Dịch Covid-19 đang tác động trực tiếp lên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đời sống xã hội, đặc biệt là đối với những người lao động tự do. Không có công việc ổn định, khan hiếm việc làm đang khiến số lao động tự do "chơi dài" và gặp nhiều khó khăn do không có thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Duyên (47 tuổi, quê Tuyên Quang) thuê mặt bằng tại đường Lê Quang Đạo (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) 10 triệu đồng/tháng để mở cửa hàng cơm bình dân. Thời gian đầu, công việc khá thuận lợi. Tuy nhiên đến gần Tết thì dịch bùng phát, lượng khách đến ăn tại quán giảm 50%, thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng, tiền lãi chỉ đủ để đóng tiền thuê nhà.
"Dịch vừa lắng được một thời gian thì lại bùng phát. Lần này có vẻ nặng nề hơn. Từ ngày có quy định chỉ cho bán mang về, lượng khách mua cơm giảm đến 70%. Mỗi ngày chỉ bán được 30-40 suất mang đi. Tiền lãi chỉ đủ cho 3 mẹ con ăn uống qua ngày. Còn tiền thuê mặt bằng, chắc nay mai phải lên trao đổi với chủ để xem họ có phương án hỗ trợ gì không. Chứ cứ tình trạng này, có lẽ chỉ hết tháng là tôi sẽ trả lại nhà vì kiệt sức rồi", chị Duyên nói.
Chị Duyên thuê mặt bằng và mở cửa hàng cơm từ tháng 10/2020. Chị đang sinh sống cùng 2 con trai, đều là sinh viên. Thời điểm này, các con chị Duyên được nghỉ học nên thường xuyên ở nhà làm chân chạy "ship" cơm.
Từ khi tới Hà Nội mở cửa hàng cơm, chị đã phải đối mặt với 2 đợt dịch Covid-19. Ở đợt dịch dịp Tết vừa qua, Hà Nội không quy định các cửa hàng ăn uống chỉ bán mang về nhưng lượng khách cũng giảm một nửa, gia đình chị vẫn cầm cự được. Còn đợt dịch bùng phát lần này đã ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của gia đình, chị và các con đã lên phương án "xấu nhất", đó là về quê sinh sống.
Khách đến mua cơm những ngày này, chị Duyên luôn yêu cầu phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và giữ khoảng cách. Bởi công việc phải tiếp xúc với nhiều người nên chị rất lo sợ nếu chẳng may mình nhiễm bệnh, lây sang cho người khác thì mang tiếng.
"Dịch đang phức tạp thế này, ai ở đâu thì hãy ở yên đó. Nếu chẳng may ra ngoài nhiễm bệnh rồi đi lung tung lây lan cho cộng đồng thì rất nguy hiểm. Mấy ngày trước, em trai của bố đẻ tôi qua đời nhưng mấy mẹ con tôi cũng không về vì lo dịch. Cái bệnh này mình không nhìn thấy bằng mắt thường được. Đi xe khách về quê rất nhiều người, mình không thể biết ai là người có bệnh nên cũng có nguy cơ. Còn thuê xe riêng thì mình không thể biết được là trước đó xe đã chở những ai…", chị Duyên cho hay.
Cùng chung cảnh ngộ với chị Duyên còn có gia đình anh Lê Mạnh Hưng (35 tuổi, quê Hưng Yên), anh Hưng cũng là người thuê mặt bằng ở phường Phú Đô (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) để mở cửa hàng cơm rang, phở bò. Từ ngày Hà Nội bùng phát dịch, lượng khách đến quán của gia đình anh giảm đáng kể. Sau khi có quy định chỉ được bán mang về thì mỗi ngày anh chỉ bán được 10-20 suất.
Anh Hưng cho biết, anh thuê mặt bằng tại đây đã được gần 1 năm, mỗi tháng 15 triệu đồng. Nhưng gần 1 năm qua, gia đình anh gần như không có lãi, vì liên tục vướng phải các đợt dịch. Ở các đợt dịch trước, chính quyền đã làm rất tốt, ngăn chặn kịp thời và không để dịch bùng phát trong thời gian dài nên lần này anh tin tưởng, dịch cũng sẽ sớm được kiểm soát.
"Chúng ta đã có kinh nghiệm rồi, chỉ cần mọi người đồng lòng, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ thì tôi tin Covid-19 sẽ bị đánh bại. Dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều người nhưng đừng vì lợi ích riêng mà bất chấp tất cả để ảnh hưởng tới cộng đồng", anh Hưng nói và cho biết từ khi có dịch, anh và gia đình luôn chấp hành mọi chủ trương của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Xuân (56 tuổi, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội - làm nghề thợ xây) cho biết, đợt nghỉ lễ 30/5 và 1/5, vợ chồng ông có về Hưng Yên ăn cỗ, sau đó địa phương này ghi nhận ca mắc Covid-19, ông đã tự cách ly ở nhà 21 ngày.
Những ngày cách ly ở nhà, ông Xuân thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình về dịch bệnh ở trong nước cũng như trên thế giới. Biết được tình hình đang rất căng thẳng khiến ông không khỏi lo lắng, hàng ngày ông nhắc nhở người thân chịu khó tập thể dục để nâng cao sức khỏe, mỗi khi ra ngoài thì phải đeo khẩu trang.
"So với các nước có dịch khác trên thế giới, chúng ta đã làm rất tốt, khoanh vùng, kiểm soát nhanh. Cùng với đó là các quyết định giãn cách, phong tỏa kịp thời. Ở các lần dịch trước, chúng ta chỉ mất từ 1-2 tháng để kiểm soát tình hình. Còn lần này, tuy là Covid-19 chủng mới, tốc độ lây lan có nhanh hơn nhưng tôi nghĩ chỉ cần mỗi người dân ý thức, chủ động phòng, chống dịch thì hy vọng sẽ lại ổn thôi", ông Xuân nói.
Ngày 24/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký công điện hoả tốc về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, từ 12h ngày 25/5, Hà Nội tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới.
Các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ tạm dừng hoạt động. Hà Nội yêu cầu không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người. Các cửa hàng cắt tóc, gội đầu phải tạm dừng hoạt động. Hà Nội yêu cầu thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn