Đại biểu Lý Thị Lan , Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang - cho biết, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán ngày càng diễn ra khốc liệt. Hà Giang là vùng núi đá có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, phải đối mặt với khô hạn, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. "Ở nhiều xã vùng cao, người dân phải đi hàng chục kilomet để lấy nước sinh hoạt. Hàng ngàn hecta ngô, lúa không cho thu hoạch, mất trắng" - đại biểu nêu thực tế.
"Cử tri Hà Giang đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dự án đầu tư công để xây dựng hồ chứa nước đa mục tiêu cho vùng cao nguyên đá Hà Giang; giải quyết căn cơ việc thiếu nước ăn, nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao", nữ đại biểu tỉnh Hà Giang nhấn mạnh.
Tiếp đó, nữ đại biểu này chia sẻ, ở nhiều địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do địa hình chia cắt chưa thể đưa học sinh ở các điểm trường về trường chính để học tập; các chế độ, chính sách của học sinh ở các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cũng bị ảnh hưởng.
Tỉnh Hà Giang đã xây dựng mô hình học sinh bán trú dân nuôi và tu sửa, xây dựng các điểm trường từ nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách tỉnh. "Vì vậy, tôi đề nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm dành nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp học, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với học sinh ở những xã đã được công nhận nông thôn mới để đảm bảo duy trì sĩ số học sinh đến trường", nữ đại biểu kiến nghị.
Quan tâm tới việc triển khai Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đại biểu Lý Thị Lan đánh giá, quá trình thực hiện Chuyển đổi Số đã tạo được sự phát triển đột phá về Công nghệ Số. Nhiệm vụ này đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đúng trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là việc xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách.
Tuy nhiên, theo đại biểu tỉnh Hà Giang, trong quá trình triển khai thực hiện Chuyển đổi Số ở nhiều địa phương vẫn còn có những khó khăn như thiếu hụt về nhân sự, về công nghệ thông tin. Ở những địa phương có đồng bào vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều người chưa có điện thoại di động, chưa có điều kiện để tiếp cận thông tin, hạ tầng Công nghệ Số còn thiếu và lạc hậu.
Một số vùng còn chưa có sóng di động, chưa có điện lưới quốc gia. Việc triển khai hệ thống thông tin giữa Trung ương và địa phương chưa đồng bộ, còn hiện tượng trùng lặp dẫn đến địa phương phải dừng triển khai hoặc thay thế, nâng cấp để kết nối với Trung ương. Có những hệ thống thông tin dùng chung trong hệ thống chính trị nhưng mỗi nơi sử dụng một phần mềm khác nhau.
Đại biểu cho rằng đây chính là vấn đề lãng phí trong Chuyển đổi Số. Để khắc phục những hạn chế này và hoàn thành mục tiêu cơ bản Chuyển đổi Số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ Thể chế, Nhân lực Số; kết nối các cơ sở dữ liệu; quyết liệt triển khai hệ thống thông tin, Cơ sở Dữ liệu Quốc gia thống nhất từ Trung ương đến địa phương; thống nhất tích hợp tất cả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, đảm bảo dữ liệu luôn đúng, đủ, sạch, sống theo thời gian thực.
Cũng quan tâm đến chiến lược chuyển đổi số ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - ủng hộ quan điểm của đại biểu Lý Thị Lan.
Theo bà, công cuộc chuyển đổi số cần có hạ tầng về công nghệ thông tin phù hợp, phát triển ở mức độ nhất định, và người dân cũng cần có kiến thức để khai thác, sử dụng hiệu quả.
Tuy nhiên, các yếu tố này tại các huyện miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới còn rất khó khăn, hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa đáp ứng để thực hiện số hóa nhiều ứng dụng đang được triển khai hiện nay.
Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá thật kỹ lưỡng vấn đề này để các chiến lược phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số phù hợp với các địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi khó khăn trong từng giai đoạn nhất định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn