Người dân Hà Nội mong tiếp tục duy trì phiếu đi chợ

12:02 | 07/08/2021;
Những ngày qua, người dân sinh sống tại Thủ đô đã được làm quen với mô hình phát phiếu đi chợ. Tuy rằng còn nhiều điểm bất cập nhưng đa số người dân đều ủng hộ và mong muốn mô hình này sẽ tiếp tục triển khai ngay cả khi Hà Nội hết thời gian giãn cách.

Thay đổi thói quen để đi chợ theo phiếu

Bà Bùi Thị Trọng (70 tuổi, ở phố Kim Hoa, Hà Nội) từ nhiều năm nay vẫn là người "cầm cân nảy mực" chuyện chợ búa trong nhà. Nhưng những ngày giãn cách xã hội này, bà đành phải từ bỏ thói quen đi chợ, để "nhường" cho con gái làm việc này. "Khu tôi ở không có chợ dân sinh. Thường ngày, tôi hay đi chợ cóc ở gần nhà nhưng nay có dịch Covid-19, chợ cóc bị dẹp. Giờ muốn đi chợ, tôi phải đi chợ ở các phường lân cận, cách nhà khoảng 2km. Xe thì không đi được mà đi bộ thì chân cẳng đau lắm, sao đi nổi" – bà Trọng kể.

Bà Trọng chia sẻ, con gái bà ngày nào cũng phải "căn" giờ đi chợ để còn đi làm. Bà thấy việc quy định giờ cụ thể trong phiếu đi chợ là hơi cứng nhắc, song vẫn ủng hộ việc phát phiếu đi chợ: "Phải đồng lòng với Chính phủ để đánh đuổi "giặc Covid-19" chứ!" - Bà Trọng nói.

Lọ mọ đến chợ Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) lúc 6h kém, chị Minh Hằng (24 tuổi) ngáp ngắn ngáp dài. Chị Hằng chia sẻ: "Mọi ngày mình toàn dậy muộn, nay để đi chợ theo phiếu như thế này, mình phải điều chỉnh lại để dậy sớm vì trên phiếu quy định khung giờ đi chợ từ 5h30 đến 6h30 buổi sáng. Việc dậy sớm đi chợ đối với các bà, các mẹ là thói quen hằng ngày nhưng với những người trẻ lại hay thức khuya làm việc như mình thì chưa quen được". Nói rồi, chị Hằng chỉ vào cái điện thoại cá nhân và cho biết, chị phải dùng đến 3 cái điện thoại để đặt báo thức.

Người dân Hà Nội mong tiếp tục duy trì phiếu đi chợ - Ảnh 1.

Người dân sinh sống tại Thủ đô làm quen với mô hình phát phiếu đi chợ. Ảnh: Trường Hùng

Đứng ngoài chợ… nhờ mua hàng

Còn bà Phan Thị Thành (Đống Đa, Hà Nội) vừa vào chợ Ngã Tư Sở cả tiếng đồng hồ, vậy mà bước chân ra khỏi chợ lại sực nhớ ra… quên không mua hành. Giờ vào lại chợ thì không được, bà đành đứng ở cổng chợ để nhờ ai vào chợ thì mua giùm. Theo quan sát của phóng viên, tại chợ Ngã Tư Sở, cũng có một số người đứng ngoài nhờ người phía trong mua hàng hộ như bà Thành. Có người quên thẻ, có người đã mua nhưng quên một số thứ nên quay lại.

Bà Thành cho biết: "Tôi được phát phiếu đi chợ 3 ngày/lần, có qui định giờ cụ thể. Thành thử, những ngày nhà còn thực phẩm thì đã đến lúc được đi chợ, ngày hết thực phẩm thì lại chưa được đi chợ. Thế nên, giờ tôi phải điều chỉnh thói quen đi chợ của mình. Trước khi đi chợ, tôi phải lên danh sách những thực phẩm cần mua trong 3 ngày,  thậm chí thừa một chút còn hơn là thiếu".

Cũng có nhiều người dân phản ánh rằng, theo quy định khi phát phiếu, người ở phường nào phải đi chợ ở phường đấy nên nhiều người dân bị nhầm lẫn khi theo thói quen đến chợ cũ họ thường đi, nhưng lại thuộc phường khác, không thể áp dụng phiếu đi chợ ở đấy. Đơn cử như chị Đỗ Hoa (ở phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) kể, nhà chị ở ngay gần chợ Khương Đình nên hàng ngày chị vẫn ra vào chợ này. Đến khi có phiếu đi chợ, chị Hoa vẫn theo thói quen đến chợ Khương Đình nhưng lại không được vào. "Người ta bảo tôi không thuộc phường Khương Đình, tôi phải đi sang chợ Hoàng Văn Thái cơ" – chị Hoa chia sẻ.

Người dân Hà Nội mong tiếp tục duy trì phiếu đi chợ - Ảnh 2.

Tuy rằng còn nhiều điểm bất cập nhưng đa số người dân đều ủng hộ và mong muốn mô hình này sẽ tiếp tục triển khai ngay cả khi Hà Nội hết thời gian giãn cách. Ảnh: Trường Hùng

Mỗi nơi một mẫu phiếu đi chợ

Qua khảo sát về phiếu đi chợ tại một số quận, huyện thì về hình thức là không giống nhau, mỗi nơi một màu, trong cùng địa bàn một quận, có phường thì in cả mã QR trên phiếu, nhưng có phường lại không in. Hay việc quy định khung giờ mỗi nơi lại quy định riêng, khác nhau, không thống nhất.

Tại xã Tứ Hiệp, Tân Triều (huyện Thanh Trì) mỗi hộ dân được phát phiếu theo ngày chẵn hoặc ngày lẻ và chỉ được đi chợ 4 lần/tuần. Mỗi lần đi chợ chỉ được đi trong vòng 1 giờ đồng hồ.

Thế nhưng, tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), người dân cũng được phát phiếu theo ngày chẵn, ngày lẻ, người dân có thể lựa chọn ngày để đi chợ và sau đó tự điền ngày. Cùng với đó, khung giờ đi chợ lại thoải mái hơn khi người dân được đi chợ trong vòng 4 giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, ở một số nơi như phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), phường Cống Vị (quận Ba Đình)..., mặc dù phiếu được in cứng ngày sử dụng nhưng lại không quy định về khung giờ đi chợ, người dân muốn đi lúc nào cũng được, miễn là đi trong ngày đó.

Còn tại phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), phiếu đi chợ cũng được phát cho từng hộ gia đình theo ngày chẵn, hoặc ngày lẻ và không có khung giờ đi chợ. Nếu người dân đến chợ vào khung giờ nào thì tự điền vào phiếu.

Việc phát phiếu đi chợ trong những ngày qua được đại đa số người dân Thủ đô ủng hộ. Tuy nhiên, một số người dân kiến nghị, nên phát số lượng phiếu đi chợ theo tuần, chỉ cần kiểm soát số lần đến chợ của người dân trong tuần, còn thì để người dân chủ động giờ giấc và ngày đi chợ cho phù hợp với từng gia đình.

Tuy rằng việc phát phiếu đi chợ có xáo trộn thói quen sinh hoạt nhưng bà Thành bày tỏ mong muốn: "Tôi nghĩ thành phố nên duy trì việc phát phiếu đi chợ cho đến khi nào hết hẳn dịch Covid-19 thì thôi nhưng nên thống nhất một mẫu phiếu đi chợ chung cho toàn thành phố".

Cũng rất nhiều người tiêu dùng khi được hỏi về việc phát phiếu đi chợ, cũng có cùng quan điểm như bà Thành. Theo người tiêu dùng, việc phát phiếu đi chợ tuy làm thay đổi thói quen sinh hoạt của người tiêu dùng nhưng là việc cần thiết để phòng chống dịch Covid-19.

Xuất phát từ mô hình phát phiếu đi chợ tại quận Tây Hồ (Hà Nội) nhằm giãn cách và phòng chống dịch Covid-19, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, mô hình phát phiếu đi chợ là cần thiết để bảo đảm giãn cách và đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiên cứu triển khai trên toàn thành phố.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn