Anh Vương Xuân Phương quê gốc ở Sóc Sơn, Hà Nội. Năm 1995, anh theo cha mẹ di cư lên miền núi làm công nhân rồi định cư tại xã Tả Phìn (huyện Sa Pa, Lào Cai). Năm 2010, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Điện lực tại Hà Nội, Phương trở về nhà và có cơ hội tìm được việc làm, đó là trở thành cán bộ dân số của xã.
Phương kể: “Những ngày đầu nhận việc, mọi thứ vô cùng khó khăn. Khi tôi đến trạm, biết được mọi việc mình làm đều liên quan đến phụ nữ, dân số, tình dục, sinh đẻ, tránh thai, sức khỏe… tôi rất ngại. Buổi trao đổi đầu tiên với dân, khi tuyên truyền thì hai chân cứ đập vào nhau, run lắm. Ngoài ra, xã Tả Phìn tuy cách trung tâm thị trấn Sa Pa chỉ có 12km nhưng lại là xã miền núi đặc biệt khó khăn. Xã có hơn 3.000 dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao. Địa hình trong xã nhiều núi đồi, dân ở thưa thớt nên việc đi lại rất khó khăn. Có những thôn tuy cách trung tâm xã chỉ 6 km nhưng tôi chỉ đi xe máy được 2km, còn lại phải đi bộ bằng đường rừng mất ít nhất cũng gần 2 giờ đồng hồ, sau đó lại phải qua 2-3 quả đồi mới đến được 2-3 hộ dân. Vào mùa mưa, có ngày mưa 10 trận, đi bộ đến bản xong rồi đợi mãi vẫn không thể trở về. Ngoài ra, chính sách dân số lại không có trợ cấp cho cộng tác viên dân số nên mình phải tự làm, vất vả rất nhiều”.
Tuy nhiên, theo anh Phương, cũng chính trong những khó khăn ấy, bố mẹ là những người đã động viên anh nhiều nhất, bảo phải cố gắng lên, cứ thử làm đi. Các đồng nghiệp ở trạm xá xã cũng trao đổi nhiều, động viên làm việc này dần sẽ quen, không có gì phải ngại lắm, chỉ cần cởi mở trao đổi, sát sao với người dân thì dần dần sẽ không bị ngại nữa... Thế là Phương cố gắng từng bước trong công tác. Anh bắt đầu chú trọng học ngôn ngữ, có được chứng chỉ tiếng Mông để có thể nói chuyện được với đồng bào (tiếng Dao khó học hơn nên nói được ít hơn một chút). Anh đầu tư vào công tác tham mưu cho lãnh đạo địa phương, ban chỉ đạo về công tác dân số và phát triển xã; lập kế hoạch hoạt động theo từng năm, quý, tháng, thậm chí là tuần một cách khoa học, chi tiết.
Ngoài ra, theo anh, để thực hiện hiệu quả nhất công tác tuyên truyền là phải biết “tỉ tê”. Bên cạnh việc thường xuyên đến với bà con thông qua các buổi họp thôn, anh còn lặn lội đến từng hộ gia đình để nói chuyện. Anh rất chú trọng đến việc nắm bắt tâm lý người dân. Anh hay đến những gia đình sinh con một bề; những gia đình có nguy cơ sinh con thứ 3; những gia đình có kinh tế khó khăn… để nói về lợi ích của việc sử dụng các biện pháp tránh thai, sinh ít con để có điều kiện nuôi dạy, chăm sóc sức khỏe, chăm lo học hành cho con, đảm bảo chất lượng dân số…
Với sự tâm huyết, nhiệt tình của Phương đã góp phần đưa đến nay tỷ lệ sinh con thứ 3 trong xã giảm hiện chỉ còn 11,5%; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49 có chồng và áp dụng các biện pháp uống thuốc tránh thai, đặt vòng, tiêm thuốc tránh thai, bao cao su... lên tới 70%.
Hiện nay, Phương đã kết hôn và anh đã có một cô con gái nhỏ đầu lòng. Anh bảo, cũng may vợ làm cùng ngành y nên rất hiểu công việc của chồng, anh lại càng có sự đồng cảm và chia sẻ cùng nhau trong cuộc sống và công việc. Anh tâm sự: “Đã 8 năm trôi qua, tôi nghĩ mình vẫn thích làm về công tác dân số. Tôi vui và nghĩ sẽ còn gắn bó lâu dài với nó”.
* Clip chia sẻ của anh Vương Xuân Phương về một số khó khăn trong công việc: