Sau sự cố sụt tấm đan bê tông gây thủng cầu Long Biên (Hà Nội) hồi cuối tháng 5 vừa qua, để tránh nguy hiểm, cơ quan chức năng đã gắn biển cấm đi bộ ở hai đầu cầu. Tuy nhiên, người dân vẫn bất chấp, vô tư đi lại.
Đại diện Công ty CP Đường sắt Hà Hải (đơn vị trực tiếp quản lý, duy tu, bảo trì cầu Long Biên) cho biết, sau 120 năm sử dụng, cây cầu đã xuống cấp nhiều phần, đặc biệt là các tấm đan ở phần đường bộ hành không còn đảm bảo an toàn cho người đi bộ, nếu tụ tập đông người, đùa nghịch có thể xảy ra sự cố ngoài ý muốn
Việc gắn biển cấm người đi bộ ở hai đầu cầu đã diễn ra hơn 2 tháng nay, tuy nhiên nhiều người vẫn vô tư đi lại trên cầu, đặc biệt là trong các khung giờ như sáng sớm, tối muộn thường rất đông người
Thói quen đi bộ tập thể dục buổi sáng vẫn được duy trì trên cầu Long Biên. Nhiều người không ngại "vượt chướng ngại vật" là những thanh chắn được cơ quan quản lý hàn chéo từ lan can xuống mặt tấm đan, tạo thành vật cản trên phần đường bộ hành
Dọc đường bộ hành, cứ khoảng 2m lại có thanh chắn để ngăn người đi bộ và xe máy chạy gây nguy hiểm
Ban ngày, lượng người đi bộ qua cầu ít hơn, chủ yếu là khách du lịch
Một số người cho biết, họ không để ý biển cấm đi bộ. Một số người khác cho rằng việc đi bộ không gây tăng tải trọng cho cầu nên họ vẫn đi lại bình thường
Dù vẫn duy tu, sửa chữa cầu liên tục, song để đảm bảo đúng kết cấu xây dựng từ thời Pháp, lại vẫn "gánh" lượng lớn phương tiện qua lại mỗi ngày, cầu Long Biên gần đây đã xuống cấp trầm trọng
Buổi tối, lượng người và phương tiện dừng lại hóng gió trên cầu với khoảng cách dày đặc. Bất chấp những cảnh báo nguy hiểm về phần đường bộ hành và lan can yếu được gắn biển khắp nơi, nhiều bạn trẻ vẫn thản nhiên ngồi trò chuyện, tâm sự trên mặt những tấm đan có nguy cơ rơi bất cứ lúc nào
Theo ghi nhận của PV Báo Phụ nữ Việt Nam, trước sự "phớt lờ" của người dân với những nguy hiểm tiềm ẩn trên cầu Long Biên, hầu như không thấy cơ quan chức năng nhắc nhở hay xử lý triệt để vấn đề này