Trong căn nhà gỗ bên bờ dòng suối Nhù, ông Bàn Văn Xiêm, ở thôn Khe Quýt, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, đang cặm cụi lật dở từng trang sách cổ để kiểm tra và lau chùi bụi bẩn, đây là công việc thường xuyên của ông. Những cuốn sách đã quá cũ rách thì ông lại dành thời gian sao chép sang bản sách mới, cứ thế, bộ sách cổ của gia đình nhà ông Xiêm đã được lưu truyền từ đời nọ sang đời kia không biết đã bao năm rồi.
Ông Xiêm kể: “Người Dao ở đây nhà nào cũng có sách cổ, ít thì một vài cuốn, nhiều thì tới vài chục cuốn, thậm chí có cả trăm cuốn. Người Dao chúng tôi rất coi trọng sách cổ, đây là những thứ mà tổ tiên đã truyền lại từ ngàn năm rồi, nên con cháu phải có trách nhiệm duy trì và gìn giữ, để truyền lại cho các thế hệ con cháu. Nếu là hư hỏng mất mát thì mình có tội với con cháu mai sau, nên tôi luôn luôn phải gìn giữ cẩn thận”.
Người Dao là tộc người di cư vào Việt Nam từ mấy thế kỷ nay, trên chặng đường thiên di ấy, họ luôn mang theo sách cổ và vốn chữ Nôm của dân tộc mình, bởi những cuốn sách đó chẳng những chứa đựng tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng của tộc người họ, nó còn chứa cả kho tàng kiến thức về sản xuất, về chữa bệnh, về văn hóa văn nghệ truyền thống, về lịch sử văn hóa tộc người một cách đầy đủ và chi tiết.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Quang Mười, cho biết: “Trên mỗi chặng đường thiên di của mình, người Dao thường ghi chép lại những hành trình gian nan vất vả, để tạo dựng cuộc sống, nên họ thường ghi lại để nhắc nhở con cháu đời sau hiểu và ghi nhớ công lao của ông cha mình. Đây là những nét đặc thù và thể hiện sự uyên bác của người Dao mà không nhiều dân tộc ở Tây Bắc làm được như họ”.
Nghệ nhân ưu tú Triệu Văn Quẩy, ở thôn Nậm Xiu, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, chia sẻ: “Người Dao ai cũng coi trọng sách cổ của dân tộc mình, bằng mọi giá họ đều gìn giữ và trân trọng sách cổ. Từ thời xưa, người Dao trải qua nhiều cuộc biến cố, bị kẻ thù săn đuổi, bị truy sát, phải chạy loạn trốn tránh kẻ thù. Nhưng trên con đường chạy loạn đầy hiểm nguy ấy, cha ông chúng tôi vẫn luôn mang theo sách hoặc cất giấu, sau lại về tìm lại. Nên mới có những bộ sách đã có cả trăm năm tuổi như bây giờ”.
Ngoài việc coi trọng gìn giữ và bảo quản sách cổ, thì người Dao còn chú trọng đến việc dạy chữ Nôm Dao của dân tộc mình cho các thế hệ con cháu, đây mới chính là biện pháp duy trì và bảo tồn kho tàng sách cổ quan trọng nhất đối với họ. Cho đến nay, việc dạy chữ Nôm Dao đã phát triển khá mạnh, đặc biệt là từ khi ngành Văn hóa từ trung ương đến các địa phương đều thúc đẩy chủ trương khuyến khích người Dao tổ chức dạy chữ cho con em trong cộng đồng.
Nhờ đó, ở các tỉnh có cộng đồng dân tộc Dao sinh sống như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, đều có phong trào truyền dạy chữ Nôm Dao trong cộng đồng, với phương châm “trò tự nguyện học, thầy tự nguyện dạy”, nên sách cổ và chữ Nôm Dao ngày càng được gìn giữ và bảo quản tốt hơn.
Ông Phàn Vần Chang, ở bản Khèo Thầu, xã Hồ Thầu, tỉnh Lai Châu, cho biết: “Mình vẫn dạy chữ cho các con các cháu, đây là việc làm tự nguyện nhưng cũng là trách nhiệm của mình. Nếu mình không dạy cho các cháu biết thì sau này sách mình có để lại cũng không dùng được. Nên để giữ được sách thì phải dạy chữ cho con cháu, thì nó mới có ý nghĩa, nó biết chữ thì mới biết đọc và biết dùng”.
Phong trào gìn giữ phát huy chữ Nôm Dao và sách cổ của người Dao tốt hơn cả, có lẽ phải kể đến tỉnh Lào Cai, từ đầu những năm 2000, Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) tỉnh Lào Cai, đã tiến hành kiểm kê kho tàng sách cổ của người Dao với hơn mười nghìn cuốn sách trong toàn tỉnh, sau đó đơn vị này đã tổ chức hàng loạt lớp truyền dạy chữ Nôm Dao ở cộng đồng các làng bản người Dao.
Nhờ đó mà ngày nay không chỉ kho tàng sách cổ của người Dao ở Lào Cai được gìn giữ, bảo quản và sao chép thêm ra rất nhiều, mà phong trào tổ chức truyền dạy chữ Nôm Dao vẫn được duy trì đều đặn hàng năm rất lớn, như ở Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Thắng. Đây là những phương pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo và có tính bền vững trong cộng đồng rất ý nghĩa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn