chăm sóc con cái an toàn", chị Phương chia sẻ.

Sau một thời gian, trong quá trình điều trị, chị gặp một người đàn ông cũng bị HIV. Cả hai chia sẻ, cảm thông và quyết định đến với nhau. "Rổ rá cạp lại", chị tìm thấy niềm hạnh phúc muộn màng. Nhiều đêm trăn trở, vợ chồng chị quyết định sinh con trước sự động viên của gia đình chồng. Ở lần sinh con thứ 3 này, chị đã được sự tư vấn của bác sĩ để con ra đời được an toàn, không lây nhiễm HIV từ mẹ. Các con riêng của chị giờ đã ở tuổi lên 5, lên 10, bé mới sinh cũng tròn 2 tháng tuổi. Niềm hạnh phúc xen lẫn lo lắng thường trực khi cả hai vợ chồng đều "có H".

"Bé mới sinh test lần đầu là âm tính và đợi kết quả lần thứ 2. Hiện tôi đang cho con uống thuốc tránh phơi nhiễm 45 ngày. Để đảm bảo an toàn cho con, tôi luôn tuân thủ khám, uống thuốc định kỳ, xét nghiệm 3-6 tháng/lần. Các con là động lực để tôi cố gắng vươn lên, chiến thắng căn bệnh, có sức khỏe để chăm sóc các con một cách tốt nhất. May mắn thay chúng tôi đã vượt qua tất cả, các con đều an toàn cho đến lúc này", chị Phương hạnh phúc nói.

Bác sĩ Mai Bích Hồng (Phụ trách Phòng khám ngoại trú HIV - Trung tâm y tế Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Theo các bác sĩ chuyên khoa, đối với giai đoạn mang thai, thai phụ cần được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm, dùng thuốc kháng virus theo phác đồ để giảm nồng độ virus. Đối với giai đoạn chuyển dạ đẻ, song song với sử dụng thuốc kháng virus, cần áp dụng các biện pháp sản khoa làm giảm sự phơi nhiễm của thai nhi với các dịch cơ thể của người mẹ.

Trong giai đoạn sau sinh và cho con bú, thai phụ cần được bác sĩ tư vấn về việc dùng sữa thay thế hoàn toàn hoặc cho bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng song song với sử dụng thuốc kháng virus theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Cũng theo bác sĩ Hồng, tất cả trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV đều cần sử dụng thuốc kháng virus dự phòng phơi nhiễm HIV. Quá trình chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ có HIV sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những đứa trẻ bình thường khác. Sử dụng sữa công thức thay thế sữa mẹ là điều cần thiết khi chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ có HIV, điều này giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm mầm bệnh từ mẹ sang con.

Hiện nay, phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu được phát hiện sớm, tuân thủ điều trị thuốc kháng virus ARV, đảm bảo tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện và áp dụng các biện pháp can thiệp hiệu quả trong suốt quá trình mang thai, khi sinh và khi cho con bú thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ rất thấp.

Phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có khả năng mang thai, sinh con không nhiễm HIV nếu tuân thủ các nguyên tắc trong điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nhằm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở người mẹ mang thai bị nhiễm HIV thì người mẹ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, chăm sóc thai sản và theo dõi, điều trị dự phòng. Đặc biệt, các bà mẹ cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc và điều trị cho trẻ sau sinh để giảm tối đa các nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn