Bờ tràn Huỳnh Mai nước vẫn còn ngập sâu |
Sáng nay 5/11, đoạn từ cầu Đôi đến ngã ba Ông Thọ trên đường Hùng Vương (thuộc phường Nhơn Bình, TP.Quy Nhơn), nước trên đường đã rút, tuy nhiên vì nhà dân thấp hơn so với mặt đường nên trong nhà vẫn còn ngập nước. Nhiều hộ phải dùng máy bơm để bơm nước ra ngoài đường.
Chị Lê Thị Kim Hạnh (40 tuổi), tổ dân cư số 9 đang loay hoay dọn dẹp, lau chùi vật dụng trong nhà. Vừa dọn chị vừa lội nước đến bắp chân trong nhà và lo lắng: “Phải dọn đồ đạc chứ từ hôm qua đến đồ dùng trôi nổi tùm lum. Dọn thì dọn vậy nhưng tôi cũng sợ điện giật lắm. Trong nhà có mẹ già nên tôi phải gửi sang nhà hàng xóm có lầu cao để cụ ở, chứ mùng mền, giường chiếu ướt hết trơn rồi, còn đợi nắng để phơi khô” - chị Hạnh cho biết.
Chị Nguyễn Thị Sen, tổ 1, khu vực 3, phường Nhơn Phú dọn dẹp, rửa đồ bị bám bùn bẩn ở sân nhà |
Sau mưa lũ, căn nhà của chị Nguyễn Thị Sen (51 tuổi, ở tổ 1, khu vực 3, phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn) trở nên tan hoang vì lúc đỉnh điểm nước ngập 1,5 mét.
“Nước bắt đầu rút từ tối qua, đến sáng nay thì ngấp nghé nền nhà, giờ thì chỉ còn ở ngoài vườn thôi. Lũ về nhanh quá tôi trở tay không kịp, đồ đạc ướt hết. Xót ruột nhất là lứa cá trê nuôi chuẩn bị xuất bán cũng tuồn theo lũ đi sạch, mất trắng rồi. Bây giờ nước cũng không có mà uống vì cái giếng đục và bẩn lắm. Tôi đang chờ xem chính quyền có hỗ trợ thuốc khử trùng nước không” - chị Sen rầu rĩ nói.
Đồ đạc trong nhà chị Sen kê kích tránh lũ, nhưng hiện vẫn bị ướt toàn bộ |
Chiều tối ngày 4/11, ngôi nhà xập xệ của bà Đặng Thị Dơi (61 tuổi, ở thôn Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) vẫn còn trong biển nước. Vừa lui cui kiểm tra lại mấy con gà trong giỏ sắt, bà Dơi buồn bã cho biết: “Chồng và con đều chết hết rồi, tôi ở có một mình, bệnh tim nên người mệt lắm. Bây giờ cái giường nó còn ướt, nằm chưa được, chỉ biết lấy ghế ngồi thôi”.
Trong nhà bà Dơi, đồ đạc chất đống lỉnh kỉnh chạy lũ |
Vừa chuyển mấy con gia cầm chạy lũ trên cao xuống, bà Dơi vừa sợ điện giật, vì nước vẫn còn lênh láng trong nhà |
Tại bờ tràn Huỳnh Mai, trên tỉnh lộ DT 640 thuộc địa bàn thôn Huỳnh Mai (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) nước vẫn còn ngập sâu. Lực lượng công an phải cử cán bộ chiến sĩ canh gác không cho xe máy lưu thông, chỉ xe tải mới được qua lại.
Đến chiều ngày 4/11, toàn tỉnh Bình Định có 34 nhà dân bị sập và vùi lấp; 34 nhà tốc mái; 1.450 nhà ngập nước; 217 hộ phải di dời đến nơi an toàn.
Về giao thông, có 14km đường giao thông nông thôn bị sạt lở, khối lượng 5.810m3; 17 điểm bị ngập, 20 cống và 7 cầu nhỏ bị hư hỏng.
Về thủy lợi, có 30m kè, 330m bờ sông, 7,7km kênh mương bị sạt lở, khối lượng 3.950m3; 11 đập dâng nhỏ bị hư hỏng, khối lượng 1.150m3; 128 đập tạm, đập bổi bị cuốn trôi.
Sản xuất nông nghiệp cũng bị nhiều thiệt hại với 1.614 ha lúa mùa, 628 ha màu bị ngập; 3.500 con gia cầm, 56 con gia súc bị chết, cuốn trôi.
Các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh Bình Định cũng đang triển khai thực hiện giúp người dân phòng chống thiên tai. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cùng với các địa phương tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với tình hình mưa lũ, vận hành các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh theo quy trình vận hành liên hồ.
Theo dự báo, khu vực tỉnh Bình Định vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lực lượng chức năng vẫn đang túc trực và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó khi cần thiết.
Nước lũ chưa rút hết, nhưng dự báo khu vực trong tỉnh Bình Định vẫn còn mưa to và dông. |