Cứ tưởng rằng, công việc nặng nhọc này vốn chỉ dành cho những người đàn ông to khỏe nên ít ai nghĩ rằng một thân phận “nữ nhi” chân yếu, tay mềm như bà Đỗ Thị Tuyến (50 tuổi) ở làng Đa Sỹ, Hà Đông (Hà Nội) lại có thể “giữ lửa” lò rèn suốt hơn 30 năm nay.
“Học lỏm” nghề gia truyền
Dù được sinh ra, lớn lên giữa làng rèn truyền thống Đa Sỹ và nghề rèn không phải là nghề gia truyền của gia đình bà Tuyến nhưng ngay từ khi còn nhỏ bà lại tỏ ra thích thú với nghề rèn. Đối với bà Tuyến, tiếng đe, tiếng búa chan chát suốt ngày như là một phần không thể thiếu của những ngày tháng tuổi thơ cho đến tận bây giờ.
Bước vào xưởng rèn Hai Tâm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nghe thấy tiếng sắt thép va vào nhau rõ to, tiếng đe, tiếng búa ấy lại phát ra từ một người đàn bà dáng người nhỏ nhắn, nước da hơi ngăm đen dùng chiếc búa đánh mạnh vào thanh thép đang đỏ lửa.
"Từ năm 12 tuổi, sau những buổi tới trường thay vì thêu thùa, đan lát như những người con gái khác, tôi lại chạy đến những cơ sở rèn trong làng. Những ngày đó, công việc của tôi chỉ là chân “sai vặt”, khi thì cắt thép, khi thì lấy nước,... nhưng với sự tò mò và những kinh nghiệm học được từ người khác nên sau những ngày đó, tôi bắt đầu tận dụng những miếng sắt thừa trong xưởng làm thành những sản phẩm riêng cho mình”, bà Tuyến chia sẻ.
Không biết từ bao giờ, bà Tuyến đã trở thành một thợ rèn chuyên nghiệp, những sản phẩm bà làm ra đều rất tinh xảo khiến nhiều người mê mẩn, tin dùng và nhiều người không dám tin những sản phẩm đó lại do chính tay một người phụ nữ làm nên.
Nghề rèn cực kỳ vất vả, bởi quanh năm phải tiếp xúc với hơi than độc hại, nhất là trong những ngày hè oi bức, ngồi bên bếp than rực lửa với tiếng đe, tiếng búa chan chát nghe mà nhức óc khiến không ít người đã phải bỏ nghề.
Truyền nghề cho con để đưa sản phẩm xuất khẩu
Làng rèn Đa Sỹ được biết đến với các sản phẩm dao, kéo và các loại đồ gia dụng kim khí phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong và ngoài nước. Thế nên, suốt hàng trăm năm nay làng nghề không lúc nào ngớt tiếng đe, tiếng búa,…
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng của người dân cũng ngày một tăng, nên những sản phẩm của làng nghề Đa Sỹ lúc nào cũng trong tình trạng “cháy hàng”, do đó nghề rèn cũng mang lại nguồn thu nhập lớn cho không ít cho nhiều hộ gia đình.
Video: Bà Tuyến điêu luyện tra dao vào cán
Đẽo cán dao, một công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.
Nghề rèn cũng như những nghề khác, lúc thăng, lúc trầm, nhưng nếu có đam mê với nghề thì nghề cũng không phụ lòng người: “Mỗi ngày gia đình tôi sản xuất được khoảng 20 - 30 con dao lớn nhỏ, giá bán từ khoảng 30 – 200 ngàn đồng đồng/chiếc, trừ chi phí thì cũng thu được cả triệu một ngày”, bà Tuyến nói
Để tạo ra được một sản phẩm có chất lượng tốt, khâu quan trọng nhất và đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất là tôi thép và làm nguội. Mỗi hộ rèn ở Đa Sỹ đều có bí quyết riêng, nhưng điểm chung là thép phải tốt và kỹ thuật cao mới cho ra lò những con dao, cây kéo sắc bén.
Bất kỳ người thợ nào ban đầu đều phải học tư thế ngồi, cách cầm búa và quai bễ. Khi đã thành thạo mới chuyển qua đánh rèn, kế đến là làm thô và khi đã có tay nghề mới được làm nguội. Và theo bà Tuyến, công đoạn làm nguội là công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao nhất, muốn học thành thạo nếu nhanh cũng mất một đến vài năm mới có thể làm ra một sản phẩm đúng nghĩa.
Năm nay, dù đã ở cái tuổi ngũ tuần, nhưng với tình yêu nghề và muốn gìn giữ truyền thống của làng nên bà đang cố gắng truyền nghề cho đứa con trai cả trong gia đình.
Trao đổi với PV, ông Đinh Công Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề truyền thống Đa Sỹ, chia sẻ: “Hiện nay, cả làng rèn Đa Sỹ còn gần 1.000 hộ chuyên sản xuất, kinh doanh mặt hàng kim khí như dao, kéo, lưỡi bào,.. Trong đó, có hơn 700 hộ chuyên sản xuất và hơn 200 hộ khác làm đầu mối cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm. Do chất lượng và uy tín hàng trăm năm nay, cộng với nhu cầu sử dụng của người dân không ngừng tăng lên nên sản phẩm của địa phương sản xuất bán rất chạy”.
Sản phẩm của làng chủ yếu là mặt hàng dân dụng nên phù hợp với túi tiền của người dân. Những năm gần đây, sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ cũng đã thông qua các con đường tiểu ngạch cũng đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Bỉ,…