Người đánh 2 phụ nữ nghi bắt cóc trẻ em có thể bị xử lý hình sự

20:10 | 24/07/2017;
Việc đánh người, bắt giữ người, hủy hoại tài sản khi chỉ nghe thông tin “bắt cóc trẻ con” như vậy là trái pháp luật? Do đó, khi thấy các tình huống trên, người dân phải tìm hiểu sự thật cụ thể, rõ ràng, bình tĩnh và cần sự phối hợp với cơ quan chức năng.

Liên quan đến vụ việc hàng chục người dân quây đánh 2 người phụ nữ là Lê Thị Bảy (SN 1977, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Phúc (SN 1965, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội), là thành viên của Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức khiến họ phải nhập viện điều trị.

Trao đổi với Phóng viên PNVN về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Công ty Luật IPIC – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cho biết: “Pháp luật khuyến khích việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật như tham gia đuổi bắt kẻ trộm, bắt cóc... Tuy nhiên, việc đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho người có hành vi phạm tội là không được phép. Trong trường hợp này, vẫn chưa xác định rõ đó có phải là người bắt cóc trẻ con hay không mà chỉ là nghe thông tin từ người xung quanh mà đã đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho người khác... Những hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác”.

20370256_1583733251644918_1681230282_n.jpgLuật sư Nguyễn Doãn Hùng trao đổi với PV PNVN.

Cũng theo Luật sư Hùng, thời gian qua công an một số địa phương đã mời những kẻ rảnh hơi tung tin đồn nhảm lên mạng xã hội để xử lí. Tùy mức độ gây thiệt hại cho cá nhân, xã hội hay doanh nghiệp, những kẻ tung tin đồn bị phạt tiền và bắt xóa những thông tin bậy bạ. Tuy nhiên, với những cái đầu quá cả tin thì thông tin đó đã ăn quá sâu vào bộ nhớ, khiến họ hành xử không còn bình tĩnh và tỉnh táo, dễ gây ra sai lầm, thậm chí có thể những sai lầm không sửa được và gây nhiễu thông tin cho cơ quan điều tra.

Do đó, khi thấy các tình huống trên, người chứng kiến phải bình tĩnh để tìm hiểu sự thật cụ thể, rõ ràng, qua đó mới hành động, tránh các hành động vi phạm pháp luật do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc phòng vệ chính đáng quá sớm. Bên cạnh đó cũng tuyên truyền để người dân không bị các thông tin trên mạng xã hội gây nhiễu.

Trước đó như PNVN đưa tin, trên mạng xã hội facebook đã lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh người dân vây bắt và đánh đập vì nghi họ là đối tượng bắt cóc trẻ em.

Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào trưa 22/7, tại thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. 

Danh tính 2 người phụ nữ được xác định là Lê Thị Bảy (SN 1977, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Phúc (SN 1965, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội), là thành viên của Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức.

Theo lời khai của 2 người phụ nữ này, khi đến nhà cháu Đinh Huy A. (SN 2012, ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình, con trai anh Đinh Văn Trung (SN 1992, ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình), 2 người đã hỏi bố mẹ cháu A. có nhà không chỉ để bán tăm bông.

Thấy hai người phụ nữ lạ mặt hỏi han cháu A. nên bà Nguyễn Thị T. (SN 1974, bà nội cháu A.) đã đuổi chị Bảy và chị Phúc ra khỏi nhà, đồng thời hô hoán hai chị bắt cóc trẻ em.

hai-phu-nu-bi-danh-bam-dap-vi-nghi-bat-coc_tvfo.jpg
2 phụ nữ bị nhiều đối tượng quá khích quây đánh (ảnh cắt từ clip).

Tại thời điểm đó, một số người dân cho biết, 2 người phụ nữ này lợi dụng thời điểm giữa trưa đã dụ dỗ một đứa trẻ ra cổng để cho kẹo nhưng đứa trẻ không ra. Sau đó, thấy người lạ, dân làng đã hô hào và bắt giữ 2 người phụ lại tra hỏi.

Một số người dân thôn Thái Phù, xã Mai Đình chưa hiểu đầu đuôi sự việc ra sao, đã nghe theo và đuổi đánh các nạn nhân đến địa phận Khu 1, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, khiến hai người bị thương.

Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, CAH Sóc Sơn đã kịp thời cử tổ công tác xuống hiện trường đưa các chị Bảy và Phúc đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn để khám, điều trị và tiến hành lấy lời khai người có liên quan, xác định chị Bảy và chị Phúc không có hành vi bắt cóc trẻ em.

Hiện vụ việc vẫn được cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

PNVN sẽ tiếp tục thông tin trên.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
e) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
f) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”.
(Nếu thương tích nặng trên 11% thì xử lý hình sự, nếu dưới 11% thì xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP).



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn