Có thể bạn đã biết đến chúng, những virus u nhú được gọi tắt là HPV (human papillomavirus), thứ gây ra tới 90% các ca ung thư cổ tử cung trên toàn cầu. Và phụ nữ, trong độ tuổi từ 9-26, được khuyến cáo nên tiêm phòng virus HPV càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước lần quan hệ tình dục đầu tiên.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo vắc-xin HPV nên được đưa vào chương trình tiêm chủng thường quy và 125 quốc gia đã hưởng ứng lời kêu gọi làm điều đó.
Trong hơn một thập kỷ qua, tiêm chủng HPV được đánh giá là một trong những chiến dịch tiêm chủng hiệu quả nhất hành tinh. Vắc-xin HPV đã giúp ngăn ngừa hơn 300.000 ca ung thư cổ tử cung mỗi năm, biến nó trở thành căn bệnh ung thư có thể dễ dàng phòng ngừa nhất.
WHO dự báo, đến năm 2070, vắc-xin HPV sẽ giúp chúng ta phòng ngừa được hơn 13,4 triệu ca ung thư cổ tử cung, giảm một gánh nặng bệnh tật lớn trên phạm vi toàn cầu.
Thế nhưng, kể từ khi được thực hiện từ năm 2006 tới nay, các chiến dịch truyền thông về tiêm chủng HPV lại đang dẫn tới một "tác dụng phụ". Bởi quá tập trung nhấn mạnh vào việc virus HPV gây ra ung thư cổ tử cung, nhiều người đã nghĩ rằng nếu họ khôn g có tử cung thì sẽ không phải tiêm phòng.
Một nghiên cứu mới trên tạp chí Frontiers in Cellular and Infection Microbiology gần đây đã chỉ ra một nửa dân số là nam giới chưa có nhận thức đầy đủ về nguy cơ của virus HPV. Trong khi, loại virus này có thể làm giảm chất lượng tinh trùng, tăng nguy cơ vô sinh, và gây ra nhiều bệnh ung thư bao gồm ung thư dương vật, ung thư hậu môn, khối u ở miệng và thậm chí vòm họng.
Đó là câu chuyện của Scott Courville, một kỹ sư xây dựng ở tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ. Trong một dịp Giáng sinh vài năm về trước, Courville đang ngắm nghía bộ râu của mình để chuẩn bị đóng giả thành ông già Noel thì anh chợt nhận thấy một cơn đau kỳ lạ ở trong miệng.
Đó không phải là kiểu đau nhói thường hay xảy ra ở răng, cũng không phải cơn đau rát vì bị viêm hay loét họng. Courville cảm thấy cơn đau nhiều lúc âm ỉ, chỉ thoáng qua nhưng thỉnh thoảng nó sẽ trỗi dậy một cách khó chịu.
Như một người đàn ông thường xem nhẹ những cơn đau kiểu đó, và cũng vì quá phấn khích với kỳ nghỉ lễ, Courville đã không đi khám. Anh nghĩ đó chỉ là một triệu chứng bình thường, chẳng mấy nguy hiểm và có thể sẽ tự nhiên biến mất.
Thế nhưng, sự thật không phải vậy. Hơn 1 tháng sau dịp lễ Giáng Sinh và năm mới, Courville đã bắt nhịp trở lại với cuộc sống thường ngày, nhưng cơn đau của anh không nhẹ đi. Courville phát hiện thêm các đốm trắng trên amidan phải của mình. Anh cũng bắt đầu thấy có một thứ gì đó mắc nghẹn ở họng, gây ra cảm giác vướng víu mỗi khi nuốt.
Không còn chần chừ thêm nữa, Courville tới phòng khám địa phương. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm amidan và kê cho anh một đơn thuốc kháng sinh đơn giản. "Họ cho tôi về nhà và hẹn hai tuần sau tới khám lại", Courville nói.
Kết quả là kháng sinh, thuốc chống viêm và cả steroid đều không có tác dụng. Hai tuần sau, các triệu chứng của Courville chỉ trở nên tồi tệ hơn.
Bác sĩ ở phòng khám tai mũi họng giới thiệu anh ấy tới một nha sĩ. "Có thể nha sĩ sẽ nhìn thấy điều gì đó mà tôi chưa thấy", vị bác sĩ nói. Nhưng chuyến viếng thăm phòng khám răng cũng đưa Courville tới ngõ cụt. Toàn bộ răng hàm mặt của anh đều khỏe mạnh.
Nha sĩ quyết định gửi Courville tới bệnh viện để chụp cắt lớp (CT). Kết quả chỉ ra anh có một khối u ở cổ họng, thứ đã gây ra tất cả các triệu chứng. Courville phải gây mê để làm sinh thiết.
"Đó là một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất trong đời tôi, khi mới tỉnh dậy từ thủ thuật gây mê và vị bác sĩ nói: Tôi rất tiếc, nhưng anh đã bị ung thư", Courville kể lại.
Các xét nghiệm chỉ ra anh mắc một bệnh ung thư gọi là biểu mô tế bào vảy ở amidan phải. Căn bệnh này do virus HPV gây ra, loại virus mà Courville không hề có khái niệm về việc mình sẽ nhiễm phải.
Giống như nhiều người đàn ông khác, anh từng nghĩ HPV chỉ lây nhiễm tử cung và gây ra ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
Trên thực tế, những trường hợp như của Courville không còn là câu chuyện hiếm gặp, không chỉ ở Mỹ mà còn trên khắp thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay. Khoảng 80% nam giới và nữ giới có hoạt động tình dục sẽ bị nhiễm virus tại một thời điểm nào đó trong đời.
Virus HPV lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc da kề da, trong quá trình quan hệ tình dục bất kể bằng đường âm đạo, hậu môn hay đường miệng. Thỉnh thoảng, HPV có thể lây nhiễm qua quan hệ tình dục bằng tay và lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai.
Những đối tượng có nguy cơ mắc HPV cao bao gồm người bị suy giảm miễn dịch, người hút thuốc lá, người có nhiều bạn tình, người quan hệ tình dục lần đầu sớm. Các triệu chứng và hậu quả mà virus HPV gây ra phụ thuộc vào phân chủng của chúng.
Ví dụ, virus HPV-5 có thể lây nhiễm mà không gây ra triệu chứng gì, nhưng chúng sẽ tồn tại trên cơ thể người bệnh cả đời. Một số chủng virus HPV khác có thể bị hệ miễn dịch của cơ thể loại bỏ một cách tự nhiên, nhưng nếu chúng tiếp tục tồn tại sẽ gây ra mụn cóc xung quanh bộ phận sinh dục, ví dụ như HPV-6, HPV-11, HPV-42 và HPV-44.
Nguy hiểm nhất là một nhóm gồm 18 chủng virus HPV gây ra nguy cơ cao, bao gồm HPV 16,18, 26, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 53, 56, 58, 59, 66, 68, 73, 82. Các virus này có thể gây ra nhiều loại ung thư bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, ung thư âm hộ, ung thư dương vật, ung thưu hậu môn và ung thư vùng đầu cổ.
Trong nhóm các virus HPV nguy cơ cao, hai chủng HPV-16 và HPV-18 là nguy hiểm nhất vì chúng chịu trách nhiệm cho gần một nửa các ca nhiễm HPV tiến triển thành ung thư.
Khác với các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, việc sử dụng bao cao su không làm giảm đáng kể việc nhiễm HPV vì virus này chủ yếu lây qua tiếp xúc da kề da. Thậm chí việc cọ xát đùi với đùi cũng có thể làm lây lan virus.
Sau khi lây nhiễm virus sẽ xâm nhập tế bào đáy ở da, chứ không đi vào máu. Chúng đợi từ 12-24 giờ để bắt đầu nhân lên. Hệ miễn dịch của chúng ta có thể tự chúng thanh thải virus HPV trong vòng 12-18 tháng.
Tuy nhiên, vì nhiều chủng virus HPV có thể nhiễm đi nhiễm lại nhiều lần hoặc không bị thanh thải, chúng có thể tồn tại dai dẳng, âm thầm làm tăng nguy cơ ung thư mà người nhiễm HPV không hề hay biết.
Đến khi căn bệnh phát tác như trong trường hợp của Courville thì đã quá muộn. Virus HPV vì thế còn được gọi là kẻ giết người thầm lặng.
Có một sự thật là hiện nam giới không có bất kỳ xét nghiệm sàng lọc nào để biết họ có bị nhiễm HPV hay không. Ngược lại, các bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm Pap ở nữ giới – thu thập tế bào cổ tử cung của họ - để phát hiện ra virus.
Bởi HPV có thể được cơ thể tự đào thải, nên mặc dù tới 80% dân số quan hệ tình dục sẽ nhiễm virus HPV tại một thời điểm nào đó trong đời, nhưng xét nghiệm ngẫu nhiên sẽ chỉ phát hiện được HPV trong 11-12% dân số. Con số có thể cao hơn, thậm chí gấp đôi trong một số nhóm dân số nhất định.
Ví dụ, một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Medical Virology tại Việt Nam cho thấy cứ 5 nam giới nhập viện với triệu chứng bệnh tình dục thì có 1 người dương tính với HPV. Virus này được tìm thấy ở tỷ lệ 20,3% trong tổng số mẫu tế bào dương vật.
Tỷ lệ lưu hành cao nhất (84,7%) là trong độ tuổi 20-39 tuổi. Có 8% bệnh nhân nhiễm HPV-16, chủng gây ra nguy cơ ung thư cao. Con số của các chủng HPV nguy hiểm khác lần lượt là HPV-51 (7,7%), HPV-52 (4,8%), HPV-56 (4,2%) và HPV-18 (3,8%). Ngoài ra, HPV-11 và HPV-6, hai chủng gây ra mụn cóc sinh dục là rất phổ biến với tỷ lệ lần lượt là 36,7% và 21,4%.
Điều này cho thấy HPV không chỉ là vấn đề của phụ nữ. Trên thực tế, càng ngày các nhà khoa học càng có nhiều bằng chứng cho thấy virus HPV gây ung thư cho nam giới còn khủng khiếp hơn cả phụ nữ.
Ví dụ, số lượng bệnh nhân nam giới mắc ung thư họng vì virus HPV ở Mỹ cao gấp 3 lần phụ nữ. Tỷ lệ mắc ung thư dương vật vì HPV cũng cao gấp 1,3 lần so với ung thư âm đạo. Nam giới nhiễm virus HPV có nguy cơ mắc ung thư vùng đầu cổ gấp đôi so với phụ nữ, bao gồm ung thư vòm họng, amidan và gốc lưỡi.
Nguyên nhân vì virus này đào thải chậm hơn ở nam giới, và tỷ lệ tiêm vắc-xin HPV của cánh mày râu hiện thấp hơn nữ giới rất nhiều.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị rằng vắc-xin HPV nên được đưa vào chương trình tiêm chủng thường quy cho cả nam và nữ vào năm 2022. Tuy nhiên, mục tiêu chính của tiêm chủng vẫn là các bé gái trong độ tuổi từ 9 đến 14, trong khi các bé trai chỉ được xem là "đối tượng thứ cấp" ở những nơi có điều kiện.
Hiện tại, chỉ có khoảng 1/3 trong số 107 quốc gia có chương trình tiêm chủng HPV đã triển khai cho cả trẻ em trai. Năm 2019, chỉ có khoảng 4% trẻ em trai trên toàn cầu hoàn thành đầy đủ 2 liều vắc-xin, so với 15% ở trẻ em gái.
Một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Cellular and Infection Microbiology mới đây chỉ ra việc quá tập trung vào các chiến dịch tiêm chủng HPV cho nữ giới đã vô tình khiến nam giới bị bỏ quên trong cuộc chiến này.
Đáng lưu ý hơn là ngoài bệnh ung thư, virus HPV cũng ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của nam giới. Các nhà khoa học phát hiện nam giới nhiễm một số chủng HPV có tỷ lệ tinh trùng chết cao hơn đáng kể so với người không nhiễm.
Những người này cũng có tổng lượng bạch cầu thấp hơn, trong khi tình trạng phản ứng oxy hóa tăng cao. Đây là những yếu tố có thể gây ra đột biến, làm thay đổi cấu trúc DNA của tinh trùng và giảm chất lượng tinh trùng.
Nhiễm virus HPV ở nam giới có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới và sức khỏe của con cái họ, các nhà khoa học cho biết.
Những kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trước đây, cho thấy virus HPV có thể làm giảm số lượng tinh trùng, giảm khả năng di động và khả năng sống sót của tinh trùng, tạo ra ảnh hưởng âm thầm lên khả năng sinh sản của nam giới.
Mặc dù vậy, nghiên cứu chỉ ra một nửa dân số là đàn ông vẫn không có nhận thức đầy đủ về các nguy cơ của HPV. Nhiều người đàn ông vẫn từ chối tiêm vắc-xin HPV vì họ nghĩ rằng đó là "vắc-xin dành cho phụ nữ", các nhà nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, như Courville nói, đó là điều hối tiếc nhất mà anh từng làm.
"Trước khi được chẩn đoán mắc ung thư amidan, tôi thực sự không quan tâm đến HPV. Nhưng sau đó, tôi biết rằng nó gây ra nhiều dạng ung thư ở cả nam giới và nữ giới. Tôi có ba người con trai, một đứa 14, một đứa 15 và một đứa 18 tuổi. Khi tôi biết HPV có liên quan đến ung thư, tôi đã cho cả ba đứa đi tiêm phòng", anh nói.
Tại Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch (CDC) khuyến nghị tất cả trẻ em trai và gái trong độ tuổi từ 11 đến 12 nên được tiêm 2 liều vắc-xin HPV, cách nhau từ 6 đến 12 tháng.
Lý tưởng nhất, cả nam giới và nữ giới đều nên tiêm vắc-xin HPV trước năm 26 tuổi. Nhưng người từ 27 đến 45 tuổi vẫn có thể tiêm chủng.
Về phần mình, sau khi phát hiện ra bệnh ung thư amidan, Courville đã phải trải qua 6 đợt hóa trị và 33 đợt xạ trị tất cả. Quá trình này đánh cắp của anh hơn 1 năm cuộc đời và trong quãng thời gian đó, anh chỉ có thể ăn các loại thức ăn lỏng như cháo.
Courville đã giảm tới 45 kg ở thời điểm kết thúc đợt xạ trị cuối cùng. Thật may mắn là xét nghiệm cho thấy khối u của anh đã tiêu biến. Mặc dù vậy, anh vẫn tiếp tục bị loét ở miệng, ù tai và rối loạn vị giác cùng tuyến nước bọt. Các mũi xạ trị cũng đã phá hủy nhiều mô ở cổ họng của Courville, khiến anh vĩnh viễn không thể sở hữu lại bộ râu của ông già Noel nữa.
"Những gì mà tôi đã trải qua hẳn là một thử thách tra tấn về thể xác cũng như đau khổ về mặt tinh thần, Courville nói. "Mặc dù vậy, tôi rất biết ơn vì hôm nay mình đã thoát khỏi được căn bệnh".
Kể từ khi bình phục cho tới nay, Courville đã trở thành một nhà vận động tích cực cho các chiến dịch tiêm phòng vắc-xin HPV ở nam giới. "Nếu bạn có thể giáo dục công chúng, giáo dục các bậc phụ huynh tiêm phòng sớm cho con cái mình. Và nếu chúng ta có thể tiêm vắc-xin HPV cho toàn bộ nam giới ở thế hệ này, chúng ta có thể xóa sổ được những căn bệnh ung thư như tôi đã mắc phải", anh nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn