Sưu tầm đồ cổ là niềm đam mê phổ biến tại Trung Quốc. Các nhà sản xuất tại đất nước tỉ dân cũng vì thế mà tạo ra chương trình thực tế "Kiểm định bảo vật" làm sân chơi cho các nhà sưu tầm được giới thiệu món đồ của mình, đưa bảo vật đến tay các chuyên gia hàng đầu trong ngành khảo cổ, thẩm định.
Trong một tập phát sóng của "Kiểm định bảo vật", người đàn ông họ Trương 58 tuổi quê ở Chiết Giang đã mang theo một miếng ngọc bích đến chương trình.
Nhiều năm trước, một người họ hàng xa vì muốn khởi nghiệp nên đã vay cha ông Trương 100.000 NDT (hơn 350 triệu đồng) làm vốn. Người này sau đó thất bại, công ty bị phá sản, tiền nợ cha ông cũng không trả được nên đã đưa miếng ngọc bích tinh xảo làm vật thế chấp. Từ đó đến nay miếng ngọc vẫn được cất giữ cẩn thận trong nhà.
Sau khi cha qua đời, ông Trương mới tình cờ phát hiện và bất ngờ trước độ tinh xảo của món đồ nên đã quyết định đến gặp chuyên gia thẩm định để nhờ ước tính giá trị của nó.
Cận cảnh miếng ngọc bích hình con hổ
Trung Quốc có nền văn minh ngọc bích bắt nguồn từ xã hội nguyên thủy. Thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc là thời kỳ đồ ngọc phát triển nhanh nhất, lúc bấy giờ ngọc bích được giới quý tộc tôn sùng.
Đến thời nhà Tần và nhà Hán, kỹ thuật chạm khắc ngọc bích tinh tế hơn, phong cách mạnh mẽ, dứt khoát và không gò bó. Các triều đại về sau như nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh có thể nói là đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc ngọc bích.
Chuyên gia cho rằng miếng ngọc của ông Trương được chạm khắc với hình dáng một con hổ, chất liệu bạch ngọc Hòa Điền. Trong đó bạch ngọc là loại ngọc quý nhất trong dòng ngọc Nephrite và thuộc bộ tứ Ngọc nổi tiếng nhất Trung Quốc.
Rất hiếm tìm thấy món đồ bạch ngọc chạm khắc có kích thước lớn như thế này, điều này cho thấy khối đá gốc vốn đã rất lớn. Quan sát tỉ mỉ sẽ phát hiện, hình dáng của con hổ này không được chạm khắc theo lối chân thực mà thiên về kiểu dáng đơn giản, trừu tượng. Phần đầu hổ đặc biệt lớn, hình dạng hơi giống đồ dùng thời nhà Thương - triều đại lịch sử đầu tiên đã được xác nhận tại Trung Quốc.
Tuy nhiên khi nhìn vào phần cổ của con hổ, chuyên gia thấy một số đường khắc, tất cả đều nghiêng một góc gần 40 độ, ngọc lại có nét mài mờ. Đây là đặc trưng đồ ngọc của thời Tây Chu (khoảng năm 300 TCN).
Tới đây chuyên gia nhìn ông Trương háo hức hô to: "Vận may của ông thật sự quá lớn". Chuyên gia đã kết luận được món đồ này có niên đại 2500 tuổi, là vật phẩm từ thời Tây Chu. Thật không dễ gì có được một món bảo vật hoàn chỉnh và tinh xảo như vậy được bảo tồn đến tận ngày nay.
Lúc đầu, món bảo vật này được dùng làm tài sản thế chấp, tương đương với việc bỏ ra 100.000 NDT để mua nó và các chuyên gia cho rằng nó rất đáng mua. Giá trị của miếng ngọc bích không chỉ dừng lại ở con số mà còn là một tài liệu tham khảo quan trọng để nghiên cứu văn hóa ngọc bích của triều đại Tây Chu.
Chuyên gia ấn tượng với món bảo vật của ông Trương. Hình ảnh: Baijiahao
Chuyên gia khẳng định: "Theo giá thị trường hiện tại, con hổ ngọc này ít nhất phải có giá một triệu NDT (tương khoảng hơn 3,5 tỷ đồng)." Nghe đến con số này, ông Trương nhảy hẳn lên vì phấn khích, ông không ngờ món đồ nhỏ bé này lại có giá trị như vậy.
Người dẫn chương trình nhìn thấy sự phấn khởi của ông Trương còn trêu rằng: "Món đồ này trị giá 100.000 NDT, vậy tôi có thể mua nó với giá 200.000 NDT không?". Nghe thấy vậy, ông Trương cười càng tươi hơn, đối với ông đây là vận may muộn màng, ông khẳng định về nhà chắc chắn mình phải bái tạ Thần Tài và cha mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn