Người dân "sập bẫy" vì tin vào những quảng cáo tiếp tay cho lừa đảo trực tuyến

15:47 | 11/06/2024;
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục xử lý triệt phá các đường dây lừa đảo trực tuyến trên mạng xã hội, thế nhưng gần đây, tình trạng diễn viên quần chúng đóng quảng cáo lôi kéo người dân sập bẫy lừa đảo lại diễn ra khá rầm rộ.

Dàn dựng bẫy lừa đánh trúng tâm lý nạn nhân

Nhan nhản các thông tin hình ảnh, clip quảng cáo thu hồi tiền treo, tiền bị lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội, điều đáng nói, các đối tượng này thường dàn dựng kịch bản quảng cáo là những văn phòng luật sư chuyên thu hồi tiền bị lừa đảo khi sập bẫy lừa trên mạng xã hội. Và nạn nhân các đối tượng này nhắm đến, chính là những người đã bị lừa đảo trước đó, chúng đưa ra những hình thức đánh trúng tâm lý mong muốn lấy lại được tiền bị lừa đảo, rồi đẩy họ vào bẫy lừa tiếp theo.

Chị Hoàng Thị Thủy, ở thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, bị lừa mất 1,2 tỷ đồng do tham gia vào kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội. Trong lúc cùng quẫn và sót của, chị thấy fanpage "Công ty luật hỗ trợ thu hồi vốn treo trực tuyến 5.0". Chị đã kết nối và trình bày sự việc của mình với nhân viên tư vấn từ trang fanpage này.

Sau đó, phía nhân viên tư vấn yêu cầu chị nộp phí hồ sơ 5 triệu đồng, đến ngày hôm sau, họ gửi cho chị một số giấy tờ thể hiện việc thu hồi tiền treo của chị trên sàn thương mại điện tử đã được thực hiện và rất khả quan. Rồi yêu cầu chị nộp tiếp số tiền 20 triệu đồng, nếu không thì hồ sơ của chị sẽ bị đóng lại. Do không còn tiền, chị Thủy đã hỏi vay em trai của mình. Sau khi kể lại toàn bộ sự việc, em trai của chị cho chị biết đây là bẫy lừa đảo, nhờ đó chị Thủy không tiếp tục mất tiền oan.

Cần xử lý nghiêm những kẻ quảng cáo tiếp tay cho lừa đảo trực tuyến- Ảnh 1.

Tạo dựng fanpage với danh nghĩa là Văn phòng luật sư để quảng cáo lôi kéo nạn nhân sập bẫy lừa đảo

Chị Trương Thị Hòa, ở Khoái Châu, Hưng Yên, chia sẻ: "Tôi tham gia nhóm kinh doanh trực tuyến và bị mất hơn 30 triệu đồng. Khi tôi xem trên facebook thì thấy quảng cáo lấy lại tiền treo khi tham gia kinh doanh trực tuyến. Liên hệ với họ, thì họ nói là tôi không phải nộp tiền phí, chỉ khi nào họ thu hồi được tiền thì tôi mới phải trả phí là 15%. Sau khi tôi gửi thông tin mình bị lừa trước đó cho họ, thì họ làm những giấy tờ giả mạo của Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước rồi gửi cho tôi, trên đó thể hiện rằng tiền của tôi đã được duyệt thu hồi về. Nhưng để thu hồi được tiền thì tôi phải chuyển khoản cho họ 5 triệu đồng, là tiền thuế, tiền phí gì đó, thì mới có thể lấy lại được số tiền hơn 30 triệu.

Khi tôi yêu cầu họ cứ chuyển tiền cho tôi và tự trừ trên số tiền thu hồi được vì tôi không còn tiền để nộp thì ngay lập tức họ đưa ra những lời chửi bới khiếm nhã, rồi chặn liên lạc với tôi.

Thuê diễn viên quần chúng quảng cáo lôi kéo nạn nhân sập bẫy

Để thu hút niềm tin của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo đã thuê một số diễn viên chuyên đóng vai quần chúng để diễn clip quảng cáo, sau đó tung lên mạng xã hội, chạy quảng cáo với tần suất lớn để tiếp cận con mồi.

Tại fanpage Công ty luật hỗ trợ thu hồi vốn treo trực tuyến 5.0, xuất hiện các clip do bà Nguyễn Kim Ngân và một số diễn viên quần chúng khác, đã vào vai diễn là nhân viên của văn phòng luật sư, chuyên thu hồi vốn treo, tiền bị lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội, với những nội dung rất hấp dẫn như: "Hỗ trợ lấy lại tiền đang bị treo trên mọi nền tảng; phí trả sau khi tất toán; Hiện tại cá nhân nào đang bị treo vốn trên các sàn chứng khoán - Shopee - Lazada - Tiki - Vay online - App Hẹn Hò và các nhiều hình thức; Hãy nhắn tin ngay với chúng tôi ngay để kịp thời hỗ trợ các bạn lấy lại tiền từ các sàn đó nhé; Cam kết thu hồi vốn 100% trên các nền tảng".

Cần xử lý nghiêm những kẻ quảng cáo tiếp tay cho lừa đảo trực tuyến- Ảnh 2.
Cần xử lý nghiêm những kẻ quảng cáo tiếp tay cho lừa đảo trực tuyến- Ảnh 3.
Cần xử lý nghiêm những kẻ quảng cáo tiếp tay cho lừa đảo trực tuyến- Ảnh 4.
Cần xử lý nghiêm những kẻ quảng cáo tiếp tay cho lừa đảo trực tuyến- Ảnh 5.

Hám thù lao quảng cáo những diễn viên quần chúng này đã bất chấp tất cả để diễn quảng cáo tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo

Theo tìm hiểu của phóng viên, những người xuất hiện trong các clip quảng cáo của văn phòng luật sư tự xưng này, chỉ là những diễn viên quần chúng, hiện đang sinh hoạt trong một Câu lạc bộ truyền hình điện ảnh tự phát ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, những người này chuyên đi diễn quảng cáo với thù lao từ 500 - 700 nghìn đồng/clip.

Ông Nguyễn Quốc Việt, từng làm nhân viên công ty truyền thông ở Hà Nội, cho biết: "Những vai diễn lôi kéo người sập bẫy lừa đảo như thế này thường được trả thù lao rất cao, lên tới vài triệu/clip, nhưng không có nhiều người nhận diễn, bởi nó là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức".

Những kẻ đứng sau các đường dây lừa đảo này thường là ở nước ngoài. Để lừa được người Việt Nam, bắt buộc chúng phải thuê người Việt Nam diễn quảng cáo, thu hút niềm tin của người dân, từ đó mới đưa họ vào bẫy lừa để chiếm đoạt tài sản của họ, ông Việt cho hay.

Trước những vấn nạn quảng cáo tiếp tay cho lừa đảo diễn ra công khai, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra xử lý nghiêm những kẻ bất chấp các quy định của pháp luật, các giá trị đạo lý để đẩy nhiều người dân rơi vào những bẫy lừa đảo của những kẻ táng tận lương tâm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết: Hành vi quảng cáo tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo là vi phạm pháp luật, cụ thể như sau:

Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ, việc chia sẻ, cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức có thể bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính sau:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này”.

Ngoài ra, tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình quy định về hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, cụ thể:

“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

c) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này;

b) Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này”.

Bên cạnh các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, giả mạo cá nhân, tổ chức trên Facebook hoặc hình thức khác chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn có thể cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, cụ thể:

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn