Người dân Hà Nội thực hiện khai báo y tế thế nào?

06:38 | 27/07/2021;
Thành phố Hà Nội yêu cầu cán bộ công chức hoàn thành việc kê khai lần đầu trước ngày 28/7/2021; đồng thời tuyên truyền cho gia đình, người thân thực hiện khai báo y tế.

Như Báo Phụ nữ Việt Nam đã thông tin, trước tình hình biến thể Delta phức tạp, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh hôm 23/7 đã kêu gọi và đề nghị người dân toàn thành phố cùng nâng cao ý thức, thực hiện khai báo y tế thường xuyên, đầy đủ, chính xác, kịp thời trên Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế quốc gia (www.tokhaiyte.vn) hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone. Đặc biệt với những trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở cần khai báo y tế để được hệ thống y tế cơ sở lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn xử lý phòng dịch trong thời gian sớm nhất.

Sau lời kêu gọi này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Văn bản số 2347/UBND-KGVX về việc thực hiện khai báo y tế trên Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế quốc gia và việc bảo đảm quy định phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Theo Văn bản số 2347/UBND-KGVX, Hà Nội đề nghị toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị, chính quyền các cấp của thành phố cần gương mẫu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc và khi trở về gia đình; thực hiện đầy đủ việc khai báo y tế tại Hệ thống thông tin quản lý Khai báo y tế quốc gia (www.tokhaiyte.vn) - yêu cầu hoàn thành việc kê khai lần đầu xong trước ngày 28/7/2021; đồng thời tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn cho gia đình, người thân thực hiện khai báo y tế trên hệ thống.

Theo Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội, trường hợp người dân không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối mà để lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì sẽ bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Mức phạt tối đa 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm).

Người dân Hà Nội thực hiện khai báo y tế thế nào? - Ảnh 1.

Việc khai báo y tế là nguồn dữ liệu quan trọng giúp ngành y tế tổ chức sàng lọc, xét nghiệm sớm để phát hiện ca mắc

Sở Thông tin & Truyền thông có trách nhiệm tổ chức khai thác, quản lý dữ liệu, cập nhật, báo cáo hằng ngày gửi UBND thành phố, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố kết quả triển khai khai báo y tế trên Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế quốc gia www.tokhaiyte.vn tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và theo các khu vực cấp quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn; kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh thực hiện để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Theo CDC Hà Nội, việc kê khai y tế nên được thực hiện càng thường xuyên càng tốt, nhất là khi người dân cảm thấy cơ thể mình có những triệu chứng bất thường như sốt, ho, khó thở, mất vị giác không rõ nguyên nhân; hoặc nghi ngại mình đã tiếp xúc với nguồn lây nhiễm bệnh, đang có nguy cơ bị nhiễm bệnh...

Thành phố Hà Nội cho rằng, việc kê khai y tế góp phần làm gia tăng nhanh tỷ lệ người dân trên địa bàn thực hiện việc khai báo y tế, cùng chung tay đồng hành với Chính phủ và chính quyền thành phố thực hiện hiệu quả, kịp thời nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch bệnh.

Việc khai báo y tế là nguồn dữ liệu quan trọng giúp ngành y tế tổ chức sàng lọc, xét nghiệm sớm để phát hiện ca mắc. "Đây không chỉ là cách để bảo vệ chính mình mà còn bảo vệ người thân, gia đình và cộng đồng" - ông Chu Ngọc Anh nói.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, đặc điểm của biến chủng Delta là hơn 50%, thậm chí lên tới 80% người mắc ít triệu chứng ban đầu. Vì thế, việc đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc để bóc tách các ca F0 không có yếu tố dịch tễ là biện pháp cần thiết.

Vừa qua, kết quả thực hiện xét nghiệm sàng lọc với khoảng 10.000 người trên cơ sở sàng lọc từ khai báo y tế và các trường hợp có nguy cơ cao như có biểu hiện ho, sốt tự giác khai báo đã khẳng định hiệu quả cao, giúp phát hiện nhanh ca bệnh chỉ điểm, kịp thời truy vết sớm, khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn