Mỗi buổi chiều, Muhammad Al Misned rời văn phòng ở Doha, thủ đô Qatar, để lái du thuyền đến ngôi nhà thứ hai của mình ở thị trấn phía bắc Al Kho. Ngôi nhà có mặt tiền tựa như lâu đài nguy nga, bên trong có 3 bể bơi, 2 sân bóng đá, sân chơi bowling, chuồng ngựa, sân bóng chuyền và hàng rào được cắt tỉa cẩn thận, cùng vô số những thứ xa xỉ khác.
World Cup 2022 đã biến Qatar thành một vùng đất náo nhiệt, với lễ hội ngày đêm không nghỉ. Mỗi khi cần tìm một nơi yên tĩnh để nạp lại năng lượng, ông đều về căn dinh thự này.
Sau khi giải đấu kết thúc, ông dự định đến London, thuê một huấn luyện viên cá nhân để được hướng dẫn tập thể dục và kiểm soát lượng calo tiêu thụ. Hoạt động xa xỉ hằng ngày, trong mắt của Al Misned, lại là những hoạt động khá bình thường
“Tôi không phải người giàu có”, Misned nhận định.
Nếu là ở Qatar giai đoạn trước, chẳng mấy người tự thừa nhận cuộc sống họ bình thường trong khi vẫn đang tận hưởng sự xa xỉ, giàu sang.
Trong suốt thế kỷ 20, Qatar không khác gì một sa mạc cằn cỗi, chỉ toàn ngư dân và thợ lặn tìm ngọc trai kiếm sống ở Vịnh Ba Tư. Sau đó, nhờ có người phát hiện ra các mỏ khí đốt ở ngoài khơi bờ biển phía Bắc vào những năm 1970, trùng với thời điểm thị trường năng lượng bùng nổ, quốc gia này đã thay đổi hoàn toàn.
Người dân Qatar hiện thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao nhất thế giới - cùng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí, giáo dục đại học miễn phí, hỗ trợ nhà ở, công việc nhẹ nhàng, hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng mới cưới, và rất nhiều các khoản trợ cấp hào phóng khác.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giàu nghèo ở đây cũng khá rõ ràng. Mức lương tối thiểu cho lao động nhập cư là 275 đô la một tháng, còn thu nhập trung bình hàng năm của người Qatar là khoảng 115.000 đô la. Như một công nhân xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ ở nước này đã nói, không có cái gọi là người Qatar nghèo, chỉ có những người giàu, giàu hơn và giàu nhất.
Trong khi đó, ông Al Misned, 57 tuổi, khẳng định, theo tiêu chuẩn Qatar, ông không phải người giàu có. Al Misned lớn lên ở Al Khor. Cha làm việc trong ngành xây dựng. Hồi nhỏ, ông phải sống trong một ngôi nhà xập xệ làm bằng bùn.
Đến khi ông bước vào độ tuổi thiếu niên, nhà nước Qatar đã làm giàu từ việc xuất khẩu dầu và tài trợ cho sinh viên tiềm năng đi du học. Chính sách nhằm đào tạo các thế hệ người Qatar giỏi tiếng Anh, từ đó dễ dàng làm việc với doanh nghiệp phương Tây. Ông Al Misned từng theo học trường đại học ở Colorado và hiện ông sở hữu công ty tư vấn của riêng mình với các khoản đầu tư vào các dự án xây dựng trên khắp Qatar, Anh và Hoa Kỳ.
Ngôi nhà thứ hai của ông là một kiến trúc nguy nga, với cổng lớn như lâu đài, hàng rào xanh tươi làm từ cây. Xung quanh khu đất, ông nuôi 1.000 con cừu, tám con linh dương sừng tấm Ả Rập, bốn con ngựa, hai con lạc đà và một con chim ưng. “Hồi nhỏ tôi đặt mục tiêu là nếu kiếm được tiền, tôi muốn có một trang trại và tôi cũng muốn xây cho mình một khách sạn để ở. Vì vậy, nhà của tôi hiện tại thực sự giống như một khách sạn nhỏ”.
Ông Al Misned rẽ ra khỏi đường và băng qua một bãi cỏ để chỉ cho chúng tôi vị trí các khu nhà nghỉ. Khi chúng tôi rời đi, ông vẫy tay chào những người đang cắt cỏ - những người công nhân lao động tới từ vùng Nam Á và Đông Phi. “Chỉ cần nói salaam alaikum (xin chào) là bạn đã làm họ cảm thấy được tôn trọng”, ông Al Misned nói, lái xe trở lại qua sân. Những công nhân này thuộc dòng người di cư đã định hình lại dân số Qatar trong những thập kỷ gần đây.
Nhiều người thuộc thế hệ của ông Al Misned từng lớn lên trong điều kiện thiếu thốn, cuộc sống mỗi tối bị vây quanh bởi bóng đêm do mất điện. Giờ đây, họ lái những chiếc ô tô hạng sang. Vận may đã được đảo ngược một cách thần kỳ tạo ra một nỗi sợ về sự vô thường, như thể họ sợ của cải rồi sẽ biến mất nhanh như cách nó xuất hiện. Vì thế, khi vẫn còn tiền, họ không ngại chi tiêu xa hoa, hoặc đem đi đầu tư để “tiền đẻ ra tiền”.
Chiều hôm đó, vợ của ông Al Misned, con gái của họ, và những người phụ nữ trong gia đình đã tập trung lại trong căn dinh thự để theo dõi trận bóng giữa Qatar và Senegal. Theo phong tục của Qatar, những người đàn ông cần rời khỏi khu vực này.
Nhóm phụ nữ nằm trên ghế sofa. Vài phút lại có người giúp việc phục vụ kẹo, cappuchino được rót trong những chiếc cốc viền vàng và một bình cafe kiểu Ả Rập. Giờ nghỉ giải lao, nhóm phụ nữ bước ra ngoài dạo chơi quanh khu nhà trên những chiếc xe golf.
Khi được hỏi liệu có muốn đi chơi ở khu chợ sầm uất, náo nhiệt ở Doha, hay từng tham gia bất kỳ lễ hội nào tổ chức cho giải đấu chưa, một người phụ nữ nói rằng cô không tham dự vì sợ đoàn làm phim truyền hình ở đó sẽ chụp ảnh mình. Cô ấy thích riêng tư hơn.
“Yêu thích sự riêng tư” là một điệp khúc mà nhiều người Qatar thường nhắc đến. Họ dường như đề cao sự riêng tư, kín đáo, không thích ồn ào, huyên náo. Khi giải đấu bắt đầu, đất nước như thể bị đảo lộn từ trong ra ngoài, những cuộc vui chơi trong nhà bấy lâu bỗng được phơi bày ra ngoài đường, mặc dù chủ yếu là du khách nước ngoài tham dự các sự kiện.
Khi trận đấu với Senegal kết thúc, những người phụ nữ ngồi xuống dùng bữa dưới ánh đèn lấp lánh, trên sân khấu là một ca sĩ đang biểu diễn. Khoảng 9 giờ tối, họ khoác những chiếc áo abaya bên ngoài quần jean và áo lụa, tay xách túi Hermes và chậm rãi rời đi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn