Gần đây, ở Nam Kinh, Giang Tô (Trung Quốc), một nữ sinh 16 tuổi đã có hành động khiến mọi người khen ngợi. Được biết khi đang đi trên xe buýt, em bị một người đàn ông khoảng hơn 50 tuổi đứng sau lưng liên tục đưa tay sàm sỡ.
Tỏ thái độ vài lần nhưng không có tác dụng, không chịu đựng thêm, cô gái quay lại tát người đàn ông một cái thật mạnh. Khi cửa mở, người này định xuống xe tẩu thoát thì bị nữ sinh túm cổ áo lôi trở lại xe. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của tài xế, hành khách đã gọi cảnh sát và đưa người đàn ông đến đồn.
Phản ứng này của cô gái nhận được nhiều sự đồng tình của cư dân mạng. Đối mặt với việc bị "bắt nạt", cô không chọn cách nhẫn nhịn mà dũng cảm phàn kháng, khiến kẻ xấu bị trừng trị.
Khi có con gái, nhiều cha mẹ thường quan niệm nuôi con phải dịu dàng, tao nhã. Nhưng xã hội hiện nay đang phát triển như vũ bão, không phải ai cũng là thần hộ mệnh của bạn, là con gái cũng phải có sự dũng cảm, mạnh mẽ đúng lúc.
Cha mẹ nên dạy con gái tôn trọng người khác đồng thời tôn trọng chính mình. Điều này giúp con biết từ chối hay thoát khỏi những tình huống ảnh hưởng tới danh dự, phẩm giá của con. Những đứa trẻ tôn trọng bản thân sẽ yêu thương chính mình, chăm sóc cơ thể cẩn thận và suy xét thận trọng khi đưa ra quyết định.
Các nhà nghiên cứu khoa học cũng đã làm cuộc khảo sát về cách giáo dục giới tính của bé trai và bé gái. Kết quả cho thấy rằng, nếu nuôi dạy các bé gái có tính dũng cảm, chúng ta có thể khiến chúng trở nên thành công và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Tại sao một số cô gái luôn dễ bị bắt nạt? Trên thực tế, một phần lớn nguyên nhân là do họ không biết cách phản kháng. Thông thường, những đứa trẻ yếu ớt sẽ phát hoảng khi chúng gặp vấn đề. Bị ức hiếp một lần, không phản kháng, trở thành bị ức hiếp vô số lần; bị đánh một lần, không đánh trả, trở thành bị đánh vô số lần.
Nhà tâm lý học người Pháp Liz Badori cho biết trong cuốn sách "Nghệ thuật an ủi trẻ em": Khi một số trẻ bắt nạt người khác, chúng không có ý định làm hại đối phương mà chỉ muốn biết giới hạn của đứa trẻ bị bắt nạt nằm ở đâu.
Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, khi đối mặt với việc bị bắt nạt, người ta phải học cách chống trả. Vì vậy, với tư cách là cha mẹ, chúng ta nên hiểu trẻ cũng cần được dạy cách tự bảo vệ mình. Khi bị người khác bắt nạt, bạn phải dũng cảm phản ứng và dám bày tỏ sự tức giận. Chỉ khi có sức mạnh răn đe, bạn mới không bị tổn thương nhiều lần.
Một phụ huynh chia sẻ trên mạng xã hội: Ở một phòng tập đấm bốc, tôi thường gặp hai cha con đang ở đó, và cô bé chỉ khoảng mười tuổi. Sau nhiều lần trò chuyện, tôi mới biết, nữ sinh này học Muay Thái là do khi còn nhỏ thường xuyên bị bắt nạt. Khi đó, cô gái tương đối gầy gò, bố mẹ bận rộn công việc không có thời gian chăm sóc, hơn nữa tính cách lại hơi rụt rè.
Cha mẹ cho con học đấm bốc. Hai năm, cô gái dần dần mạnh mẽ lên, khi lại bị bắt nạt, cô không những không kịp thời ngăn cản mà có lúc còn đánh trả. Dần dần, không ai dám ăn hiếp nữa. Không chỉ vậy, cô gái còn toát lên khí chất mạnh mẽ, "không dễ chọc phá" ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Dù vậy, người bố vẫn không quên dạy con: Gặp phải người xấu, chúng sẽ bắt nạt con rồi chạy thật nhanh, những kẻ liều lĩnh thực sự không phải là thứ mà con có thể đối phó được. Nếu không thể chạy trốn, hãy sử dụng các kỹ năng đã học được để chống lại kẻ xấu. Nhưng nên nhớ chỉ để tự vệ, không gây chuyện. Và trên hết, chọn phương án đảm bảo an toàn nhất cho mình, không hơn thua, gây rối...
Trong xã hội phức tạp và luôn thay đổi như hiện nay, các cô gái cũng cần phải sống mạnh mẽ và bản lĩnh để có thể bình tĩnh đương đầu với thế giới. Điều cần thiết cha mẹ nên làm là để con vận động nhiều hơn và dạy con một số kỹ năng tự vệ cần thiết từ khi còn nhỏ. Bất cứ lúc nào, việc trẻ phát huy khả năng của bản thân vẫn luôn quan trọng hơn nhiều so với việc nhờ người khác giúp đỡ.
Cha mẹ không thể lúc nào cũng là chiếc ô che chở cho con gái. Tốt hơn hết hãy chuẩn bị trước cho con một bộ áo giáp, để sau này dù có gặp bao nhiêu khó khăn, con cũng có thể tự mình vượt qua và dũng cảm lớn lên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn