Năm 25 tuổi, chị sinh con đầu lòng. Sau đó, chị muốn dùng biện pháp tránh thai nhưng không biết nên lựa chọn cách nào bởi chị đọc thông tin thì được biết, người có u không nên dùng thuốc tránh thai mà chồng chị lại không dùng bao cao su.
Không chỉ chị Huyền, nhiều phụ nữ có u tuyến vú, tuyến giáp, u xơ tử cung đều ngần ngại với việc dùng thuốc tránh thai. Họ mong muốn có một biện pháp hữu hiệu để kiểm soát sức khỏe sinh sản, không gây ảnh hưởng đến các khối u và bệnh ung thư của mình.
Theo Thạc sĩ - bác sĩ Đặng Đình Huân, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, đối với những người bị ung thư vú thì không được sử dụng thuốc tránh thai, còn với người u vú lành tính vẫn có thể sử dụng.
Tuy nhiên, u vú lành tính phải chưa có biến chứng mới được dùng thuốc tránh thai. Đối với u xơ tử cung, nếu chưa có biến chứng rong kinh, rong huyết, băng kinh, chưa chèn ép gây đau thì có thể dùng thuốc tránh thai. Tuy nhiên, chị em cần thăm khám bác sĩ để có kết luận chính xác hơn.
Đối với u tuyến giáp cũng cần xác định lành tính hay ung thư. Nếu lành tính chưa có biến chứng thì vẫn có thể uống thuốc tránh thai. Nếu lành tính nhưng có biến chứng thì cần xem xét khám trực tiếp để kết luận.
"Tùy theo khối u trên cơ thể ở bộ phận nào, có biến chứng chưa, khi đó, bác sĩ thăm khám mới có lời khuyên sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp", bác sĩ Huân cho biết.
Theo bác sĩ Đặng Đình Huân, có biện pháp tránh thai sử dụng thuốc nội tiết như thuốc tránh thai uống, thanh cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, có biện pháp không sử dụng thuốc nội tiết như bao cao su, triệt sản...
Nếu người đang có u thì cần xác định thuốc nội tiết đó có ảnh hưởng lên khối u đó không? Khi đó mới có thể kết luận dùng thuốc được hay không.
Còn đối với biện pháp tránh thai không sử dụng thuốc nội tiết như tránh thai bằng bao cao su, đặt dụng cụ tử cung hoặc triệt sản, khi sử dụng những biện pháp này thì không có tác động nội tiết lên khối u.
Tuy nhiên, đối với u xơ tử cung, biện pháp tránh thai đặt dụng cụ tử cung lại không sử dụng được vì u xơ tử cung có thể làm biến dạng buồng tử cung, dẫn đến dụng cụ tử cung khó ở đúng vị trí hoặc có thể gây tai biến khác hoặc gây nhiều tác dụng phụ.
Nhiều người sau khi sinh con do bận rộn chăm con và bận công việc nên thường bỏ qua thăm khám sức khỏe sau sinh. Điều này khiến họ không thể kiểm soát được sức khỏe của mình.
Theo bác sĩ Huân, để kiểm soát sức khỏe sinh sản an toàn, giảm nguy cơ ung thư, phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm một lần. Cần đi khám cơ quan sinh dục ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Đồng thời, cần phòng tránh mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Phải điều trị khỏi các bệnh phụ khoa, bệnh lây qua đường tình dục nếu mắc phải. Vệ sinh kinh nguyệt đúng cách, chăm sóc cơ quan sinh dục (vú, bộ phận sinh dục ngoài) đúng và khoa học, tự khám vú sau mỗi chu kỳ kinh.
"Cùng với đó, phải có kế hoạch sinh con phù hợp với khoảng cách giữa hai lần sinh, phù hợp với độ tuổi, phù hợp với khả năng kinh tế, phù hợp với công việc. Sau khi sinh con, cần chăm sóc mẹ và con đúng cách, nhất là trong suốt thời kỳ cho con bú. Tránh tiếp xúc, sử dụng các hóa chất gây hại, tránh các tia xạ có nguy cơ ung thư", bác sĩ Huân khuyến cáo.
Tại Mỹ, thuốc tránh thai hormone không phải là lựa chọn tốt cho phụ nữ mắc bệnh ung thư nhạy cảm với hormone như ung thư vú. Vì thuốc này có thể kích thích sự phát triển của các tế bào khối u. Biện pháp kiểm soát sinh sản như vậy cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm cả cục máu đông và đột quỵ.
Hầu hết các bác sĩ không khuyên phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai mà thay vào đó, khuyến cáo phụ nữ có khối u hoặc ung thư nên sử dụng phương pháp "rào chắn", dùng để chỉ một nhóm phương pháp: màng chắn âm đạo, mũ chụp cổ tử cung, bao cao su dành cho nam, bao cao su dành cho nữ, các chế phẩm diệt tinh trùng… được dùng trong tiến trình giao hợp. Phương pháp "rào chắn" được sử dụng với gel bôi trơn nếu bạn cần thêm độ ẩm khi quan hệ tình dục.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn