Người dân chật vật về lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết

18:13 | 06/02/2022;
Sau Tết Nguyên đán, hàng trăm ngàn người từ các tỉnh/thành lại đổ về các thành phố lớn để học tập, công tác. Phương tiện vận chuyển hành khách công cộng quá tải, người dân phải tìm mọi cách để trở lại thành phố.  

Vất vả rời quê

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hàng trăm ngàn người lao động tại các tỉnh thành lại đổ lên các thành phố lớn để học tập, làm việc. Theo quan sát của PV, từ ngày mùng 4 Tết, tại nhiều tuyến quốc lộ hành khách đã tập trung để bắt xe. Ai cũng lỉnh kỉnh túi, vali nhưng mắt luôn hướng về phía trước để bắt xe. Thế nhưng, đa phần các xe đã đầy khách, thậm chí có xe còn không đóng được cửa...

Tại ngã ba Quốc lộ 1A, đoạn chạy qua huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), anh Lê Văn Tùng cùng vài hành khách đang chờ xe. Đi cùng anh Tùng là 2-3 người nhà chờ tiễn. Anh Tùng cho biết, định bắt xe đi Hà Nội. Trước đây, anh thường đi xe của nhà xe trong xã. Tuy nhiên, hôm nay xe đã quá chật, không thể xếp thêm khách nên anh phải ra Quốc lộ 1A để đón khách. Mỗi khi thấy xe khách chạy gần đến, anh và người nhà đều vẫy tay, nhưng nhà xe không dừng lại. "Tôi đã vẫy hơn 20 xe khách rồi, nhưng chưa có xe nào dừng lại".

Còn tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội) chị Trần Thị Thanh Hà (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bước xuống xe khách trong tình trạng đầu tóc rũ rượi. Chị đi lại thực hiện động tác vặn người cho đỡ mỏi. Chị bảo: "Xe đông khách quá. Gần 80 người chen trên xe 45 chỗ nên mọi người đều như bị ép lại. Mỗi khi có thêm khách, nhà xe lại yêu cầu hành khách ngồi trước thu gọn chân tay để xếp thêm được chỗ. Có khách nào phản ánh, thì nhà xe bảo thông cảm, cả năm chạy xe, nhà xe chỉ trông vào những ngày này thôi.

Tuy nhiên, không phải tất cả hành khách đều chấp nhận ngồi chen chúc và bị chặt chém khi di chuyển bằng xe khách. Trái lại, nhiều người đã tự tổ chức một chuyến xe riêng. Chị Lê Thị Tâm (huyện Yên Thành, Nghệ An) cho biết, để ra Hà Nội trong tâm trạng thoải mái nhất, chị đã đứng ra thuê một xe hợp đồng 16 chỗ ngồi với giá 3 triệu đồng, phí cầu đường nhà xe chịu. Sau đó, chị thông báo cho bạn bè, người thân ngày giờ xe xuất phát, ai có nhu cầu thì đăng ký, tiền chia đều. Chỉ một lúc, nhiều người gọi điện đăng ký, chị chỉ nhận 15 người, với chị là 16. Chị thu mỗi người 200.000 đồng, được 3,2 triệu đồng để trả tiền thuê xe. Trên xe, mỗi người một ghế, có nước uống, giá vé còn rẻ hơn ngày thường nên ai cũng vui vẻ. "Mình vừa không mất tiền vé, lại có chỗ ngồi thoải mái. Hơn nữa, hành khách lại toàn người thân nên không sợ mất cắp trên xe", chị chia sẻ.

Gập ghềnh đường trở lại thành phố sau Tết - Ảnh 1.

Khó bắt xe và không muốn chen chúc, nhiều gia đình di chuyển ra thành phố bằng xe máy

Ngoài ra, cũng có một số trường hợp lựa chọn di chuyển bằng xe máy. Hầu hết, những người lựa chọn giải pháp này thường di chuyển trên cung đường từ 400km trở lại (từ Hà Tĩnh trở ra Hà Nội), đa phần là các bạn trẻ. Anh Lê Minh Tài (quê Nghệ An) cho biết, do khó bắt được xe khách nên vợ chồng anh chọn phương án đi xe máy. "Quãng đường từ Nghệ An ra Hà Nội khoảng 300km, nhưng chúng tôi vẫn chọn đi xe máy vì chủ động được thời gian. Trên đường, vợ chồng tôi thay nhau chở. Đi được 1/3 quãng đường thì dừng lại nghỉ ngơi, ngắm cảnh, nhất là đoạn qua rừng Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Đặc biệt, những người di chuyển bằng xe máy như vợ chồng anh có thể tiết kiệm được một khoản chi phí.

Kẹt cứng trên cao tốc

Từ ngày mùng 3 Tết, đặc biệt là những ngày mùng 4, mùng 5, mùng 6, số người từ các tỉnh thành trở về Hà Nội đã tăng nhanh. Vì thế, lượng xe ô tô cá nhân tại cao tốc Hà Nội- Lào Cai; Pháp Vân- Mai Sơn (đoạn Cao Bồ- Mai Sơn nối với Pháp Vân vừa thông xe) tăng cao đột biến nên các trạm thu phí luôn trong tình trạng ùn tắc. Riêng tại tạm thu phí cao tốc Hà Nội- Lào Cai, ngay từ chiều ngày Mùng 2 Tết, lượng ô tô trở lại Hà Nội tăng cao khiến trạm thu phí đầu Hà Nội ùn tắc khoảng 4km, trong nhiều giờ.  

Còn tại, cao tốc Pháp Vân- Cao Bồ, theo ghi nhận của PV Báo PNVN, vào khoảng 16h các ngày mùng 3, mùng 4, mùng 5 Tết đều xảy ra hiện tượng ùn tắc. Đoạn đường ùn tắc dài khoảng 2km kéo dài đến trạm thu phí Pháp Vân- Cầu Giẽ đầu Hà Nội do hàng trăm xe ô tô xếp hàng dài ở các làn trả tiền mặt khi qua trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ khiến lượng phương tiện ùn ứ ngày một dài hơn.

Gập ghềnh đường trở lại thành phố sau Tết - Ảnh 2.

Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ ùn tắc đoạn gần trạm thu phí

Một nhân viên trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ cho biết, trạm có 12 làn thu phí, trong đó 5 làn thu phí tự động (VETC) và 7 làn thu phí thủ công. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay mới chỉ có khoảng 20% lượng phương tiện dán thẻ VETC. Do đó, khi lượng phương tiện tăng đột biến, cùng với việc tài xế trả tiền chẵn, tiền lẻ nhiều, thời gian chờ lâu dẫn đến ùn tắc tại làn thu phí thủ công. Trong khi đó, tại làn thu phí tự động, một số xe đã dán thẻ VETC nhưng bị lỗi, nhân viên trực chốt phải thao tác thủ công, hướng dẫn các phương tiện qua làn. Ngoài ra, một số tài xế không dán thẻ VETC, nhưng thấy ùn ứ bên làn thu phí thủ công đã điều khiển xe vào làn thu phí tự động gây ùn ứ cho các phương tiện đi sau.

Về việc này, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cũng đã yêu cầu các trạm sẵn sàng xả trạm khi có yêu cầu của lực lượng Cảnh sát giao thông. Nếu để xảy ra ùn tắc tại trạm thu phí, tùy theo mức độ tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ sẽ bị xử lý mức cao nhất lên đến 40 triệu đồng (căn cứ khoản 8 điều 15 Nghị định 100) và nếu khi có yêu cầu xả trạm của CSGT mà không chấp hành, tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ có thể bị phạt lên đến 70 triệu đồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn