UBND TP Hà Nội vừa ban hành quy định quản lý và khai thác Hồ Tây, cho phép 10 loại hình dịch vụ được hoạt động, trong đó có kinh doanh sân tập golf trên mặt nước.
Các dịch vụ khác trong danh mục được kinh doanh gồm: Vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy không lưu trú qua đêm; dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật biểu diễn; tổ chức các lễ hội truyền thống, giải đua thuyền; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn.
Những hoạt động cũng được phép kinh doanh như bơi, lặn; bơi thuyền, canô, xe đạp nước, lướt ván; xe điện bánh lốp, xe đạp, xích lô du lịch trên các tuyến đường dạo xung quanh Hồ Tây...
Thành phố đưa ra các yêu cầu về quản lý môi trường (bao gồm nước thải, nước trong hồ và mực nước, vệ sinh mặt hồ); môi trường không khí và các chất thải, rác thải; hạ tầng, quy hoạch, xây dựng và kiến trúc.
UBND quận Tây Hồ là đầu mối quản lý toàn diện, phối hợp với các sở, ngành thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác Hồ Tây.
Trước đó, vào ngày 31/1, UBND quận Tây Hồ tổ chức lễ ra mắt Ban Quản lý Hồ Tây. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận Tây Hồ. Ban Quản lý Hồ Tây có trách nhiệm giúp việc cho UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất khu vực hồ Tây và vùng phụ cận; tổ chức, thực hiện nhiệm vụ quản lý khu vực hồ Tây và vùng phụ cận trong phạm vi được giao theo quy định của UBND TP Hà Nội.
Trước đây Hồ Tây có một số dịch vụ kinh doanh như nhà nổi, du thuyền, đạp vịt... Năm 2015, Hà Nội đã dời bến thủy nội địa đầu Thụy Khuê, phía giao cắt với đường Thanh Niên về Đầm Bảy thuộc phường Nhật Tân.
Là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất ở phía tây bắc trung tâm Hà Nội, Hồ Tây rộng hơn 500 ha, chu vi khoảng 15 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng. Nghiên cứu của quận Hồ Tây cho thấy hệ thủy sinh vật Hồ Tây khá đa dạng với 72 thực vật nổi, 47 loài tảo bám đáy, 37 loài động vật nổi, 29 loài động vật đáy (thuộc nhóm tôm, cua, trai, ốc, giun...), 12 loài giáp xác, 46 loài cá.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn