Người dân lo lắng vì giá thực phẩm ở chợ dân sinh tăng

06:57 | 16/08/2021;
Qua 3 tuần giãn cách xã hội, giá thực phẩm tại các chợ dân sinh, truyền thống trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng, khiến người dân không khỏi lo lắng.

Giá cả đồng loạt nhích lên, đặc biệt là trứng gia cầm

Theo phản ánh của người dân và ghi nhận của phóng viên, những ngày qua, tại các chợ dân sinh, truyền thống, giá các mặt hàng đang "nhảy múa" với xu hướng đa phần là tăng.

Chị Minh Tâm (ở Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) kể, chị được tổ dân phố phát phiếu đi chợ 3 ngày/lần nhưng để phòng chống dịch, chị quyết định đi chợ 1 tuần/lần. Đến chợ sau một tuần, chị bất ngờ vì giá cả mặt hàng nào cũng tăng. "Nếu trước đây, tôi có thể mua 10.000 đồng tiền rau ăn 2 bữa trong ngày thì nay 10.000 đồng chỉ mua đủ rau cho một bữa ăn mà thôi" - chị Tâm cho biết.

Theo chị Tâm phản ánh, các loại rau đều tăng giá. Rau muống đã tăng giá từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ. Rau ngót, rau dền cũng 10.000 đồng/mớ nhỏ, chỉ đủ để ăn một bữa. Mướp đắng tăng từ 20.000 lên 25.000 đồng/kg. Nhưng đáng kể nhất phải kể đến là hành lá, tăng từ 25.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg. Cà chua từ 20.000 đồng tăng lên 30.000-40.000 đồng/kg tùy loại.

Do cả 2 vợ chồng đều làm nghề tự do nên trong thời gian giãn cách xã hội, vợ chồng chị Tâm đều tạm nghỉ việc ở nhà. "Thu nhập thì không có mà giá cả tăng chóng mặt, thành thử tôi đến chợ mà cứ tần ngần không biết mua gì cho phù hợp với hoàn cảnh của gia đình hiện tại" - chị Tâm chia sẻ.

Tương tự, chị Thanh Hoa (Khương Thượng, Hà Nội) cho biết, trong đợt giãn cách này, chị thấy giá thịt và cá cũng đều tăng nhiều. Cụ thể, giá thịt lợn bán tại chợ đã tăng từ 150.000 đồng/kg lên 180.000-200.000 đồng/kg; thịt bò có giá 290.000 đồng lên 330.000 đồng/kg; gà ta chưa thịt có giá từ 120.000 đồng tăng lên 140.000 đồng/kg… "Trước tôi mua cá trắm to loại cắt khúc giá chỉ 90.000 đồng/kg, thì nay giá đã 110.000-120.000 đồng/kg" – chị Hoa phản ánh.

Đặc biệt, theo ghi nhận của phóng viên, mặt hàng trứng gia cầm đã tăng đột biến những ngày qua. Tại một số chợ dân sinh và cả siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá trứng gà, vịt đều có xu hướng tăng. Nếu trước đây, giá trứng là chỉ 35.000 đồng/chục quả thì nay đã lên 50 - 60.000 đồng/chục. Thậm chí, khách hàng phải đặt trước thì tiểu thương mới… để phần.

Theo giải thích của một số tiểu thương tại chợ Kim Liên, chợ Cống Trắng (quận Đống Đa) thì do trứng là thực phẩm dễ bảo quản, người dân mua về có thể cất được lâu dài, thường mua với số lượng lớn, nên dễ hết hàng. Ngoài ra, các tiểu thương phải tăng giá bán lẻ do giá nhập trứng từ chợ đầu mối cao hơn. So với trước đây, nguồn cung trứng cũng ít hơn nên không nhập được nhiều hàng.

"Tôi thấy đài báo kêu gọi người dân hãy yên tâm không cần tích trữ thực phẩm vì giá cả vẫn bình ổn, không lo thiếu thực phẩm nhưng tôi không thấy bình ổn chút nào", chị Hoa tỏ ra lo lắng.

Người dân lo lắng vì giá thực phẩm ở chợ dân sinh tăng - Ảnh 1.

Mặt hàng trứng gia cầm đã tăng đột biến những ngày qua. Ảnh: Trường Hùng

Do yếu tố cung cầu

Theo các tiểu thương, giá cả thực phẩm những ngày qua tăng so với trước đây, nguyên nhân không phải là vì hàng khan hiếm mà do giãn cách xã hội nên vận chuyển hàng khó khăn.

"Nhiều xe chở thực phẩm không vào được thành phố, chỉ có xe luồng xanh mới được vào, thành thử có hàng cũng không mang được vào" - Chị Phượng, một tiểu thương ở chợ Nhân Chính, Thanh Xuân cho biết.

Ngoài ra, do dịch bệnh COVID-19, việc lấy hàng hiện nay rất khó khăn do phải có nhiều loại giấy tờ, thủ tục. Các tiểu thương phải test COVID-19 với tần suất nhiều lần, kèm theo các chi phí bảo hộ, sát khuẩn… khiến giá thành hàng hóa tăng từ chợ đầu mối đến chợ bán lẻ.

Đặc biệt, chị Phượng cho hay, từ khi một số chợ đầu mối đóng cửa do phát hiện có F0 thì chúng tôi phải lấy hàng ở chợ nhỏ, nên giá thành cũng bị đội lên.

Theo Sở Công thương Hà Nội, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa dừng hoạt động. Thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa về phục vụ nhân dân (nhiều hệ thống đã tăng lên trên 50% so với ngày bình thường), đồng thời lên phương án 5 địa điểm để giãn cách các chợ đầu mối, đề phòng các chợ đầu mối bị đóng cửa do nhiễm dịch. Cụ thể là các điểm: Bến xe Hà Đông, Khu công nghiệp Nam Hà Nội, khu tái định cư ở Sóc Sơn, số 489 Hoàng Quốc Việt và 1 điểm ở Gia Lâm… để các tỉnh đưa hàng hóa vào làm nơi trung chuyển, hạn chế vào các chợ đầu mối sâu trong nội thành.

Do đó, theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở  Công Thương TP Hà Nội, những ngày qua, hàng hóa vẫn đảm bảo tại các siêu thị đang hoạt động. Và tại các chợ dân sinh, giá thực phẩm có tăng nhẹ, một phần do tự phát, một phần do các chi phí phát sinh, do yếu tố cung cầu.

Người dân lo lắng vì giá thực phẩm ở chợ dân sinh tăng - Ảnh 2.

Giá thực phẩm có tăng nhẹ, một phần do tự phát, một phần do các chi phí phát sinh, do yếu tố cung cầu. Ảnh: Trường Hùng

Cần sự điều phối nhịp nhàng hơn

Nhìn nhận về câu chuyện tăng giá thực phẩm, chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, về mặt khách quan, có thể nói rằng, do chuỗi cung ứng những hàng hóa đó bị đứt đoạn tại một số thời điểm. Số chợ đầu mối, chợ dân sinh và siêu thị bị tạm thời đóng cửa… đã dẫn tới việc phục vụ tiêu dùng cho nhân dân thủ đô chưa được đều đặn.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì sự điều phối nơi thừa sang nơi thiếu của thành phố chưa được nhịp nhàng, ăn khớp, dẫn tới thiếu hàng cục bộ, siêu thị thì ổn định nguồn cung nhưng chợ dân sinh lại thiếu nguồn hàng do khâu vận chuyển bị hạn chế, khiến giá cả bị đẩy lên.

Vì thế, thành phố cần xem xét một cách thấu đáo việc tổ chức nguồn cung và khâu tổ chức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn một cách khoa học hơn, kịp thời hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn