Ngày 21/12 là ngày thứ 6 liên tiếp, nhiều người dân, chủ yếu là cánh tài xế tập trung phản đối việc đặt thu phí ở trạm BOT Bắc Thăng Long- Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt, Hà Nội).
Cách trạm thu phí chừng 50m, người dân dựng lán nhỏ trên bãi đất trống để làm chỗ nghỉ ngơi. Nhiều tài xế khi đi qua đều dừng lại để ủng hộ bằng cách tặng đồ ăn, đồ uống, chăn màn. Đặc biệt, nhiều người còn live trực tiếp trên mạng xã hội và chia sẻ vào các diễn đàn, hội nhóm.
Trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, anh V., một tài xế túc trực tại Trạm BOT cho biết, sự việc bắt đầu từ ngày 18/12. Theo đó, một số tài xế khi đi qua trạm BOT khi bị yêu cầu trả phí đã dừng lại, kiên quyết không trả phí do trạm đặt không đúng vị trí. Sau một hồi đôi co, các phương tiện ùn tắc khá nhiều. Lực lượng công an có mặt tại hiện trường yêu cầu các phương tiện di dời để tránh ùn tắc. Cánh tài xế cho biết, đây chỉ là thỏa thuận dân sự, trong khi Trạm BOT đặt không đúng vị trí nên không trả tiền. Ngay sau đó, phía nhân viên của Trạm đã xả trạm. “Chúng tôi nghĩ họ chỉ xả làn theo chiều Hà Nội- Nội Bài, không ngờ barie của 8 làn xe ở cả hai chiều đã mở cho các phương tiện đi qua”, anh V. nói
Từ trưa ngày 18/12, cánh tài xế cắt cử túc trực tại Trạm BOT. Họ không có người đứng đầu, mà ai nhiệt tình thì tham gia hỗ trợ. Theo đó, họ phân công người ra đứng tại trạm để vẫy tay cho các xe qua trạm. Khi có xe nào dừng lại định trả tiền, người túc trực cho biết “trạm thu phí không đặt đúng vị trí nên không phải trả tiền”. Nhân viên thu vé không nói gì và barie đã mở nên họ đi thẳng mà không phải trả phí.
Theo anh V., lý do cánh tài xế phản đối trạm BOT vì đây là trạm thu phí cho tuyến tránh TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhưng lại đặt và thu phí trên địa phận Hà Nội. Nhiều tài xế dù không đi đến Vĩnh Yên và di chuyển ở Hà Nội nhưng vẫn phải trả tiền phí là bất hợp lý. Vì vậy, họ đấu tranh để Bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư phải di dời Trạm BOT khỏi vị trí trên. “Chúng tôi cho rằng, việc đặt trạm thu phí ở đây nhiều năm qua là không hợp lý nên tự nguyện đến phản đối chứ không có hội nhóm gì cả. Vì thế, ai mệt có thể vào nghỉ hoặc về nhà chứ không nhất thiết phải ở lại".
Anh T., một tài xế tại đang túc trực tại trạm BOT cho biết, cánh tài xế tuy đấu tranh nhưng rất ôn hòa và tuân thủ các quy định của pháp luật. Vì thế, trong mấy ngày qua, hai bên không xảy ra va chạm như ở nhiều địa phương khác.
Không chỉ phản đối ban ngày, ban đêm cánh tài xế vẫn tiếp tục cắt cử người báo hiệu cho các lái xe biết đang xả trạm. Nhiều người túc trực đã mặc áo phản quang, dùng gậy chỉ huy phát sáng để báo hiệu cho lái xe qua.
Trao đổi với PNVN, một nhân viên soát vé Trạm BOT Bắc Thăng Long- Nội Bài cho biết, truớc đây trung bình mỗi ngày thu phí được 150 triệu đồng. Tuy nhiên, những ngày qua do bị xả trạm nên mỗi ngày thu chỉ được trăm ngàn đồng. “Chúng tôi xả trạm là theo lệnh của cấp trên. Khi nào công ty đưa ra thông báo tiếp thì chúng tôi sẽ thực hiện theo yêu cầu”.
BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài là trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tránh TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) được Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải được giao ký kết hợp đồng BOT với Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8. Hợp đồng có giá trị quyết toán đầu tư là 505 tỷ đồng, hoạt động từ ngày 28/12/2010. Nguồn thu hoàn vốn cho dự án qua trạm này dự kiến với thời gian 16 năm 10 tháng.
Tuy nhiên, những năm qua, nhiều cử tri ở Hà Nội đã bày tỏ bức xúc trước việc thu phí cho dự án tuyến tránh TP. Vĩnh Yên nhưng lại đặt trạm thu phí trên đường thuộc địa phận Hà Nội.
UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xóa bỏ trạm thu phí này. Tuy nhiên, Bộ Giao thông cho rằng thẩm quyền quyết định thuộc Chính phủ.
Liên quan đến vụ việc này, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ, Công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8 phải đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông tại trạm thu phí Bắc Thăng Long; báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 25/12.