Người đàn bà kỳ lạ ấy là Nguyễn Thị Nhiệm. Bà bảo, việc lo cho các hài nhi xấu số như một định mệnh gắn với bà từ nhỏ.
Bà kể: “Năm tôi mới 10 tuổi, có một chị ở Phú Thọ đến kể chuyện chị ở gần bệnh viện Phú Thọ gặp những em bé không có chỗ chôn, rất tội, chị ấy đều lặng lẽ mang đi chôn”. Ngay từ lúc ấy, những lời nói của chị đó cứ ghi mãi trong lòng bà. “Cho tới năm 1987, tôi đến viện và gặp một trường hợp có bầu to lắm, thấy người ta bảo “cho ra”, người tôi cứ nóng ran, tôi cứ theo dõi xem như thế nào thì thấy mẹ nó cũng khóc nấc lên. Tôi thấy bác sỹ mang hài nhi đó chôn ngay rìa tường ở đầu khoa sản. Từ lúc ấy, tôi cứ bị ám ảnh mãi với hình ảnh hài nhi bị chôn vội vã, tạm bợ kia” – bà Nhiệm nhớ lại.
Như bao gia đình nông dân khác, cuộc sống của gia đình bà Nhiệm vô cùng vất vả. “Tôi đi lấy chồng, mẹ chồng mất sớm, để lại 5 chị em, tôi phải gánh vác thay mẹ chồng lo cho các em và mọi công việc đồng áng của gia đình” – bà Nhiệm chia sẻ. “Cho đến năm 2006, nỗi ám ảnh về đứa bé hài nhi kia cứ thôi thúc tôi phải làm điều gì đó cho các bé. Tôi bắt đầu đến các bệnh viện, phòng khám tư nhân ngồi “xin” bé nếu thấy có nhà nào “bỏ đi”” – bà Nhiệm kể.
Bà Nhiệm chia sẻ: “Tôi có một đức tin bởi các em nó vẫn là một con người, thấy các cháu thiệt phận, bố mẹ các cháu mà để các cháu được sinh ra thì các cháu vẫn làm người, nhưng vì điều kiện nên các cháu chịu thiệt phận”.
Không hiếm những ngày, bà ngồi thẫn thờ bên nghĩa trang Đồi Cốc để trò chuyện, ru các bé ngủ.
Ngoài công việc gia đình, con cái hàng ngày, bà dành nhiều thời gian đến các phòng khám, bệnh viện để xin những hài nhi xấu số, đưa các con về với mái ấm do bà tạo nên để các bé được an ủi. Thế nhưng, việc làm này lại vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ những người dân ở địa phương. “Từ già nhất trong xóm cho đến người trẻ nhất không ai đồng ý. Người ta nghĩ rằng mình mang các bé tận đâu về chôn vào đất của tập thể. Lúc ấy tôi và mẹ đẻ tôi quyết định chung nhau chỗ đất của gia đình hiến cho các bé có chỗ an nghỉ” - bà Nhiệm cho biết.
Tấm lòng và việc làm ý nghĩa của bà rồi cũng khiến cho mọi người thay đổi suy nghĩ. Ngày càng nhiều người, nhiều nơi biết đến bà Nhiệm, họ chủ động liên lạc để cung cấp cho bà những hài nhi xấu số. “Bình quân tôi “đón” được 20 bé/ngày. Trung bình có tháng tôi đón 800 em, có tháng 900 em” – bà Nhiệm nhẩm đếm.
Bà cho biết, một mình làm công việc này cũng vất vả, thường bà tự gói các em rồi gánh đi chôn, khi nào chán gánh thì cho các bé lên xe cải tiến mà kéo. Có lúc chôn bằng niêu sành, khi không có kinh phí thì chôn bé bằng hộp xi măng đóng hộp.
“Có lúc tôi nghĩ muốn bỏ dở đấy, vì quá vất vả vì lọ mọ đêm hôm. Vì đợi khi các bệnh viện, phòng khám ở Sóc Sơn, Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Việt Trì... chuẩn bị đóng cửa, tôi mới “đón” được các bé về, về đến nhà có hôm mưa, lạnh thấu xương, nửa đêm bụng đói cồn cào, mệt và nản quá. Nhưng rồi tôi lại phải xin lỗi các bé mình đã nghĩ lẩn thẩn, tôi lại tự động viên mình vượt qua hết”- bà Nhiệm nói. Bà Nhiệm quả quyết: “Chắc chắn tôi không thể bỏ được các bé ở lại bệnh viên lạnh lẽo ấy, tôi còn khỏe ngày nào sẽ tiếp tục đi đón các bé về mái nhà chung này, cho các bé được ấm áp, yên nghỉ”./.