Đường lên bản Sinh Tàn không còn cảnh núi cách, sông ngăn như những năm trước đây nữa. Con đường bê tông rộng rãi vượt núi rừng kéo dài tới tận bản. Dọc hai bên đường lớp lớp cây rừng nối nhau kéo dài tới tận chân trời. Ở nơi này, không nhìn thấy một quả đồi trọc nào. Không có khói đốt nương, không có tiếng cưa máy phá rừng chạy rầm rầm như ở một số vùng sâu, vùng xa khác. Tiến sâu vào bản, điều khiến người khách lạ ngạc nhiên là ở nơi sơn cùng, thủy tận lại có vô số ngôi nhà cao tầng, được xây dựng hiện đại mọc lên san sát.
Nhà của Trưởng bản Đặng Văn Nội, nằm ngay cạnh đường cái. Ngôi biệt thự bề thế mọc lên thay thế ngôi nhà gỗ thâm nâu khi xưa. Biệt thự được sơn son và trang trí lộng lẫy chẳng kém gì những ngôi nhà ở khu đô thị mới. Cái sân rộng trước nhà phơi đầy thóc. Trưởng bản đang đi rừng trồng cây. Ở nhà chỉ có bà Lý Thị Xuân (50 tuổi) - mẹ của trưởng bản. Bà Xuân đang chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình ở gian bếp sau nhà. "Nội mới xây cái nhà kia, hết hơn một tỷ đồng đấy. Ở nhà xây cũng thích thật đấy, nhưng tôi quen sống có cái gian bếp, vách gỗ này rồi. Tôi bảo nó giữ lại, đừng phá để mẹ đi ra đi vào cho khỏi nhớ cảnh lam lũ trước kia", bà Xuân chia sẻ.
Ngôi biệt thự của trưởng bản Nội mới hoàn thành được 2 năm. Từ khi con đường bê tông mở lên bản, trưởng bản Nội mới thuê được xe trở vật liệu. "Trưởng bản làm gì mà xây được ngôi nhà to thế"?. Bà Xuân đang nhóm bếp bỗng ngưng tay khi nghe người khách lạ hỏi về điều đó. Bà Xuân cảm thấy tự hào khi nói về hành trình xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của gia đình. Bà kể, cách đây mươi năm, bản tôi cái ăn, cái mặc còn thiếu. Ngoài thời gian ở trên nương, làm ruộng, cả nhà tập trung vào trồng rừng. Khi đó chỉ nghĩ, nhà nước giao rừng cho mình, mình phải làm. Không ai nỡ để đất trống.
Mấy chục ha của gia đình, trồng ròng rã suốt mấy năm mới xong. Cây keo, cây bồ đề, cây xoan như thương người vất vả, chúng lớn lên trông thấy. Bẵng đi hơn chục năm, rừng cây đã khép tán. Thân cây khi cấy xuống nhỏ như đầu đũa, nay đã to gần bằng cái cột nhà.
Rồi Nhà nước mở đường bê tông đến tận bản. Xe tải thu mua cây đỗ ngay dưới chân rừng. Giá trị cây cũng theo đó mà tăng chóng mặt. Từ việc cho không ai lấy, bán mỗi cây keo được cả trăm nghìn đồng, tương đương 20kg thóc. Cả một khu vực rộng lớn mấy chục ha bỗng nhiên thành vàng, thành bạc. "Nhờ đó nhà tôi mới có của để, của ăn. Khai thác xong, nhà tôi lại trồng rừng tiếp. Vài năm trôi qua nhà lại có tiền tỷ chứ chẳng ít. Gớm cái đám mua gỗ giờ tranh nhau vào khai thác. Giờ chỉ sợ không có cây mà bán", bà Xuân tự hào nói về cách làm kinh tế của gia đình.
Men theo con đường bê tông phẳng lì dẫn vào xóm trong, chúng tôi gặp hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Nhiều gia đình đang xây những ngôi nhà bề thế. Có nhà trồng tới tầng thứ 3. Một sự đổi thay mà ít bản nào ở miền Tây Bắc có được.
Gia đình ông Đinh Văn Chăn (62 tuổi) - nguyên trưởng bản cũng vừa hoàn thành ngôi nhà 2,5 tầng. Màu ngói đỏ au, tường sơn vàng, hiện lên giữa cái màu xanh đơn sắc của rừng già. Nom nó thật ấn tượng. Ông Chăn có nước da đen bóng, dáng người rắn rỏi. Ông đang phơi thóc ngoài sân. Từng bao thóc được chất chồng lên nhau. "Bà con chẳng phải lo đói nữa rồi, giờ chỉ nghĩ đến chuyện làm giàu thôi. Thóc đầy bồ, cây đầy rừng, nó là hai nguồn sống của dân chúng tôi", ông Chăn chia sẻ.
Bên kia con suối Sinh, ngôi biệt thự của ông Bàn Văn Thắng, Lê Văn Sinh, Bàn Văn Phú… cũng vừa hoàn thiện. Một sự đổi thay mà ít bản nào ở đất Tây Bắc có được. Tất cả đều bắt nguồn tự chịu thương, chịu khó chăm chút kinh tế đồi rừng của bà con người Dao nơi đây.
Mặt trời vừa khuất sau đỉnh núi, vạt nắng cuối chiều còn hắt lên những căn biệt phủ của bà con người Dao khiến cái bản này giống như một khu nghỉ dưỡng. Từ khắp các ngả rừng, bà con phóng xe máy chạy rầm rầm về bản. Nhà nào cũng có xe máy, nhà nào thóc lúa cũng chất đầy sân. Một sự no đủ và giàu có hiển hiện trên từng nếp nhà. Một sự đổi thay quá ngoạn mục, bởi lẽ cách đây chưa lâu, bản Sinh Tàn được biết đến là bản của 5 không: Không điện, không đường, không trường, không sóng điện thoại và không có hộ khá.
Màn đêm vừa buông xuống, ánh điện từ những ngôi "biệt phủ" đã lên đèn. Tiếng ti vi, tiếng trẻ í ới gọi nhau về nhà nom thật ấm cúng. Hình ảnh tráng lệ và no đủ này xưa đã bao giờ về với bản Dao đâu. Ông Chăn từng tham gia làm trưởng bản suốt mấy thập niên. Ông sinh ra và lớn lên ở miền rừng, nên ông hiểu được những ngày gian nan, vất vả của dân tộc. Ông cũng là pho sử sống của bản Sinh Tàn.
Ông mừng vì bản mình đổi mới, vui vì giờ khách phương xa đã có thể cưỡi con ô tô bốn bánh vào tận sân nhà ông. Không vui sao được khi mà cách đây chưa lâu, bà con người Dao còn sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề. Ông Chăn chậm rãi kể, cái tên bản này bắt nguồn từ 2 dòng suối Sinh và Tàn. Nó là 2 suối lớn nhất chảy qua bản. Bà con mới đặt tên bản là Sinh Tàn. Trước đây, thời xa xưa, bố mẹ ông thuộc hộ khẩu của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Sau 2 lần vận động người Dao hạ sơn, 3 hộ gia đình đầu tiên đã đến vùng suối Sinh, Tàn để lập nhà, dựng bản. Từ vài hộ gia đình ban đầu, dần dần một số hộ dân khác ở xã Tân Lập (Thanh Sơn - Phú Thọ) và người Dao ở Đà Bắc cùng kéo về bản Sinh Tàn tìm nơi định cư.
Ngày đó, do chưa có đường sá, bà con người Dao sống khổ lắm. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều tự cung, tự cấp. Việc trao đổi, mua bán đều phải vượt cả chục km đường rừng ra trung tâm xã. Từ vài hộ ban đầu, đến năm 1990, bản Dao có khoảng hơn 40 hộ, hiện nay là 72 hộ. Sống trong rừng sâu, người Dao còn duy trì nhiều tập tục liên quan đến cúng lễ. Một đời người Dao khi đó, làm cả đời có khi chẳng lo xong việc cúng. Mùa nối mùa trôi qua, cuộc sống nghèo đói cứ lặng lẽ trôi qua. Trẻ em người Dao khi đó cũng ngại đi học. Ở bản chỉ học đến lớp 4. Cháu nào muốn học tiếp phải xuống trung tâm xã trọ học.
Những tưởng cái bản Dao nằm tít trên núi cao sẽ còn khó khăn dài dài, cách đây 6 năm, chính quyền tỉnh Phú Thọ quyết định mở con đường vào bản. Con đường bê tông rộng 3,5m dài hơn 9km nối liền với trung tâm xã. Con đường đã mở ra cơ hội, thoát nghèo, làm giàu cho bà con bản Dao. Một tin vui nữa, cách đây 1 tháng, bản Sinh Tàn chính thức có sóng điện thoại. Niềm vui nối tiếp nhau dồn dập đổ về bản Sinh Tàn.
Con đường bê tông đã kéo được ô tô tải tới bản. Nhờ đó việc bán nông, thổ sản với bà con dễ dàng hơn. "Ở bản Dao, hầu như nhà nào cũng có rừng sản xuất và rừng khoanh nuôi bảo vệ. Cây keo, cây bồ đề trồng bao năm đúng đến tuổi khai thác. Bà con nào có chục ha rừng là thu được tiền trăm, tiền triệu dễ như trở bàn tay", ông Chăn cho biết. Kinh tế đồi rừng là hướng đi đúng đắn mà bà con người Dao đã kiên trì gây dựng suốt bao năm, nay rừng trồng đó đã trả công người trồng.
Cái ăn, cái mặc, chỗ ở được xây dựng khang trang, bà con người Dao lại có đất sản xuất. Họ đã dần chuyển sang trồng quế và phát triển chăn nuôi dưới tán rừng. Một tương lai xa hơn là nhiều hộ đầu tư làm du lịch sinh thái. Nói như ông Hà Văn Nhận, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Cửu, bà con người Dao ở bản Sinh Tàn giờ đã giàu hơn tất cả các bản khác rồi. Phát triển kinh tế đồi rừng là thế mạnh của Sinh Tàn. Bản đang sáng dần lên rồi, chứ không như cái tên gọi ban đầu của nó nữa".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn