Anh Nguyễn Đức Minh, cán bộ xã Thượng Quận, Thị xã Kinh Môn (Hải Dương) vừa tham gia đoàn tuyên truyền phòng chống dịch bằng loa phát thanh đến các thôn trong toàn xã về vui vẻ chia sẻ: "Thời gian qua, chúng tôi liên tục tuyên truyền, phát tờ rơi phòng tránh covid-19 cho bà con, nhưng hầu như người dân thôn quê rất thờ ơ với việc phòng dịch. Dù quanh thôn xóm có vài nhà có người ở nước ngoài về, ở khu công nghiệp của xã cũng có nhiều người nước ngoài tới làm việc sau Tết. Vậy mà mãi lúc này, khi các chốt trạm được lập ra theo lệnh của Chính phủ cách ly toàn xã hội, bà con mới bắt đầu biết sợ dịch Covid-19".
Trước khi có lệnh cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ (ngày 31/3/2020) một vài ngày, người dân nơi đây vẫn có những đám ma, đám giỗ cùng dãy bàn ghế dài để bà con trong thôn, xã đến chia buồn. Những mâm cỗ đám vẫn đến mấy chục mâm. Chỉ khác mọi lần là người khi đến viếng đám ma được chính quyền xã nhắc phải đeo khẩu trang mới được vào viếng đám. Nhưng khi quay ra thì không thấy ai rửa tay, nhất là khi tất cả bà con vào ngồi quây quần ăn đám như bình thường.
"Lo thì cũng lo chút nhưng bà con thôn xóm chúng tôi không sang chia buồn cũng không được. Thôi thì dù sao ở quê vẫn an toàn hơn thành phố" – chị Trần Yến, một người dân ở xã Thượng Quận, huyện Kinh Môn cho biết.
Cũng trong mấy tuần qua, nhiều gia đình có người thân, con cháu sinh sống ở Hà Nội cũng đều được người thân gọi "về quê tránh dịch". Không ít nngười ở các tỉnh, thành khác cũng khăn gói "di tản", đưa con cháu về quê tránh dịch từ nhiều ngày trước đó. Bởi ai cũng nghĩ, về quê có không gian rộng rãi, không khí trong lành, không xô bồ như thành phố, thì "dịch" sẽ còn ở rất xa. Đặc biệt, bà con ở đây vẫn chủ yếu sử dụng khăn che mặt đi làm đồng như mọi lần, khẩu trang y tế hiếm khi được sử dụng. Các khâu phòng dịch khác gần như được bỏ qua.
Tuy nhiên, ngay từ khi có lệnh cách ly toàn xã hội, nhận biết được sự nguy hiểm của dịch bệnh đang lây lan rộng, các địa phương ở thị xã Kinh Môn và nhiều xã, phường đã đồng loạt ra quân lập chốt, trạm để tuyên truyền phòng dịch Covid-19. "Khi được kiểm tra thân nhiệt, tuyên truyền nhắc nhở lúc bà con đi qua các trạm, chốt, người dân đã có ý thức tốt hơn về phòng dịch. Mọi ngày bà con vẫn đi làm đồng, đi buôn bán ở chợ, thì nay đường thôn, xã cũng vắng hẳn" – anh Lương Văn Giáp, Bí thư Đoàn thanh niên xã Quang Thành (thị xã Kinh Môn) cho biết.
Anh Lương Văn Giáp cho biết, sau khi 5 chốt trạm kiểm tra phòng chống dịch được thành lập ở Thị xã Kinh Môn đi vào hoạt động từ ngày 1/4, thì nhiều xã, phường trên địa bàn đồng loạt lập chốt trực chống dịch Covid – 19 tại nhiều tuyến đường, điểm đi lại có đông người dân trong ngày 2/4.
"Lâu nay tôi cứ nghĩ ở quê là an toàn lắm rồi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy sợ dịch bệnh".
Bà Nguyễn Thị Tin, thôn Bãi Mạc, thị xã Kinh Môn, Hải Dương
Tại các tuyến đường liên xã đều sắm thêm xe có loa tuyên truyền di động đến các thôn, xóm để kêu gọi, nhắc nhở người dân phòng dịch nên ở nhà, hạn chế ra đường.
Bà Nguyễn Thị Tin, thôn Bãi Mạc, thị xã Kinh Môn cho biết: Có loa phát thanh, lại ra đường thấy các trạm chốt có công an, cán bộ y tế và đầy đủ chính quyền địa phương đứng đo thân nhiệt, nhắc đeo khẩu trang. Sáng nay tôi đi chợ cũng được chính quyền nhắc nhở, cứ như dịch đến tận đây rồi vậy. Tôi không dám ra khỏi nhà nữa, ở nhà cho đỡ bị dịch bệnh"
"Lực lượng phòng chống dịch tại các địa phương bao gồm cả cán bộ y tế, công an, chính quyền, đoàn thành niên, dân quân đều vào cuộc. Các địa phương đều có sẵn tinh thần, nếu nhận được chỉ thị cấp trên, không chỉ ở tuyến liên xã, phường, mà ngay cả ở các tuyến liên thôn chúng tôi cũng có thể lập chốt trực ngay để đảm bảo nhắc nhở từng người dân tinh thần chống dịch cao nhất" – anh Lương Văn Giáp, Bí thư đoàn xã Quang Thành chia sẻ.
Hy vọng, với sự đồng lòng và ra quân chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ, mỗi người dân thôn quê không còn lơ, coi thường dịch bệnh. Khi đã hiểu rõ hơn về sự lây lan nguy hiểm của dịch Covid -19, bà con sẽ cùng đồng lòng với chính quyền địa phương, góp phần vào công cuộc chống dịch của cả nước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn