Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên thuộc tuyến đầu chống dịch. Theo thống kê, đến nay đã có gần 1 triệu người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ngoài ra, với hơn 1,6 triệu liều vaccine vừa nhập về, Bộ Y tế đang chuẩn bị tiêm cho các đối tượng thuộc nhóm 3, nhóm 4. Dù vậy, trong đợt 1 và đợt 2, có một người thuộc đối tượng ưu tiên đã không được tiêm do có tiền sử dị ứng thuốc. Vậy, có phải tất cả các trường hợp có tiền sử dị ứng đều chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19 hay không?
Về vấn đề này, các chuyên gia cho biết, vaccine cũng là một loại thuốc như những loại thuốc khác. Thông thường, sau khi tiêm có thể gặp một số phản ứng sau tiêm như đau vùng tiêm, sốt thậm chí phản ứng nặng. Trong các nghiên cứu lâm sàng, hầu hết các tác dụng phụ không mong muốn của vaccine Covid-19 đều ở mức độ từ nhẹ đến trung bình và hết trong vòng vài ngày đến 1 tuần.
"Các dấu hiệu phản ứng xảy ra chứng tỏ vaccine đang kích thích cơ thể tạo phản ứng miễn dịch. Đây là một phần của quá trình huấn luyện hệ miễn dịch cách nhận diện mục tiêu và tiêu diệt virus Sars-Cov-2 nếu mắc phải", bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai), cho biết.
Theo các chuyên gia, tùy theo cơ địa của từng cá thể mà vaccine có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng. Đối với những người có tiền sử mắc các bệnh dị ứng, thì sau tiêm vaccine có thể gặp dị ứng cao hơn so với những người không mắc bệnh dị ứng. Vậy, những người có tiền sử dị ứng thuốc thì có được tiêm hay không?
Về vấn đế này, bác sĩ Trường cho biết, những trường hợp có tiền sử dị ứng nặng (phản vệ từ độ 2 trở lên) do mọi nguyên nhân đều không được chỉ định tiêm vaccine phòng Covid-19. Còn những người có tiền sử bị viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng hoặc dị ứng nhẹ ngoài da do thuốc, thức ăn… đều có thể được chỉ định tiêm vaccine phòng Covid-19 như những người không có tiền sử dị ứng.
Ngoài ra, một số đối tượng có thể được chỉ định tiêm vaccine nhưng cần sự thận trọng đặc biệt, bao gồm: Những người có tiền sử dị ứng tức thì với nhiều loại thuốc, dị ứng vaccine, hội chứng quá mẫn với aspirin và thuốc chống viêm giảm đau không steroid, tiền sử phản vệ không rõ nguyên nhân hoặc bệnh lý tế bào mast.
Thông thường, sau khi tiêm cơ thể sẽ xảy ra các phản ứng. Trường hợp nhẹ là đau vùng tiêm, sốt, mệt mỏi. Những trường hợp nặng bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ, thậm chí tử vong. Theo bác sĩ Trường, phản vệ là dạng tai biến không thể dự báo trước, có thể xảy ra ở cả những người không có tiền sử dị ứng và với bất cứ ai, sử dụng bất cứ loại thuốc gì chứ không riêng tiêm vaccine. Do đó, cả các trường hợp tiêm vaccine phòng Covid-19 đều cần được theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút sau tiêm. Những người có tiền sử dị ứng đều cần được theo dõi tại chỗ sau tiêm ít nhất 60 phút. Những trường hợp nghi ngờ dị ứng, cần khám chuyên khoa dị ứng để đánh giá nguy cơ trước khi chỉ định tiêm.
Hiện nay, trên mạng xã hội lan truyền thông tin việc trước khi đi tiêm vaccine Covid-19 thì uống thuốc dự phòng dị ứng kháng histamin H1 để tránh nguy cơ sốc phản vệ đối với các trường hợp bị dị ứng thuốc. Bác sĩ Trường cho rằng, việc điều trị dự phòng thuốc kháng histamine H1 trước khi tiêm phòng vaccine Covid-19 không được khuyến cáo. Bởi các thuốc này không ngăn ngừa được dị ứng vaccine mà còn có thể làm che lấp các triệu chứng ở da và niêm mạc, dẫn đến chậm phát hiện và xử trí dị ứng do vaccine. "Theo nguyên tắc của việc dùng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị hoặc trước khi tiêm vaccine, người từng có cơ địa dị ứng cần khai báo kỹ để bác sĩ cân nhắc việc có nên tiêm vaccine hay không và nếu tiêm sẽ có kế hoạch theo dõi kỹ sau khi tiêm", bác sĩ Trường chia sẻ.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn