"Cuối cùng cũng hoàn thành! Tổng quãng đường chạy 3.263km từ Gia Dục Quan đến Sơn Hải Quan...". Anh em nhà Lindesay đã thông báo tin này trên mạng xã hội vào tuần trước.
Trong 131 ngày, hai chàng trai người Anh gốc Trung này đã thực hiện hành trình chạy đường dài trên Vạn Lý Trường Thành.
Không ngoa khi nói rằng quá trình trưởng thành của hai anh em nhà Lindesay gắn liền với Vạn Lý Trường Thành. Jimmy mới 4 tuổi lần đầu tiên đặt chân lên Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng, trong khi Tommy mới ra đời được bố bế trên tay.
Hai anh em có người bố yêu Vạn Lý Trường Thành như một phần cuộc sống - William Lindesay. Chuyến chạy đường dài này của hai anh em để kỷ niệm lần chạy vào 36 năm trước mà ông William từng thực hiện gây chấn động ở phương Tây.
William Lindesay, người Anh, là nhà khảo cổ học Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng thế giới, chuyên gia bảo vệ Vạn Lý Trường Thành, đồng thời là vận động viên chạy đường dài xuất sắc.
William, năm nay 66 tuổi, lần đầu tiên đến Trung Quốc thực hiện chuyến chạy đường dài trên Vạn Lý Trường Thành năm 1986. Sau đó, ông gặp người vợ Trung Quốc và định cư ở Trung Quốc trong 35 năm.
Họ chuyển đến làng Tây San Tử dưới chân đoạn Trường Thành Tiễn Khâu ở Bắc Kinh. Bức tường trong sân nhà được vẽ kín hình Vạn Lý Trường Thành và những căn phòng chứa đầy sách và các di tích văn hóa về kỳ quan thế giới này... William Lindesay đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Trung-Anh, được Thủ tướng Trung Quốc tiếp đón và được Nữ hoàng Anh khen ngợi.
"Không yêu Vạn Lý Trường Thành, không phải anh hùng", đây là câu cửa miệng của ông lão William.
Theo ông, chỉ “đến” Vạn Lý Trường Thành thôi thì chưa đủ, mà còn phải yêu lấy nó. Ước mơ của ông là một ngày nào đó, Vạn Lý Trường Thành sẽ hoàn toàn trở lại trạng thái tự nhiên và xinh đẹp như trước. Ông đã dành trọn tâm huyết cho Vạn Lý Trường Thành 20 năm liền, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
"Khi còn là một đứa trẻ, hiệu trưởng ở trường là một linh mục. Ông ấy nói rằng mỗi chúng ta nên có ba cuốn sách cạnh giường ngủ: một cuốn Kinh thánh, một cuốn sách cầu nguyện và một tập bản đồ". William Lindesay kể lại rằng trong ba cuốn sách này, ông là người duy nhất để ý đến tấm bản đồ.
“Tôi đã có ý tưởng sẽ đến Trung Quốc khi lớn lên và đi bộ từ điểm đầu của Vạn Lý Trường Thành đến điểm cuối”.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Liverpool chuyên ngành địa chất vào năm 1979, ông tìm được công việc là công nhân dầu mỏ ở Vịnh Suez. 28 ngày làm việc không mấy hứng thú, ông quyết định theo đuổi ước mơ khảo cổ học của mình.
Vào những năm 1980, nước Anh bùng nổ cơn sốt chạy bộ đường dài và gia đình Lindesay cũng không ngoại lệ. Năm 1984, William và anh trai đi dọc Bức tường Hadrian từ Newcastle đến Carlisle. Trong lúc nghỉ ngơi trên đường đi, lời nói của anh trai đã giúp ông thức tỉnh: “William, em nên đến Trung Quốc và chạy trên Vạn Lý Trường Thành một lần”.
Năm 1986, William lần đầu tiên đến Vạn Lý Trường Thành, nơi thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ của ông. Sau một quãng đường chạy không ngừng nghỉ, ông mới nhận ra hành trình này khó khăn như thế nào. Ông bị lạc, bị kiết lỵ, bị gãy xương ở bàn chân và bị bắt vì xâm phạm khu vực cấm.
Một năm sau, ông tiếp tục thách thức Vạn Lý Trường Thành một lần nữa. Lần này với một kế hoạch kỹ lưỡng hơn và ông đã chạy được 2.470km.
"Cuộc hành trình đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi", William nói.
Đó cũng là năm William gặp tình yêu của đời mình. Ông gặp Ngô Kỳ là sinh viên khoa Lịch sử của Đại học Tây Bắc ở Bắc Kinh. Hai người có cùng sở thích gần như yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên.
"Tôi cầu hôn 3 lần. Lần đầu cô ấy từ chối vì tôi là người nước ngoài. Lần thứ hai cô ấy nói bố mẹ không đồng ý. Lần thứ ba, cuối cùng cô ấy chấp nhận tôi", William kể lại.
Năm 1988, hai người kết hôn tại Tây An. Năm sau đó William xuất bản cuốn sách đầu tiên - “Một mình trên Vạn Lý Trường Thành”. Sau một thời gian sống ở Anh, ông trở lại Tây An cùng vợ vào năm 1990, tìm một công việc giảng dạy và gắn bó với nơi này.
Để gần Vạn Lý Trường Thành hơn, William và Ngô Kỳ chuyển đến Bắc Kinh. William trở thành biên tập viên của tờ China Daily, mua chiếc xe đạp và đạp xe dọc Vạn Lý Trường Thành vào mỗi cuối tuần.
Con trai cả Jimmy sinh năm 1994. Năm 1998, họ mua ngôi nhà nông trang bỏ hoang dưới chân Trường Thành Tiễn Khấu và cải tạo thành ngôi nhà hiện tại.
Sau khi sinh cậu con trai út Tommy, William nhận ra rằng đã đến lúc dành thời gian cho những điều ông yêu thích. Ông đã bỏ công việc biên tập để dành toàn bộ thời gian cho công cuộc nghiên cứu và "tìm lại dáng vẻ xưa của Vạn Lý Trường Thành".
Là một người nước ngoài, William nhìn Vạn Lý Trường Thành ở một góc độ hoàn toàn khác với người Trung Quốc.
William bắt đầu tìm kiếm thêm những thứ có thể nói lên phần còn thiếu của câu chuyện Vạn Lý Trường Thành. Ông bắt đầu tìm kiếm trong các viện bảo tàng trên khắp thế giới, bao gồm Anh, Mỹ, thành Vatican… Hành trình của ông mở rộng dọc theo chiều dài của Vạn Lý Trường Thành, không chỉ gói gọn trong nội địa Trung Quốc mà còn mở rộng ra cả một phần Mông Cổ.
Ở đồng cỏ phía Đông Mông Cổ và sa mạc Gobi, ông đã dẫn đầu một nhóm khảo cổ tìm kiếm Vạn Lý Trường Thành huyền thoại của Thành Cát Tư Hãn, cuối cùng tìm thấy một loạt tàn tích làm bằng đất và gỗ.
William Lindesay đến hiện tại đã xuất bản nhiều tác phẩm lịch sử, hầu hết là về Vạn Lý Trường Thành. Nhưng lần đầu tiên ông thực sự được người dân Trung Quốc biết đến qua các phương tiện truyền thông, không phải là một nhà sử học, mà là một nhà bảo vệ môi trường.
Hơn 10 năm trước, ông thường bị người qua đường nhận ra ở nhà ga sân bay: "Này, ông có phải là người nước ngoài nhặt rác trên Vạn Lý Trường Thành không!".
Khi William lần đầu tiên đến Trường Thành Tiễn Khấu năm 1997, phần tường đó đang ở trong tình trạng rất tốt, ít rác và không có hình vẽ bậy. Tuy nhiên, với sự gia tăng của nhiều hoạt động du lịch, nơi đây nhanh chóng trở nên nổi tiếng vì địa hình dốc và du khách khiến nó trở nên tồi tệ hơn trong 10 năm.
"Rác ở khắp mọi nơi, người ta đã khắc tên và vẽ màu lên bức tường gạch. Những viên gạch này đã hơn 400 năm tuổi", William buồn bã nói.
Vào khoảng đầu những năm 2000, William và vợ tổ chức các buổi tình nguyện nhặt rác trên Vạn Lý Trường Thành, thành lập trạm bảo vệ môi trường dưới chân Trường Thành Tiễn Khấu, hợp tác với Cục Di sản Văn hóa Thành phố Bắc Kinh và Quỹ Di sản Văn hóa Thế giới, phát triển lâu dài dự án bảo vệ Vạn Lý Trường Thành.
Lần đầu tiên thực hiện công cuộc làm sạch Vạn Lý Trường Thành, William đã đồng hành cùng 117 người, trong đó có 10 phóng viên. Vụ việc này nhanh chóng trở thành tiêu đề tin tức được dư luận lúc bấy giờ quan tâm.
Nhưng William làm việc này không phải vì muốn thể hiện. Bởi lẽ ông đã kiên trì “sứ mệnh” nhặt rác này hơn 20 năm liền. Cho đến hiện tại vào mỗi cuối tuần, ông cùng gia đình, học sinh, tình nguyện viên cùng nhau đi bộ mười mấy km, nhặt rác đầy túi và mang xuống núi.
Con trai cả Jimmy từng dẫn 2 vận động viên Nam Phi chạy trên Vạn Lý Trường Thành. William đã nghe họ than phiền về lượng rác mỗi ngày trên di tích nổi tiếng bậc nhất này khiến anh vô cùng xấu hổ.
Khi kết thúc bài phát biểu trong chương trình quy mô quốc gia, William Lindsay hỏi khán giả:
"Nếu Vạn Lý Trường Thành tiếp tục bị chịu nhiều thương tổn như thế này, điều gì sẽ xảy ra với những nơi khác?".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn