Người dân được phép đốt pháo hoa: Hiểu sao cho đúng để không phạm luật

17:15 | 06/12/2020;
Nghị định mới cho phép người dân có hành vi năng lực dân sự sẽ được bắn pháo hoa trong các dịp đặc biệt như lễ, Tết, cưới hỏi... Việc nới lỏng quy định này được người dân chào đón khi có cơ hội trở về với ký ức xưa. Tuy nhiên, xen lẫn là những băn khoăn.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 36/2009/NĐ - CP về Quản lý, sử dụng pháo. Trong đó, Nghị định mới bổ sung nhiều điểm về các trường hợp được phép sử dụng pháo cũng như các hành vi bị nghiêm cấm về pháo nổ.

Theo đó, tại Điều 17, Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nghị định nêu rõ, quy định này có hiệu lực kể từ ngày 11/1/2021. Như vậy, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, người dân sẽ có cơ hội được sử dụng pháo hoa để đón năm mới.

Người dân được phép đốt pháo hoa: Hiểu sao cho đúng để không phạm luật - Ảnh 1.

Cách phân biệt pháo hoa, pháo nổ Đồ họa: Tuấn Anh

Tuy nhiên, quy định này lưu ý các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định về các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa nổ gồm: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Quốc khánh, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Chiến thắng (ngày 30/4 dương lịch); nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ngày hội văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế; trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Hành vi bị nghiêm cấm

Nghị định 137/2020/NĐ-CP nêu rõ, nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này. Nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

Nghị định cũng nêu rõ các hành vi bị cấm, trong đó có nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trao đổi pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; giao pháo hoa nổ cho tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định; hướng dẫn, huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức...

Chia sẻ với PNVN, nhiều người dân tỏ ra hào hứng với quy định mới này. Họ đã chuẩn bị sẵn tâm lý để mua và sử dụng pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Tuy vậy, vẫn có những người băn khoăn về nơi mua pháo, về việc sử dụng pháo thế nào cho đúng quy định để không bị phạt...

"Đây là một quy định cởi mở và phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn khá mơ hồ về nơi bán pháo hoa, sử dụng thế nào...Hy vọng sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn cho người dân", anh Phan Đình Chính (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

Hiểu thế nào cho đúng?

PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, giảng viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, cho rằng, quy định mới trong Nghị định 137 đã tạo sự phấn khích của dư luận. Thực tế, trong những ngày qua, trên mạng xã hội, đã có nhiều diễn đàn chia sẻ nội dung quy định mới, kèm theo những hình ảnh minh họa về pháo (cả pháo hoa lẫn pháo nổ). Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu người dân không hiểu đúng và không phân biệt giữa pháo hoa và pháo hoa nổ.

Theo quy định tại Nghị định 137, pháo gồm pháo nổ và pháo hoa. Trong đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc tiếng rít và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Loại pháo khi đốt gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian thì được gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m.

Người dân được phép đốt pháo hoa: Hiểu sao cho đúng để không phạm luật - Ảnh 3.

Từ ngày 11/1/2021, người dân đủ năng lực hành vi dân sự được sử dụng pháo hoa không tiếng nổ. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, khác với pháo nổ, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Như vậy, Nghị định trên chỉ cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được sử dụng pháo hoa trong các dịp nêu trên, chứ không phải tất cả các loại pháo.

Cùng quan điểm này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc đốt pháo trong những ngày Tết, lễ hội... là một phong tục, tập quán lâu đời của người dân. Do đó, việc bổ sung quy định mới cho phép người dân đốt pháo hoa là phù hợp và đảm bảo tính nhân văn. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng như nhằm hạn chế tối đa việc kinh doanh, buôn lậu pháo hoa, Chính phủ cần quy định cụ thể. "Theo tôi, để Nghị định này được thi hành và đảm bảo hiệu quả trên thực tiễn, cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, ban hành quy chế, quy định nhằm quản lý việc sử dụng pháo hoa để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội vì nguy cơ cháy", luật sư Cường nói.

Mua pháo ở đâu?

Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) cho biết, những quy định đảm bảo an toàn khi đốt pháo hoa đã được đặt ra trong Nghị định. Cụ thể, người dân chỉ được mua loại pháo hoa này của các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Loại pháo này chỉ Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, không bán tràn lan. Về ý kiến cho rằng cần quy định không gian, thời gian đốt pháo hoa, tới đây C06 sẽ xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc mua bán, sử dụng để người dân hiểu hơn.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn