Người con của đồng bào Churu tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

12:25 | 15/09/2023;
Tận mắt nhìn vườn rau xanh mướt được đầu tư trang thiết bị hiện đại của Touneh Ma Tina, ai nấy đều thán phục sự sáng tạo và chăm chỉ của cô Bí thư Chi đoàn người Churu ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Touneh Ma Tina chia sẻ, với vai trò "thủ lĩnh" thanh niên của thôn, cô luôn mong muốn và quyết tâm tiên phong trong các hoạt động xã hội, kinh tế. Bởi vậy, Touneh Ma Tina đã luôn cố gắng dành thời gian trau dồi kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, tìm tòi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và ổn định kinh tế gia đình.

Trước đây, gia đình Touneh Ma Tina chủ yếu trồng các loại rau màu theo phương pháp truyền thống ở ngoài trời. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa ảnh hưởng các tác động xấu của thời tiết và các loại côn trùng xâm hại, năm 2015, cô bắt đầu áp dụng khoa học kỹ thuật vào 2 sào rau của gia đình.

"Sau một thời gian thực hiện, năng suất vườn rau tăng đáng kể. Thấy vậy, tôi đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn để tiếp tục phát triển mô hình trồng rau công nghệ cao trong nhà kính. Với tổng nguồn vốn được cho vay là 250 triệu đồng, hiện nay, vườn rau của gia đình có 7,2 sào nhà kính chuyên sản xuất rau, hoa công nghệ cao như: Cà chua rita, dưa leo baby, ớt chuông, súp lơ baby, su hào... Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn và được chứng nhận VietGap", Touneh Ma Tina cho biết.

Với chất lượng sản phẩm tốt, quy trình sản xuất an toàn, giá cả phải chăng nên nguồn hàng của Touneh Ma Tina luôn được thị trường chào đón. Touneh Ma Tina cho hay, với cà chua rita và ớt chuông, cô sẽ thu hoạch 2 đợt/tuần; su hào tầm 1 tháng đến 1,5 tháng cho thu 1 lứa; riêng dưa leo baby khi đã cho thu hoạch thì ngày nào cũng có sản phẩm... Vụ nọ gối vụ kia, Touneh Ma Tina luôn bận rộn với vườn rau của gia đình. Bù lại, nguồn thu nhập từ các sản phẩm nông nghiệp đã giúp gia đình Touneh Ma Tina ngày một ổn định về kinh tế. Nhờ giữ được niềm tin với các thương lái trên địa bàn huyện nên chỉ cần Touneh Ma Tina có sản phẩm là họ sẽ tự đến tận vườn để thu mua.

Người con của đồng bào Churu đi đầu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất - Ảnh 1.

Touneh Ma Tina bên vườn cà chua công nghệ cao

Được biết, hiện trung bình một tháng, gia đình chị Tina thu từ 10-15 tấn rau, hoa công nghệ cao các loại. Hàng năm, thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, gia đình cô còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 2 lao động thời vụ. Thời gian tới, Touneh Ma Tina dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau công nghệ cao trong nhà kính trên 5 sào đất sẵn có của gia đình.

Không chỉ năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, Touneh Ma Tina còn là một cán bộ Đoàn luôn đi đầu trong các phong trào thi đua tại địa phương. Bản thân cô luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động xã hội cũng như vận động gia đình và bà con nhân dân tham gia các công tác tình nguyện vì đời sống cộng đồng tại địa phương do Đoàn các cấp phát động.

Theo nhận xét của Bí thư Đoàn xã Lạc Xuân Thiều Thị Hồng Vân, chính nhờ sự vào cuộc, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc chặt chẽ, đồng bộ của các cấp địa phương mà sức mạnh nội lực của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương được phát huy mạnh mẽ. Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ và khát vọng vươn lên trong cuộc sống, lực lượng thanh niên ở cơ sở đã và đang làm tốt vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo. Tiêu biểu trong số đó chính là tấm gương của Touneh Ma Tina. 

"Touneh Ma Tina là đại diện cho hình ảnh của một thanh niên Churu tiên tiến, có ý thức tích cực thi đua phát triển kinh tế, mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Touneh Ma Tina xứng đáng là tấm gương sáng cho các bạn trẻ dân tộc thiểu số học hỏi, noi theo", Bí thư Đoàn xã Lạc Xuân Thiều Thị Hồng Vân bày tỏ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn